Dẹp nạn 'chống lưng'

Việt Thắng 09/03/2017 09:44

Không phải ngẫu nhiên, hai chữ “chống lưng” cho sai phạm đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhắc đến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm diễn ra ngày 7/3. Và, không dưới một lần, ông đã nhắc đến không để hình thành các băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen. Nơi nào để tội phạm lộng hành thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, người bảo kê, “chống lưng” cho tội phạm lộng hành.

Hai chữ “chống lưng” được Phó Thủ tướng nhắc đến cũng chính là lời nói thẳng băng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhắc đến tại Hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị diễn ra cuối tuần trước: “Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có Công an đứng đằng sau. Các Bí thư, Chủ tịch Quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của Bí thư, Chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi”. Một sự “chống lưng” đã được chỉ rõ địa chỉ.

Như vậy trách nhiệm đã được đề cập thẳng thắn, không “phải bắn chỉ thiên” mà đã có địa chỉ. Đó là người đứng đầu địa phương để cho hình thành các băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen.

Sự “chống lưng” không phải đến nay mới phát hiện mà đã trở thành hiện hữu. Còn nhớ, sự “chống lưng”, hay bảo kê đã trở thành tiêu điểm của dư luận khi năm 2013, người dân thôn Phú Mỹ, xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lo lắng hoảng sợ trước đối tượng Phạm Khắc Tuấn cùng 15 đối tượng khác chém người giữa ban ngày do những người này đứng ra tố cáo sai phạm của Chủ tịch xã Đông Ninh là ông Phạm Ngọc Thơi. Không bị khai trừ khỏi Đảng, Tuấn còn nằm trong Hội Nông dân, thậm chí còn được giới thiệu vào vị trí Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Ninh.

Anh em Phạm Khắc Tú và Phạm Khắc Tuấn đã ‘”làm mưa làm gió” ở huyện Khoái Châu trong suốt nhiều năm từ việc khai thác cát bất hợp pháp; cố ý gây thương tích; cưỡng đoạt tài sản; mua, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Ngay lúc bây giờ, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Thế lực nào đứng đằng sau băng nhóm xã hội đen do Phạm Khắc Tú cầm đầu?

Băng nhóm này hoạt động công khai, nhưng cả hệ thống chính quyền ở cơ sở đều làm ngơ, khiến người dân trong mấy xã lân cận đều phải im lặng vì sợ bị trả thù. Người dân bức xúc về hành vi côn đồ của băng nhóm này nhưng chính quyền xã, huyện không hay?

Kết luận của Thanh tra tỉnh giao UBND huyện Khoái Châu xử lý những cán bộ sai phạm, nhưng huyện vẫn “ngâm” 3 năm trời. Chưa kể nhóm của Tú được ưu ái, nhất là thầu bến phà Đông Ninh với thời hạn tới 49 năm.

Vụ việc chỉ chấm dứt khi Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vào cuộc, khởi tố vụ án: cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, đánh bạc, tàng trữ vũ khí, gây rối trật tự công cộng, chạy án do Phạm Khắc Tú cầm đầu trong băng nhóm “xã hội đen”. Đến tháng 3/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tuyên phạt Phạm Khắc Tú 30 năm tù giam.

Sự “chống lưng” hay là một mối quan hệ “cộng sinh” được đặt ra theo nguyên tắc “có đi - có lại” đang đe dọa cuộc sống an lành của người dân.

Có những con số được công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tuy mừng mà lại lo. Mừng là bởi trong năm 2016, các vụ phạm pháp hình sự có giảm 54.511 vụ (giảm 4,4% so với cùng kỳ).

Nhưng lại lo khi nổi lên hoạt động của tội phạm có tổ chức ở các địa phương, mà điển hình là tội phạm giết người gia tăng; tội phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng; tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia; các đối tượng thường thông đồng, móc ngoặc giữa nhóm tội phạm trong và ngoài ngân hàng để trục lợi, cố ý làm trái các quy định, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Một nỗi lo khác cũng đang hiện hữu là tình trạng “sở hữu chéo”, “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực ngân hàng, xuất hiện thủ đoạn sử dụng lợi ích nhóm để tham nhũng, có sự chuyển dịch lợi ích ra khu vực ngoài Nhà nước để tham nhũng. Đáng lo ngại nữa là tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công, quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát lớn nguồn vốn nhà nước.

Các loại tội phạm khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu và gian lận thương mại, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma tuý vẫn diễn biến phức tạp và nhiều nổi cộm.

Và không phải ngẫu nhiên, Phó Thủ tướng đã yêu cầu mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép từ ngày 15/3 đến 1/6. Một loại tội phạm cụ thể được chỉ tên chứ không còn là loại tội phạm còn tiềm ẩn.

Sự cương quyết của vị Phó Thủ tướng thường trực trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ diễn ra trong bối cảnh tình hình nổi cộm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, nhất là những diễn biến phức tạp đối với các loại tội phạm có tổ chức trên một số địa bàn trọng điểm gây dư luận phẫn nộ và hoang mang trong nhân dân. Mà “góp phần” trong đó, có vai trò của cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa quan tâm, chưa quyết liệt trong lãnh đạo khi “ngay cả cuộc họp quan trọng này cũng thiếu vắng một vài lãnh đạo các tỉnh không tham dự mà giao cho ngành Công an”- đã được Phó Thủ tướng nhắc đến.

Là việc cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng lại chỉ được giao phó cho một ngành. Đó là do ý thức trách nhiệm của người đứng đầu địa phương chưa được đề cao.

Một lần nữa, Phó Thủ tướng cũng đã nhắc đến: “Cần tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, kể cả đối tượng đã trốn ra nước ngoài, không để hình thành các băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen.

Nơi nào để tội phạm lộng hành thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm”. Chỉ khi nào người đứng đầu địa phương vào cuộc và chịu trách nhiệm, thì mục tiêu tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; các loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc nghiêm trọng đạt trên 90% trên tổng số án khởi tố; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trên 90% mới có thể đạt được trong năm 2017. Muốn thế phải chỉ ra được ai là người phải chịu trách nhiệm khi tội phạm xảy ra ở địa phương mình, lĩnh vực mình phụ trách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dẹp nạn 'chống lưng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO