Dệt may lại gặp khó

Thanh Giang 22/04/2017 08:00

Thị trường dệt may ngày càng được mở rộng bởi các hiệp định thương mại song phương và đa phương, tuy nhiên hàng dệt may gặp “rào cản” từ quy tắc xuất xứ nên khó tăng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường châu Âu (EU) chính là minh chứng cho “rào cản” này.

Dệt may khó phát triển mạnh vì thiếu nguyên liệu đầu vào để đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Trong khi Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương bị trì hoãn, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - EU (EVFTA) trở thành điểm đến vững chắc cho tất cả doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam nói chung và DN dệt may nói riêng.

Đối với ngành dệt may, EVFTA sẽ là cơ hội để dệt may đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Sau khi thực có hiệu lực (năm 2018), 71% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào được miễn thuế. Các dòng thuế còn lại tiếp tục xóa bỏ trong 7 năm sau đó và thuế suất hàng dệt may sẽ giảm về 0%.

Phòng Công nghiệp Pháp tại Việt Nam thông tin, hàng may mặc nhập khẩu từ Việt Nam vào EU có mức tăng trưởng cao hơn so với các nước khác với tốc độ tăng trưởng trên 25% năm với khoảng 3 tỉ USD/năm. Trong đó các sản phẩm xuất khẩu nhiểu nhất vào EU gồm áo vest nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 48%, tiếp đó là trang phục nam 32%, áo đầm nữ 28%... Tương tự, các nước khác cũng đánh giá cao chất lượng và tỷ trọng của dệt may Việt Nam.

Mặc dù, trước khi có EVFTA thị trường này được đánh giá cao và DN nỗ lực xuất khẩu song kim ngạch xuất khẩu không xứng tầm với thị trường tiềm năng này. Bà Vũ Thị Phương- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, hiện thị phần hàng dệt may Việt Nam vào EU còn thấp.

Đến hết năm 2015, hàng dệt may chỉ chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng dệt may, lý do hàng dệt may Việt Nam chịu thuế xuất ở mức cao từ 8 - 12%, điều này làm giảm tính cạnh tranh của DN. Ngoài ra, một khuyết điểm không kém phần quan trọng cần khắc phục là DN chưa hiểu biết đầy đủ về xuất xứ hàng hóa, trong khi các FTA thế hệ mới ngày càng khắt khe hơn với chuẩn này.

Bà Đặng Phương Dung- Phó Ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chuyên gia Dự án EU - Mutrap cho rằng, mặc dù thị trường EU là thị trường tiềm năng của ngành dệt may, đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ, tuy nhiên lượng hàng vào thị trường này chưa thật sự như mong đợi. Trước đây hàng dệt may Việt xuất khẩu vào thị trường EU là nhờ tiêu chuẩn GSP- ưu đãi thuế quan phổ cập (cho phép cộng gộp xuất xứ từ các nước Asean khác). Tuy nhiên, vài năm gần đây kinh tế Việt Nam được đánh giá cao, cho nên các nước hạn chế hỗ trợ hàng nhập khẩu, thậm chí tăng “rào cản” để lựa chọn những sản phẩm chất lượng.

“Ngành dệt may sức cạnh tranh còn yếu chủ yếu là SME, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì bị động, giá trị thấp; nguồn nguyên liệu đa phần là phụ thuộc. Lệ thuộc vải nhập khẩu (86% nhu cầu), đặc biệt phụ thuộc 46% nguồn nguyên liệu dệt may của Trung Quốc, rồi tình trạng nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm”, bà Dung nhấn mạnh.

Giải thích cho nguyên nhân chậm tăng trưởng thị trường xuất khẩu của dệt may ở EU, ông Stefan Moser- chuyên gia Dự án EU - Mutrap cho rằng, với EVFTA, nhiều sản phẩm được đưa về 0% từ ngày đầu tiên, hoặc là giảm mỗi năm một ít và dần dần tất cả về 0%. Đơn cử, trong EVFTA, áo vest của nữ giảm từ 12% xuống còn 6%. Thuế suất nhập khẩu hàng dệt may giảm khá mạnh song vấn đề đáng quan ngại ở đây là dệt may Việt Nam không đáp ứng đúng về quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Theo ông Stefan Moser, hàng của Trung Quốc mà mở ra đóng gói lại thành hàng Việt Nam là không được, thậm chí DN Việt có đem đi giặt, hấp và phủ một lớp cũng vẫn là hàng Trung Quốc. Đây không phải là một công đoạn phát triển giá trị gia tăng. “Chế biến” theo kiểu gia công đơn giản không đủ để công nhận xuất xứ hàng hóa, ngay cả trong các trường hợp cộng gộp cũng không được công nhận.

Tốt nhất là nên tránh những cách “chế biến” quá đơn giản không đủ để tăng giá trị gia tăng. Làm vậy ban đầu DN có thể kiếm được ít tiền nhưng sau đó hải quan EU sẽ sang Việt Nam xác định, khi đó DN bị truy thu lại số tiền và nộp phạt. Về lâu dài, việc không áp dụng và thực hiện đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa sẽ là cơ hội để các DN có vốn đầu tu FDI nhảy vào thị trường, gia tăng tính cạnh tranh.

“Hiệp định song phương ngày càng tăng nên điều này thuận lợi với các nhà xuất khẩu, tuy nhiên hàng hóa phải có nguồn gốc từ một nước đối tác có…, phải có bằng chứng về xuất xứ gọi là giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EUR”- ông Stefan Moser cảnh báo .

Dựa trên triển vọng xuất khẩu của hàng dệt may hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 30 - 31 tỷ USD (năm 2016 là 28 tỷ USD). Riêng thị trường EU, tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may có thể tăng mạnh vì các nước chấp nhận nguồn nguyên liệu có xuất xứ trong nội khối EU hoặc là những nước mà EU có ký kết hiệp định thương mại. Một điều không kém phần quan trọng, nếu DN Việt nóng lòng đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh thì nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ, chống phá giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may lại gặp khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO