Đi bộ

Trần Hữu Thăng 01/08/2021 19:30

Tôi tự suy nghĩ thấy mình có thiếu sót là biết rất ít về đi bộ từ cơ sở khoa học đến các lợi ích của nó.

Một lần may mắn được dự một hội thảo quốc tế về người cao tuổi tại Mỹ, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ông Wilson, trước là Bộ trưởng Y tế Mỹ, sau ông trúng cử Chủ tịch Hội Y học thế giới (World Medical Ascociation: WMA) là một tổ chức danh giá bên cạnh WHO (Tổ chức Y tế thế giới) trực thuộc Liên hiệp quốc, đứng dậy tuyên bố dõng dạc: “Đi bộ là phát minh để bảo vệ sức khỏe lớn nhất của Y học hiện đại”. Tôi tự suy nghĩ thấy mình có thiếu sót là biết rất ít về đi bộ từ cơ sở khoa học đến các lợi ích của nó. Tôi bắt đầu tìm hiểu về “Đi bộ” một cách có ý thức và trở nên đầy hứng thú khi đã thấm được một phần các lợi ích rất thiết thực của nó.

Tài liệu đầu tiên tham khảo về đi bộ mà tôi được đọc là cuốn tạp chí phổ biến khoa học cho đại chúng, có tên “Hygiene” (Vệ sinh) do Hội Y học Hoa Kỳ xuất bản từ năm 1926. Dĩ nhiên sách ra đời từ 95 năm về trước nên chưa có những nghiên cứu sâu về sự biến đổi các hệ thống cơ quan chức năng của cơ thể như: Tuần hoàn, hô hấp, cơ, xương, khớp, nhưng cũng đã cho ra một số khái niệm chung rất quan trọng, đó là: “Cơ quan chức năng nào không được sử dụng thường xuyên sẽ teo đét và hỏng các chức năng bình thường của nó”.

Tổng kết của bác sĩ Grace Al Cardts cũng đã cho thấy: “Đi bộ là phương pháp tập luyện rẻ tiền nhất và dễ làm nhất”. Vì nó rẻ và dễ làm nên hàng trăm triệu người mới có thể tập luyện hàng ngày để bảo vệ sức khỏe cho mình. Lâu lâu khi đi công tác địa phương, đến những tỉnh nghèo ở vùng sâu vùng xa, thấy từ 5 giờ sáng đã có nhiều tốp trẻ có, già có, người đi bộ, người chạy bộ, người tập thể dục ở quanh hồ hoặc quanh một quảng trường rộng rãi, chúng tôi rất mừng vì “Đi bộ” đã về đến nông thôn và các địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế.

Cuốn sách tiếp theo mà tôi tham khảo được là cuốn “Đi bộ và sức khỏe” của tác giả người Nhật Bản, Kuzuhara Kemmi, do Nguyễn Khắc Khoái chuyển ngữ sang tiếng Việt. Cuốn này viết kỹ, có hệ thống, có thể tóm tắt cuốn sách một cách dễ hiểu như sau: Sinh mệnh của một con người phụ thuộc vào việc con người đó có vận động hay không. Vận động nghĩa là còn muốn sống, muốn tồn tại. Còn lười biếng, ít vận động, chắc chắn sinh ra nhiều bệnh tật, ốm đau quặt quẹo.

Tôi nhớ có lần đi qua một Khoa Ngoại Tổng hợp của một bệnh viện lớn ở Pháp, người ta viết một khẩu hiệu rất lớn như sau: “Đi bộ hay là chết” để nhắc nhở bệnh nhân phải đi bộ, từ thong thả đến đi nhanh sau khi được phẫu thuật dạ dày, đặt Stent, cắt ruột thừa... Có đi bộ tốt thì phục hồi sức khỏe mới tốt.

Tôi nhớ hơn 50 năm về trước, khi còn trực ở Bệnh viện Việt Đức, một hôm thầy Tôn Thất Tùng chủ trì giao ban xong, thầy dơ một phong kẹo sô cô la lên và tươi cười hỏi tất cả mọi người trong hội trường: “Có ai muốn lấy phong sô cô la này không, ai trả lời đúng câu hỏi mình sẽ tặng ngay”. Câu hỏi của thầy Tùng là:

- Lúc nào thì ta yên tâm cho bệnh nhân sau mổ xẻ ra viện?

Nhiều ý kiến trả lời khác nhau:

- Khi vết mổ khô hoàn toàn, có thể cho ra viện tĩnh dưỡng, hẹn ngày cắt chỉ.

- Khi bệnh nhân đã “đánh hơi” tốt, đã ăn được cháo, ăn được súp.

- Khi bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vết mổ không còn đau nhiều nữa ...

Cuối cùng ý kiến sau đây được thầy Tùng chấp nhận là đúng, là hay nhất: “Nếu bệnh nhân, hoặc có người dìu, đi bộ một mình quanh phòng, đi bộ ra sân ngồi ghế đá, đi bộ vào phòng ăn, đi bộ ra vườn hoa được, lúc đó bệnh nhân có thể về nhà, yên tâm theo dõi tiếp”.

“Đi bộ” là tiêu chuẩn tốt nhất để đo sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục. Bài học về đi bộ mà thầy Tôn Thất Tùng đã dạy từ hơn 50 năm về trước, nhiều thế hệ bác sĩ đã ghi tâm khắc cốt.

Trở lại với tổng kết của tác giả người Nhật Bản, ông Kuzuhara Kemmi về lợi ích của đi bộ đã cho thấy: Phương pháp vận động bằng đi bộ không bị hạn chế bởi thời gian, không gian, thời tiết. Ban đêm mất ngủ, cứ dậy đi vệ sinh, uống nước rồi đi bộ quanh hành lang, không có hành lang thì đi quanh các phòng. Một lúc thấm mệt và cơn buồn ngủ mới ập đến, ta lại đi ngủ tiếp. Mưa, nắng, sớm, muộn không thành vấn đề. Đi một mình là tốt nhất. Không cần quy tắc gì cả, muốn đi ưỡn ngực, vung tay, ngẩng đầu hay cúi đầu đều được. Quần áo cốt rộng rãi thoải mái. Đôi giày phải ôm chân, nhẹ sẽ quyết định cho các bước đi. Giày loại tốt, đế tốt sẽ đẩy người đi nhẹ nhàng. Trong khi đi bộ một mình, tha hồ ngắm cảnh, tha hồ ngắm các trai thanh nữ tú đi ngang qua. Có các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ đi bộ một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, 2 vòng quanh hồ Ha Le ở Hà Nội lúc trở về nhà đã để lại cho đời những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Đi bộ một mình tha hồ suy nghĩ, tha hồ “ủ mưu” nên ta thấy có nhiều người vừa hăm hở đi bộ, vừa tự cười một mình như chợt bắt được một hạnh phúc to lớn, mà như nhà ngụ ngôn vĩ đại La Fontaine đã viết: “Hạnh phúc đích thực là hạnh phúc trong giấc mộng”. Thôi thế đúng rồi, người đi bộ mỉm cười hạnh phúc tràn trề ấy đang mộng du giữa ban ngày, đang ngủ mê giữa ban ngày, đang đắm chìm trong hạnh phúc kín đáo, an toàn, không ai phá đám, không ai ghen tỵ, không ai tranh giành.

Nếu cứ ca ngợi mãi cái kỹ năng đi bộ thì không đủ giấy, không đủ mực để viết, nhưng cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trong việc luyện tập đi bộ của người đặt stent ở động mạch vành, đặt stent ở động mạch đùi, động mạch bẹn, những người đã bị chấn thương ở chân, đùi, hông... Cũng cần chú ý đến những người suy tim các cấp độ (độ 1, độ 2), người già trên 80 tuổi cũng đừng đi tập sớm quá khi còn sương lạnh, dễ bị viêm họng cấp, cảm lạnh, dễ bị đột quỵ.

Ta cũng cần nhìn ”Đi bộ” dưới cặp kính Triết học tí chút.

Đại văn hào Francis Bacon (1561 – 1626) đã viết: “Một thân thể khỏe mạnh là một phòng khách cho linh hồn. Một thân thể ốm yếu là một nhà tù cho linh hồn”. Từ câu này của Bacon cho thấy: Những người đi bộ bao giờ tâm trí cũng thoải mái, yêu đời, vui tươi, lạc quan nhân ái. Đi bộ quanh năm suốt tháng sẽ tạo ra một con người thanh lịch, tế nhị, tươm tất vì họ luôn được mời vào phòng khách đặc biệt là không gian rộng lớn ngoài trời, thoáng mát, chỉ có thương mến trở lên mà thôi.

Hoan hô đi bộ. Hoan hô đi bộ một mình. Hóa ra ông Bacon người Anh và ông Kuzuhara Kemmi người Nhật Bản dù cách xa nhau hàng trăm năm cũng đều hết sức cổ vũ cho tập luyện, cho đi bộ.

Hai vợ chồng đi bộ các buổi sáng, buổi tối cũng là cái thú vui của những gia đình yêu chuộng sự vận động thân thể. Đi bộ đông người, đi bộ từng tốp, từng đoàn trong các cuộc thi marathon mấy chục cây số cũng đã có hàng trăm năm nay cho đến tận bây giờ vẫn được duy trì. Rồi các cuộc tuần hành đi bộ vì hòa bình, đi bộ vì nhân quyền, đi bộ để phản đối chiến tranh, đã và đang được nhiều nước sử dụng rất có kết quả vì tính cộng đồng và tính tập hợp có tổ chức, có truyền thống kỷ luật trật tự rất cao của phong trào đi bộ.

Kết thúc bài viết ca ngợi mãi mãi đi bộ, cần nhắc đến tổng kết bất hủ của triết gia Juvénal: “Một trí óc lành mạnh trong một thân thể cường tráng là một điều thật đáng mơ ước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO