Đi bộ cũng phải đúng luật

Kiên Long 28/01/2016 23:56

Bắt đầu từ 1/2/2016, TP Hà Nội bắt đầu chiến dịch xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng cường xử lý người điều khiển xe máy vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đây là một biện pháp tích cực nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, cũng như nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, quyết tâm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Dù còn nhiều vấn đề nan giải đặt ra, nhưng rõ ràng đây là việc phải làm, cần làm.

Không ít người đi bộ còn vô tình quên rằng chính mình
là người tham gia giao thông. Ảnh: Hoàng Long.

Năm 2016, TP Hà Nội quyết tâm giảm từ 5-10% tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí, giảm từ 8-10% điểm ùn tắc giao thông, không để ùn tắc kéo dài, không để phát sinh điểm ùn tắc mới.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Lễ ra quân hôm 9/1 đã yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về “Năm trật tự, văn minh 2016”. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ban ngành có liên quan, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự văn minh đô thị.

Việc ra quân của CSGT TP Hà Nội cũng nằm trong chương trình, kế hoạch này. Theo Phòng CSGT TP.Hà Nội, bắt đầu từ 1/2, các lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý người đi bộ vi phạm các quy định về TTATGT, trước hết tại các nút giao thông trọng điểm có đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn và cầu vượt cho người đi bộ; trên các tuyến cấm người đi bộ như đường vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long, các cầu vượt cấm người đi bộ…

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường xử lý người điều khiển xe máy vi phạm TTATGT như đỗ dừng sai quy định, vượt sai quy định, gây cản trở giao thông…Trước đó, sẽ tập trung tuyên truyền để người tham gia giao thông nắm được tinh thần này.

Việc tuyên truyền, phạt người tham gia giao thông vi phạm TTATGT là chuyện bình thường, pháp luật đã quy định. Người lái xe ô tô, xe máy, kể cả người đi bộ đều là những người tham gia giao thông. Mọi vi phạm đều phải xử lý. Tuy nhiên lâu nay nhiều lĩnh vực còn bỏ ngỏ, ví như phạt người đi bộ vi phạm TTATGT. Không ít người đi bộ còn vô tình quên rằng chính mình là người tham gia giao thông.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Điều 9 quy định Quy tắc chung nêu rõ: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”. Điều 11, quy định việc chấp hành báo hiệu đường bộ. Khoản 4, Điều 26 quy định người đi bộ không đi vào đường cao tốc.

Điều 32, quy định cụ thể về người đi bộ: “1.Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường; 2.Người đi bộ chỉ được qua đường những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; 3.Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi qua đường; 4.Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; 5.Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường”. Tiếp theo Luật, các nghị định như Nghị định 34/2010/NĐ-CP; Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã quy định xử phạt, trong đó có việc xử phạt người đi bộ từ cảnh cáo đến phạt tiền. Như đi không đúng phần đường quy định cũng bị phạt 50.000-60.000 đồng; 60.000-80.000 đồng khi mang vác cồng kềnh qua các dải phân cách, 80.000-120.000 đồng khi đi vào đường cao tốc…

Quy định là vậy, nhưng đó đây người đi bộ vẫn vi phạm tràn lan. Nhiều ngã ba, ngã tư, xe cơ giới đang chạy, tín hiệu đèn đỏ, nhưng không ít người cứ vô tư đi, chạy, vượt, kể cả các bà, các chị quang gánh cồng kềnh.

Thậm chí không ít nơi, đường cao tốc, đường vừa làm xong, người dân đã tháo cả rào dải phân cách để băng qua đường. Hậu quả các vụ tai nạn đã xảy ra liên tục mà nạn nhân trực tiếp ngay chính người đi bộ. Năm 2015, riêng tại Hà Nội đã xảy ra 1.696 vụ TNGT thì có 112 vụ liên quan đến người đi bộ, trực tiếp 33 vụ do người đi bộ gây ra.

Nguyên nhân, do ý thức người dân một phần, nhưng một phần do sự tuyên truyền chưa tới, xử phạt không nghiêm. Ngay chính người điều khiển các phương tiện giao thông vi phạm còn tràn lan chưa bị xử phạt, chưa xử phạt hết, nói chi đến người đi bộ? Lại nữa, việc xử phạt người đi bộ cũng không dễ dàng, khi do hoàn cảnh, do người vi phạm bất hợp tác, không thể tạm giữ với các vi phạm nhỏ…Thực tế, người đi bộ cũng mới chỉ bị xử lý khi gây ra các vụ TNGT hậu quả nghiêm trọng.

Các vụ TNGT nghiêm trọng do nguyên nhân người đi bộ gây ra bị đưa ra Tòa cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay như tại Cần Thơ, TP HCM, Hà Nội… và cũng chỉ xử nhẹ, như cải tạo không giam giữ, cho hưởng án treo. Nhiều vụ, chỉ xử lý lái xe liên quan, còn không truy cứu hình sự người đi bộ vì chính người đi bộ là nạn nhân.

Để xây dựng Nhà nước pháp quyền, để xã hội phát triển trật tự, bền vững, mọi cá nhân, tổ chức phải tuân thủ nghiêm pháp luật. Mọi hành vi vi phạm phải bị xử lý. Mọi thành viên trong xã hội phải được đối xử công bằng. Đã đến lúc Nhà nước, các cơ quan chức năng phải mạnh tay và trong khi tuyên truyền, yêu cầu người dân thì trước hết chính mình phải tuân thủ, thực hiện nghiêm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi bộ cũng phải đúng luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO