Di cư an toàn: Nâng cao trách nhiệm địa phương

Hoàng Ánh – Khanh Lê 31/10/2019 07:00

Dù đã có nhiều cảnh báo, nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng hiện nay, việc xuất khẩu lao động “chui” vẫn là thực trạng nhức nhối.

Di cư an toàn: Nâng cao trách nhiệm địa phương

Cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu về di cư an toàn.

Nỗi ám ảnh

Dù đã trở về nhà an toàn được 3 năm, nhưng những ám ảnh về thời gian sống chui lủi nơi đất khách quê người vẫn không hề nguôi ngoai đối với chị Nguyễn Thị Toàn - huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Với mong muốn được đi nhanh để kiếm chút vốn liếng làm ăn, người phụ nữ này đã tìm đến công ty môi giới xuất khẩu lao động. Nộp số tiền chênh hơn với quy định, chỉ cần học vài câu giới thiệu về bản thân chị đã có thể xuất khẩu lao động sang Đài Loan (trung Quốc), nhưng hậu quả mà chị phải gánh chịu đó là 8 năm phải mang danh lao động bất hợp pháp. Dù về nước đã 3 năm, nhưng nỗi ám ảnh thường xuyên bị cảnh sát truy quét, bắt giam vẫn luôn đeo bám chị.

“Cảnh sát vào tận nơi rồi chủ hô lên mình mới biết, nhưng người nào ở xa hơn không kịp chạy bị bắt còng tay đưa lên xe về làm các thủ tục phải vào tù ngồi khoảng 20-25 ngày. Trở về nhà an toàn rồi nhưng quãng thời gian đó cứ mãi ám ảnh bởi trực tiếp chứng kiến cảnh bị cảnh sát bắt, thậm chí có người khi về chỉ còn nắm tro”- chị Toàn chia sẻ.

Dù ngành chức năng chưa có những con số thống kê chi tiết nhưng thực tế cho thấy, mỗi năm có hàng chục lao động chui ở nước ngoài bị thiệt mạng hoặc vướng vào vòng lao lý. Còn tại quê nhà, hàng loạt gia đình lao đao vì trót trao tiền môi giới xuất khẩu lao động cho đối tượng lừa đảo.

Tại Hà Tĩnh, thống kê của Sở LĐTB & XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, có khoảng 30.000 người ở tỉnh Hà Tĩnh đi xuất khẩu lao động hợp pháp, trong khi số lao động bất hợp pháp ở nước ngoài cũng gần bằng con số này với 26.000 người. Phần lớn lao động nhập cảnh vào các quốc gia theo hình thức du lịch rồi ở lại làm ăn. Một số khác hết hạn hợp đồng lao động nhưng trốn ở lại. Điểm đến phổ biến vẫn là các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Angola,...

Rủi ro tiềm ẩn

Có 4 hình thức đi xuất khẩu lao động hợp pháp: Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; thông qua doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân. Hiện, hình thức đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp dịch vụ là hình thức phổ biến nhất. Tiếp đến là hình thức di cư ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do rất nhiều người đã lựa chọn di cư trái pháp luật.

Một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho thấy, người lao động có rất ít khả năng kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư, cho dù quyết định lựa chọn di cư của họ là theo kênh nào. Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng người lao động Việt Nam đã phải trả chi phí cao hơn so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động cũng phải vay mượn khoản tiền lớn nhất và làm việc trong khoảng thời gian lâu nhất lên đến 11 tháng để có thể chi trả khoản nợ này. Hơn ¾ lao động Việt Nam được phỏng vấn (77% lao động nam và 75% lao động nữ) trả lời rằng họ bị vi phạm quyền lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động nước ngoài, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Gia Liêm, khi công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống sau đó ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và rủi ro. Do không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến, không được trang bị kỹ năng làm việc, rèn luyện về tay nghề và ngoại ngữ nên những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.

Tăng cường trách nhiệm của địa phương

Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang từng là một trong những điểm nóng về tình trạng người dân sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp, nhưng với việc triển khai ký thỏa thuận hợp tác với nước bạn và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tình trạng này đã giảm đáng kể.

Theo ông Phùng Minh Thắng - Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, trước kia khi chưa thực hiện thoả thuận hợp tác, tình trạng người dân đi lao động chui tăng trung bình mỗi năm có từ 300-400 người. Tuy nhiên đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 100 lượt người đi. Có được kết quả này, cùng với việc kí kết thoả thuận UBND xã phối hợp với UBND huyện cũng như phòng LĐTB&XH huyện thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền đồng thời tổ chức phiên giao dịch việc làm, đưa doanh nghiệp xuống địa phương để tuyển dụng. Có được việc làm ổn định cũng như nắm được những chính sách pháp luật về di cư trái luật nên tỷ lệ di cư trái phép đã giảm rõ rệt.

Cũng giống như Mèo Vạc, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cũng là trong những huyện có số lao động bỏ trốn bất hợp pháp tại thị trường Hàn Quốc đứng đầu bảng. Trước thực trạng này, UBND huyện đã có nhiều giải pháp như tăng cường truyền thông, đồng thời giao trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu từ Chủ tịch UBND huyện cho đến xã, coi đây là trách nhiệm của mình phải tuyên truyền vận động và có biện pháp quyết liệt thực hiện. Cùng với đó giao trách nhiệm cho các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân ở huyện xã vào cuộc tuyên truyền.

Việc tuyên truyền không chỉ tập trung tuyên truyền những gia đình có lao động bỏ trốn mà cả với những gia đình đang có lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời đích thân Chủ tịch UBND huyện gửi cho người lao động tại Hàn Quốc để họ vận động cùng với gia đình về nước. Để từ đó gia đình có trách nhiệm vận động con em mình về nước đúng hạn. Nhờ thực hiện những giải pháp đồng bộ đó mà tỷ lệ lao động bỏ trốn bất hợp pháp ở Lạng Giang đã giảm rõ rệt.

Từ câu chuyện tại các địa phương cho thấy, vai trò của chính quyền cơ sở rất quan trọng trong việc hạn chế lao động di cư trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di cư an toàn: Nâng cao trách nhiệm địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO