Đi tìm chùa Diên Hựu xưa

Từ Khôi 31/10/2020 14:00

Liên hoa đài là một phần chùa Diên Hựu xưa. Bây giờ nhiều người gọi liên hoa đài là chùa Một Cột.

Họa sĩ Trịnh Quang Vũ vẽ chùa Diên Hựu qua tham khảo các tư liệu mô tả xưa.

Sách kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2012 đã ghi danh hiệu “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam” cho chùa Một Cột. Nhiều họa sĩ đương đại đã thiết kế đồ họa 3D chùa Một Cột. Có công ty còn thiết kế đồ chơi lắp ráp chùa Một Cột cho trẻ em. Thế nhưng, chùa Một Cột khi xưa còn diễm tuyệt hơn nhiều.

Chùa Diên Hựu là một tổng thể kiến trúc chứ không phải tên gọi riêng của Liên Hoa đài. Nhưng vì đài Liên Hoa có thờ Phật bà ngàn tay ngàn mắt nên dân gian quen gọi là chùa Một Cột. Nếu hướng dẫn viên du lịch không thuyết minh cặn kẽ có lẽ du khách sẽ hiểu chùa Một Cột là chùa riêng và chùa Diên Hựu là chùa bên cạnh.

Trong khi tên gọi chùa Một Cột hay tên gọi khác là Nhất Trụ tự hoặc Liên Hoa đài gợi hình ảnh về một ngôi chùa hình hoa sen trên một cột đá thì tên gọi Diên Hựu tự lại gợi một nghĩa khác. Đó là phúc lành dài lâu.

Tên gọi chùa Diên Hựu gắn với ý nghĩa dựng chùa. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 6 (1049). Mùa đông tháng 10, dựng chùa Diên Hựu (mãi mãi tốt lành). Trước đây vua (Lý Thái Tông) nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài. Đến khi tỉnh dậy nói lại với quần thần, có kẻ cho là điềm bất tường. Thiền sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá giữa mặt đất, làm đài sen và tượng Quan Âm ở đỉnh cột như đã thấy trong mộng, cho các sư đi vòng quanh tụng kinh cầu cho vua được trường thọ. Cho nên đặt tên như vậy”.

“Đại Việt sử ký toàn thư” được soạn ở thế kỷ 17, kế thừa “Đại Việt sử ký” do Lê Văn Hưu soạn ở thế kỷ 15. Tức là khi soạn đã cách thời điểm dựng chùa Diên Hựu 4 thế kỷ. Tuy nhiên, cách miêu tả của “Đại Việt sử ký toàn thư” còn rất sơ sài.

Họa sĩ Trịnh Quang Vũ vốn là người say mê nghiên cứu hội họa, trang phục cổ. Khi trò chuyện với ông về việc vẽ lại chùa Diên Hựu xưa, ông nói: Viết về kiến trúc chùa Diên Hựu, tư liệu xưa nhất đến nay là tấm bia “Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi” dựng năm 1121 đời vua Lý Nhân tông tại chùa Đọi (Duy Tiên, Hà Nam), tức là cách thời điểm dựng chùa Diên Hựu 72 năm. Tấm bia này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2014.

Đây là nội dung văn bia “Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh” viết: “…Tôn sùng đạo Phật; hâm mộ thắng nhân. Mở chùa Diên Hựu; ở tại vườn Tây. Dấu vết theo quy mô thuở trước; lo toan do thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá; trên cột có một đóa hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm; trong đền đặt kho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại có đào ao Bích Trì, bắt cầu cong để đi lại. Ở sân trước cầu, hai bên tả hữu xây tháp báu lưu ly. Để mùng một hàng tháng, để mùa xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an; bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến thoái nhịp nhàng; tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa. Tinh cần chẳng trễ; kính phụng nào ngơi. Vì vậy mà huyền tạo linh thông; đều cùng phù hộ. Đó là bệ hạ dựng chùa thờ Phật để cầu phúc thọ”.

Sau tấm bia cổ thời Lý, bài thơ viết về chùa Diên Hựu của Thiền sư Huyền Quang (1254 -1343), có hai câu tả thực:

Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.

Nghĩa là: Hình xi vẫn ngủ ngược trên gương nước lạnh.
Đôi bóng tháp thon vút như ngón tay ngọc giá băng.

“Xi vẫn” trên nóc mái Liên hoa đài có hình dáng như thế nào?. Câu hỏi này đến nay vẫn khiến một số nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ tranh cãi. Nhiều người đưa ra giả thiết là giống thú, giống chim, giống rồng. Nhưng nhiều giả thiết cho rằng đó chính là tượng rồng hoặc phượng ngậm ngọc trên nóc cung điện Hoàng thành Thăng Long mà giới khảo cổ khai quật được vô số.

Kiến trúc Liên Hoa đài chỉ là một phần của chùa Diên Hựu. Chùa Diên Hựu được dựng cách Liên Hoa đài hơn mười mét cũng do chính vua Lý Thái tông truyền dựng. Tuy nhiên Liên Hoa đài độc đáo nên người dân quen gọi một hạng mục kiến trúc thành tên chung. Việc gọi tên chùa Một Cột để thay cho cả tổng thể chùa Diên Hựu đến thế kỷ 17 mới xuất hiện. Trong tác phẩm “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ thời Lê Trịnh có viết: “Chùa Diên Hựu ở thời Lý tục gọi là chùa Một Cột, nằm ở bên ngoài cửa Bạch Hổ của hoàng thành, về phía Đông Nam trường Thái Hòa”.

Họa sĩ Trịnh Quang Vũ nói: “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: Năm 1106, chùa Diên Hựu được vua Lý Nhân tông cho trùng tu mở rộng, trở thành quần thể kiến trúc lớn. Riêng Phật tràng trước sân chùa được thêm vào những nét mới. Phật tràng được đặt giữa một hồ vuông thả sen gọi là hồ Linh Chiểu, trên đỉnh cột là tòa sen mạ vàng. Giữa tòa sen là ngôi điện sơn màu tía, sườn nóc điện có gắn hình tượng xi vẫn để trang trí và tỵ tà. Trong điện đặt tượng Phật mạ vàng. Vây quanh hồ sen là hành lang sơn vẽ, vòng ngoài hành lang là hào nước xanh biếc, mỗi mặt đều bắc cầu vồng để đi vào, ở sân phía trước, hai bên đầu cầu dựng hai ngọn tháp lợp ngói lưu ly.

Đến thời Mạc, Trạng nguyên Trần Tất Văn trong bài ký ứng chế Diên Hựu tự ký có tả đại lược: “Một cây cột đá sừng sững giữa ao sen, trên dựng chênh vênh một ngôi lầu, bốn mặt có hành lang vòng quanh”.

Sau thời kỳ Trung hưng của nhà Lê, cùng với sự suy tàn của viên lâm, chùa Diên Hựu hư hỏng dần. Theo ghi chép của Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” thì chùa Diên Hựu lợp bằng tranh tre, chùa Một Cột thì ao sen hoang tàn, hành lang đổ nát, chỉ còn cây cột, trên đỉnh cột có tòa lầu nhỏ, trong thờ tượng Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn và một cây cầu vồng lợp mái cong phía trước.

Đến năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long (1805), đắp thành Thăng Long, cây cầu vồng bị triệt bỏ, dấu tích kiến trúc của chùa Một Cột – Phật tràng thời Lý gần như không còn.

Đến năm 1954, trước khi rút vào Nam, quân Pháp còn cho nổ mìn phá hỏng chùa Diên Hựu. Năm 1955, sau khi tiếp quản thủ đô, chính quyền cho dựng lại chùa Một Cột. Việc thiết kế Liên Hoa đài như chúng ta thấy hiện nay do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.

Trải qua thời gian, chùa Diên Hựu được tu sửa nhiều lần. Trong vòng 20 năm trở lại đây, chùa Một Cột trải qua 3 lần tu bổ, nhưng chỉ là chỉnh trang đơn lẻ. Lần đầu vào năm 1995, chính điện được trùng tu; năm 1997 tu sửa nhà thờ tổ. Lần ba, trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chùa được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, thảm cỏ cây xanh.

Dựa trên các chất liệu lịch sử, họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã vẽ mô phỏng lại không gian chùa Diên Hựu và Liên Hòa đài thời Lý. Nếu có không gian để quy hoạch, có lẽ việc trùng tu khôi phục được kiến trúc thời Lý về chùa Diên Hựu sẽ rất đẹp.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, chùa Một Cột trải qua 3 lần tu bổ, nhưng chỉ là chỉnh trang đơn lẻ. Lần đầu vào năm 1995, chính điện được trùng tu; năm 1997 tu sửa nhà thờ tổ. Lần ba, trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chùa được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, thảm cỏ cây xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm chùa Diên Hựu xưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO