Địa phương vùng dịch khan hiếm máu cho bệnh nhân

Đức Trân 07/06/2021 08:00

Cho đến nay, máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Các bác sĩ phải dựa vào nguồn máu được hiến tặng để cứu sống các bệnh nhân. Bởi vậy, tại các vùng có dịch Covid-19, nguy cơ thiếu máu để điều trị cho bệnh nhân luôn hiện hữu do các sự kiện hiến máu không thể diễn ra theo đúng kế hoạch.

Số liệu thống kê từ Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho thấy, năm 2020, cả nước đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu, góp phần cứu sống hàng ngàn người bệnh cần truyền máu. Hơn 1 triệu người ở mọi lứa tuổi, tôn giáo, ngành nghề, địa phương đã hành động giúp nguồn máu trở lại dồi dào, giúp ngành y tế vượt qua khủng hoảng máu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người cần truyền máu. Ước tính ở nước ta, mỗi ngày cần đến 5.200 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị. Nhu cầu về máu là phổ biến, nhưng cơ hội được đáp ứng đủ máu và chế phẩm máu của tất cả những người cần máu thì chưa thể được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tình trạng khan hiếm máu vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Thông tin từ UBND TP HCM, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người, rất nhiều đơn vị tổ chức hiến máu phải huỷ đợt, huỷ chuyến. Điều này dẫn đến việc lượng máu dự trữ tại Ngân hàng máu đang giảm dần và đang ở ngưỡng báo động (thấp nhất trong 9 tháng qua). Ngân hàng máu đang đối mặt nguy cơ sẽ không đủ để cấp phát trong 5 ngày tới cho hơn 130 bệnh viện trên địa bàn thành phố (dự kiến 500-900 túi máu/ngày).

BSCKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM cho biết, ngân hàng máu tại Bệnh viện có nhiệm vụ cung cấp máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện trên địa bàn TP HCM, các bệnh viện phía Tây và Đông Nam bộ. Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến công tác vận động hiến máu. Ngân hàng máu dự trữ chỉ còn 5.000 túi máu, trong khi số lượng máu bình thường phải đạt 10.000 túi. Hơn 100 lịch hiến máu đã bị huỷ với số lượng ước tính khoảng 15.000 túi máu. Chính vì vậy đã dẫn đến nguy cơ thiếu máu trầm trọng trong thời gian sắp tới.

Trước tình hình nói trên, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn đề nghị các đơn vị duy trì vận động các đợt hiến máu lưu động đã đăng ký và tiếp tục đăng ký tổ chức các đợt mới để đảm bảo có đủ nguồn máu cho cấp cứu và điều trị, dự phòng cho thiên tai và dịch bệnh. Các tour hiến máu lưu động phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổ chức hiến máu an toàn như chia nhỏ số lượng người đến hiến máu theo khung giờ để đảm bảo mỗi thời điểm tối đa từ 20-30 người, tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K.

Không chỉ riêng TP HCM, tại Hà Nội, số lượng máu được tiếp nhận tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cũng giảm mạnh khi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 xảy ra tại nước ta. Thông tin từ Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho biết, cả tháng 5, Viện chỉ tiếp nhận được hơn 15.000 đơn vị máu, bằng một nửa so với nhu cầu. Gần 80 lịch hiến máu với dự kiến 25.000 đơn vị máu đã bị hoãn, huỷ, không thể tiếp nhận theo kế hoạch do ảnh hưởng của Covid-19.

Máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Các bác sĩ dựa vào nguồn máu được hiến tặng để cứu sống các bệnh nhân. Các cơ sở y tế dựa vào nguồn cung cấp máu từ người hiến để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, đảm bảo nguồn máu dự trữ cho các trường hợp khẩn cấp.

Hiến máu không chỉ là một việc làm có ích cho xã hội mà còn mang lại nhiều sức khoẻ cho người hiến tặng như tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái, giảm quá tải sắt cho cơ thể, tăng tạo máu mới, giảm nguy cơ đột quỵ…Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện trở nên khan hiếm, do đó khuyến khích những người có đủ điều kiện nên tham gia hiến máu.

Sau khi tiêm vaccine Covid-19 vẫn có thể hiến máu

Theo báo cáo từ Hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ, phản ứng miễn dịch của người hiến máu đối với vaccine không bị gián đoạn khi cho máu và không làm giảm khả năng bảo vệ của kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Ngoài ra, có thể hiến máu có kháng thể từ vaccine.

Người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 có thể hiến máu bất cứ lúc nào sau tiêm chủng, miễn là có sức khoẻ ổn định và không cần chờ đợi thời gian giữa việc tiêm và hiến máu. Cũng Theo Hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ, máu cũng có thể được hiến tặng giữa liều vaccine thứ nhất và thứ 2 nếu người cho không gặp bất cứ tác dụng phụ nào từ vaccine như đau cơ, nhức đầu, sốt…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Địa phương vùng dịch khan hiếm máu cho bệnh nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO