Đích đến chuyến công du nước Pháp của Tổng thống Nga Putin

Ngọc Quang 31/05/2017 07:30

Cuộc gặp giữa tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Cung điện Versailles (ngoại ô thủ đô Paris) được cả hai bên cho rằng đã viết nên một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Châu Âu và Mỹ dõi theo cuộc gặp này, theo Reuters thì điều đó có thể ví như hai bên đang cố gắng “tìm tiếng nói chung”.

Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Pháp E.Macron.

Mối quan hệ đặc biệt

Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố việc đối thoại với Nga là điều sống còn trong giải quyết hàng loạt vấn đề tranh cãi quốc tế. Điều đó mang ý nghĩa đặc biệt bởi mối quan hệ Pháp - Nga hiện cũng bị bủa vây bởi những bất đồng liên quan tới khủng hoảng Syria và cuộc xung đột tại Ukraine. “Đối thoại với Nga là không thể thiếu, bởi có rất nhiều vấn đề quốc tế không thể giải quyết nếu không trao đổi một cách cứng rắn với Nga”- ông Marcon nói.

Tuy vậy, giới quan sát cũng cho rằng, quan hệ Pháp và Nga không thể trở nên căng thẳng sau chuyến công du “lịch sử” của ông Putin. Bởi đơn giản rằng chuyến viếng thăm được thiết lập với cái cớ rất hữu nghị là Tổng thống Nga Putin thăm Pháp nhân sự kiện tròn 300 năm trước, Nga hoàng Pyotr Đại đế của Nga thăm nước này.

Có nghĩa là, chuyến viếng thăm “nhắc lại mối lương duyên” 300 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Pháp. Trước đó, ông Putin đã hủy kế hoạch thăm Pháp hồi tháng 10/2016 sau khi Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Francois Holland lạnh nhạt tuyên bố sẽ chỉ là chuyến thăm làm việc đơn giản về vấn đề Syria.

Chuyến thăm của ông Putin xuất phát từ lời mời được Tổng thống Pháp Macron đưa ra hôm 18/5, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, trong đó ông Macron nhấn mạnh: “Bất luận có những khác biệt trong quan điểm về nhiều vấn đề, hai nước Nga và Pháp vẫn có quan hệ lâu đời và đặc biệt”.

Nhưng, theo giới quan sát, chuyến viếng thăm có điều gì đó đặc biệt, bởi trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Pháp, ông Macron được cho rằng đã không nhận được sự ủng hộ từ phía Nga. Ứng cử viên Fillon bị tiếng là làm ăn với Nga, còn bà Le Pen thậm chí bị cáo buộc nhận tiền từ Nga. So với hai ứng cử viên kể trên thì ông Macron là ứng cử viên Nga không thích nhất, cộng thêm những cáo buộc về hacker từ Nga tấn công trang web tranh cử của ông Macron.

Như vậy, việc ông Macron mời ông Putin thăm Pháp là hành động được coi là “người có tư duy mới”, đề cao việc hợp tác quốc tế.

Đối thoại vì lợi ích hai bên

Trong khi Nga được coi là “một bên đối đầu với phần còn lại của châu Âu” thì trên thực tế cả hai bên đều muốn có thương lượng. Trong các nước EU, Đức và Pháp đi đầu trong việc đứng ra thương lượng với Nga. Cụ thể là các thỏa thuận Minks ở Belarus đạt được là nhờ nỗ lực lớn của bộ đôi Merkel - Hollande trong việc đối thoại với ông Putin.

Truyền thông châu Âu cho rằng, khác với Mỹ, châu Âu và Nga có không gian sinh tồn chung, nếu đối đầu thì cả hai bên đều chịu thiệt thòi và rủi ro lớn. Tuy chiến tranh hoặc xung đột vũ trang rất khó xảy ra nhưng những quốc gia nhỏ ở châu Âu vẫn không thoát khỏi sự ám ảnh sức mạnh quân sự đến từ nước Nga. Ở chiều ngược lại, sau 3 năm nổ ra khủng hoảng Ukraine, thiệt hại kinh tế của châu Âu do căng thẳng với Nga không lớn đáng kể, nhưng với nước Nga thì là vấn đề thực sự.

Như vậy, mục đích của ông Putin thiên về kinh tế và “xích lại với châu Âu”, còn châu Âu- mà đại diện là Pháp thì nhắm tới an ninh khu vực: không có Nga, châu Âu cũng không thể giải quyết các vấn đề Syria, Ukraine. cho dù vấn đề được báo trước là không thể xử lý chóng vánh. Nói như Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Pháp IFRI Thomas Gomart, thì mặc dù có những tín hiệu tốt nhưng hai bên đã mất lòng tin khá lớn, nên việc khôi phục lại nhanh chóng là điều rất khó khăn, cho dù ông Putin từng tuyên bố rằng châu Âu là “đối tác tự nhiên” của nước Nga.

“Việc Tổng thống Pháp tiếp ông Putin lần này, và sau chừng 6 tuần nữa Tổng thống Mỹ sẽ gặp Tổng thống Nga lần đầu tiên bên lề Hội nghị cấp cao nhóm G20 tại Hamburg (Đức) được xem là những động thái tích cực, dù tính chất thăm dò là rõ ràng. Như vậy, ông Putin sẽ đối thoại với châu Âu và Mỹ chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn”- Reuters dẫn lời nhà bình luận chính trị Philippe Fancon, hôm 30/5 .

Chính vì thế, trong cuộc họp báo chung của hai vị Tổng thống diễn ra tại Điện Versailles, ông Macron đã nói: “Trong thời gian tranh cử, Russia Today và Sputnik- các đơn vị có ảnh hưởng, đôi lúc lan truyền tin sai sự thật về cá nhân tôi và chiến dịch của tôi, nhưng đó đã là chuyện của quá khứ và sẽ để nó ở đó”- Reuters dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Còn ông Putin thì phủ nhận, gọi đây là cáo buộc không có cơ sở, cũng giống như cáo buộc trước đó về vai trò của Nga trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đích đến chuyến công du nước Pháp của Tổng thống Nga Putin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO