Dịch ở trước cửa

Nam Việt 28/04/2021 11:00

Đến nay, Việt Nam đã qua 100 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (kể từ ngày 27/1/2021). Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về rằng hơn 1 năm qua chúng ta đã chiến thắng Covid-19, khi mà qua cả 3 đợt bùng phát dịch thì số người nhiễm SARS-CoV-2 ít, số người tử vong do Covid-19 ít (tới nay là 35 người). Nếu tính trên tỉ lệ dân số, thì Việt Nam là quốc gia ít có ca Covid-19 bậc nhất thế giới.

Chốt phòng, chống dịch Covid-19 số 6, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Đăng Bảy.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, dịch Covid-19 “đã ở trước cửa”.

Tại Thái Lan, Campuchia, Lào, 3 quốc gia láng giềng với chúng ta, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, với số người nhiễm cũng như số người tử vong gia tăng. Trên phạm vi châu lục, Châu Á đang trở thành “tâm dịch”. Thu hẹp hơn, với khối các quốc gia Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh rất phức tạp khi mà Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào… cũng đều đang phải gồng mình chống dịch.

Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết định nhanh chóng, quyết liệt, kiên quyết ngăn chặn các ca lây nhiễm từ bên ngoài vào nước ta.

Sáng ngày 26/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự cuộc họp có các vị Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng và phát biểu của đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới hiện đang rất phức tạp, tiếp tục gia tăng về lượng người mắc bệnh, số người vào bệnh viện, số người chết và bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước láng giềng có chung đường biên giới phía Tây Nam.

Trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Trách nhiệm của tập thể, cá nhân phải được làm rõ nếu để xảy ra ca lây nhiễm.

Thủ tướng nêu rõ, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hạn chế các sự kiện tập trung đông người; trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Như vậy, trước thực tế “dịch Covid-19 đã ở trước cửa”, không chỉ “bao đê cho chặt” mà với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phải “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa” bằng các biện pháp phòng dịch chủ động, quyết liệt, siết lại không được lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Trong khi chưa có được miễn dịch trong cộng đồng, số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn ít thì các biện pháp tự vệ, phòng chống là hết sức quan trọng.

Đáng chú ý nhất trong thời điểm này là các ca lây nhiễm xâm nhập từ bên ngoài, nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Thời gian qua, các tỉnh tại khu vực này đã siết chặt kiểm soát khu vực biên giới. Trong đó, điển hình là tỉnh Kiên Giang đã tăng cường từ 30 tổ, chốt kiểm soát lên hơn 120 chốt, tổ và hơn 1.000 lượt chiến sĩ thường xuyên trực kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới. Trên biển đã bố trí 26 chốt cố định và 18 tổ cơ động. Ngoài ra còn có 9 tàu và 2 xuồng tuần tra của lực lượng Biên phòng, Hải đoàn 28, Kiểm ngư, Vùng 5 Hải quân và Vùng Cảnh sát biển 4.

Nhưng, dẫu cho có chốt chặt biên giới song nếu trong nước vẫn mất cảnh giác thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn đó. Không thể không lo ngại khi mà có những ngày cả trăm người dân tập trung đi lễ tại một điểm chùa. Tại sân bay, hàng ngàn người chen chúc đợi làm thủ tục bay, trong đó có nhiều người không đeo khẩu trang; thủ tục khai báo y tế sơ sài. Nỗi lo từ bên ngoài lẫn bên trong cho thấy cần phải “báo động đỏ” khi mà chúng ta không thể là “ốc đảo” khi các quốc gia láng giềng đang bị Covid-19 tấn công.

“Dịch đã ở trước nhà” thì không thể nói cứng, càng không thể nhu nhơ. Chỉ đạo của Chính phủ đã rõ, vấn đề là các địa phương, các ngành các cấp và người dân thực hiện thế nào. Nhất là đã tới dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác rất đông, với nhiều loại phương tiện khác nhau… thì nguy cơ không phải là tiềm ẩn mà rất rõ ràng.

Một lần nữa xin được nhắc lại, hơn lúc nào hết, khi dịch đã ở trước cửa thì lại càng phải khơi dậy tinh thần, ý thức “chống dịch như chống giặc”, để đất nước được bình yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch ở trước cửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO