Dịch viêm não vào mùa

Phương Hà 04/06/2017 08:05

Theo Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 129 ca mắc viêm não virus, 5 ca tử vong; viêm màng não do não mô cầu ghi nhận 11 ca mắc, 2 ca tử vong. Theo các chuyên gia y tế, hiện là thời điểm bệnh viêm não vào mùa. Bệnh thường xảy ra đột ngột, diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh, có thể dẫn đến lờ đờ, hôn mê sâu, tử vong nhanh.

Bệnh viêm não diễn tiến nhanh và nguy cơ tử vong cao.

Bệnh diễn tiến nhanh

Mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản.Tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có tới hơn 40 ca viêm não đang nằm điều trị. Theo BS Đỗ Thiện Hải - Phó Khoa Truyền nhiễm, mới đây đã tiếp nhận một ca bệnh nhi 13 tuổi từ Nam Định lên do viêm não Nhật Bản khá nặng mà biểu hiện ban đầu chỉ có ho, sốt.

Viêm não Nhật Bản hay viêm não B là bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não.

Virus gây viêm não Nhật Bản truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh, thường là muỗi vằn. Các loài chim hoang dã là ổ chứa virus chủ yếu trong thiên nhiên và lợn là ổ chứa quan trọng nhất trong súc vật nuôi gần người.

Muỗi Culex là đường lây truyền bệnh. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian truyền bệnh chủ yếu bệnh viêm não Nhật Bản.

Ngoài ra, theo bác sĩ Hải, mùa hè thường xuất hiện virus Coxsackie, đây là một chủng siêu vi ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như hội chứng viêm não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay - chân - miệng, viêm cơ tim...

Căn bệnh này ghi nhận rải rác quanh năm nhưng thường số ca mắc tăng cao trong những tháng hè, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8. Nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…

Về triệu chứng của căn bệnh này, TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu.

Cũng có trường hợp trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp.

Trường hợp nặng bé có thể co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê. Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Vì vậy việc theo dõi trẻ là rất quan trọng. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch não tủy để xác định bệnh.

Nguy cơ tử vong và để lại di chứng cao

Vì thế, trong thời điểm vào hè, bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, bất kể trường hợp nào sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng đau đầu, buồn nôn cần phải được theo dõi để phát hiện sớm bệnh viêm não virus, điều trị sớm phòng nguy cơ các di chứng thần kinh để lại cho trẻ do virus viêm não tấn công. Mặt khác, do virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa, không bị tiêu diệt bởi môi trường acid của dịch dạ dày nên trẻ em thường dễ bị nhiễm virus Coxsackie hơn người lớn do lây nhiễm qua đường ăn uống, tiếp xúc...

Theo BS Nguyễn Bá Tùng - Viện Vệ sinh y tế công cộng, virus Coxsackie diễn tiến rất nhanh, ban đầu chỉ là một virus đường tiêu hóa thông thường nhưng chỉ trong thời gian ngắn, có thể chưa đến 24 giờ đầu trẻ đã có những triệu chứng của viêm não và các bệnh liên quan khác, dẫn đến tử vong.

PGS TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, viêm não là bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương nên có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 20-30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não bị tử vong, thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt, Khoảng 30-50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần.

Biến chứng cũng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn bởi sự hỗ trợ hô hấp như thở máy, đặt nội khí quản, thông tiểu... do các dụng cụ y tế không được vô khuẩn tuyệt đối. Một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng dự báo bệnh sẽ gia tăng trong các tháng hè. Viêm não do virus xuất hiện quanh năm, mùa dịch vào các tháng hè và đỉnh điểm là tháng 6 đến tháng 8.

Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người, sau đó lây sang người.

Bệnh nguy hiểm ở chỗ nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời thì sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…, và có tỉ lệ tử vong từ 10% đến 15%.

Ông Trần Đắc Phu cũng nhắc người dân phải giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh cá nhân.

“Các bậc phụ huynh nên chú ý, khi các bé có biểu hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, khó thở... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Trong trường hợp nghi ngờ, để khẳng định bệnh, bác sĩ sẽ phải tiến hành chọc dịch não tủy để xác định căn nguyên, điều trị sớm, tránh tình trạng phát hiện muộn, trẻ có nguy cơ để lại di chứng thần kinh”- BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.

BS Đỗ Thiện Hải - Phó Khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương khuyến cáo các bậc phụ huynh khi trẻ em có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ.

Cụ thể: Mũi một lúc trẻ được một tuổi; mũi 2 sau mũi một từ một đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Tiêm đủ 2 mũi, hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi, đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch viêm não vào mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO