Điểm 9, điểm 10

Lê Huyền 03/06/2018 09:40

Hôm rồi chị hàng xóm sau khi đến trường để xem kết quả cho đứa con vừa học xong lớp 5 có được ở lại trường học lớp 6 không, buồn bã kể: Có khoảng 260 cháu học sinh lớp 5, nhưng chỉ có 102 cháu được học lớp 6 tại trường...

Theo chị, một số bố mẹ biết trước “cuộc chiến khốc liệt” này nên đã “chạy” cho con vào trường khác, một số bố mẹ chủ quan, trong đó có chị, cứ tin vào lực học và sự phát triển tổng thể của con mình nên giờ biết con mình không thể ở lại trường mà hụt hẫng.

Chị bảo, lo lắng, không biết con có được ở lại trường hay không khi vào lớp 6, ngay từ đầu năm học, vợ chồng chị đã đầu tư cho con đi học cờ vua, nhạc, họa, tiếng Anh, rồi đầu tư thi cử để đạt điểm 9, 10… Vậy mà ở lại trường đã khó chứ nói gì vào được trường chuyên, lớp chọn.

Chị phân trần: Các loại thông tư của Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm giảm tải cho học sinh nhưng sự thực thì không. Thậm chí còn gây thêm hoang mang cho các bậc phụ huynh. Chẳng biết thế nào là giỏi thật, giỏi giả. Con nào cũng hoàn thành tốt, hoàn thành suất sắc. Có những lớp 50 học sinh có gần 40 học sinh giỏi, còn lại là tiến tiến, chẳng có học sinh nào trung bình. Nhưng thật ra, ở nhiều nơi, tình trạng học sinh “ngồi” nhầm lớp vẫn diễn ra đấy thôi.

Thực ra không phải vì các bậc cha mẹ quá ưa trường chuyên, lớp chọn, mà vì cả xã hội như thế, ai cũng lao vào cuộc đua nên mình cũng đua và thúc con mình cùng chạy. Quả thật, nhiều trẻ đang phải học như một cái máy. Bằng chứng thời nay ngày càng có thêm nhiều em phải đeo kính cận, béo phì, ít nói hơn, thậm chí là trầm cảm dẫn đến hành vi tự tử vì áp lực học hành. Nhiều em phải bỏ đi lang thang không dám về nhà vì không đạt điểm 9, 10 như mong muốn của cha mẹ.

Mà quả thật, với lượng kiến thức đòi hỏi cao như hiện nay, nếu trẻ không học thêm, không luyện thi thì sẽ rất khó để vào được những trường “top” trên. Bởi thế ngay từ khi bước vào tiểu học, không ít trẻ em phải học cật lực, phải chịu quá nhiều áp lực, phải giỏi toàn diện, xuất sắc nhiều mặt. Thực tế, nhiều trẻ không biết đến buổi tối vì cả ngày chỉ có ăn và học, hết học chính đến học thêm, hết môn này đến môn khác. Nhiều em bơ phờ vì học nhưng rút cục vẫn như “gà tồ”.
Dường như ai cũng hiểu chúng ta đang tác động phiến diện, khiến trẻ phát triển lệch lạc, thành những cái “máy học”, khiến tuổi thơ của con trở nên nhạt nhẽo. Con cái chúng ta cứ bị cuốn theo các cuộc đua, học quần quật 12 năm trời. Rồi tốt nghiệp đại học nhiều em vẫn mơ hồ về cuộc sống và khả năng bị thất nghiệp vẫn cao.

Nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra lời khuyên: Cha mẹ hãy giúp con cái chúng ta được yêu thương, được phát triển, và được là chính mình. Đừng cuống cuồng lao vào các cuộc đua, để rồi vô tình gây sức ép cho con, dẫn đến kết quả học tập không thực chất. Chỉ khi không bị áp lực thì những điểm 9, điểm 10 mới đáng quý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm 9, điểm 10

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO