Điểm chuẩn đại học tăng

Lam Nhi - Đoàn Xá 10/08/2019 07:00

Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, mặt bằng điểm chuẩn của các trường ĐH năm nay ở mức tăng nhẹ so với năm 2018. Với việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, kết thúc đợt xét tuyển lần 1 đã có 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu.

Điểm chuẩn đại học tăng

Năm nay, số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung tăng so với năm 2018. Ảnh: Quang Vinh.

Điểm chuẩn không quá thấp

Thống kê của Bộ GDĐT đến chiều 9/8, với phương thức xét tuyển chung theo điểm thi THPT quốc gia năm 2019, số thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo là 405.193 thí sinh, đạt 115% so với tổng số 351.154 chỉ tiêu; có trên 440.000 thí sinh đã trúng tuyển vào các trường ĐH theo các phương thức khác nhau. Cũng tính đến cuối giờ chiều ngày 9/8, đã có hơn 100 trường ĐH trong cả nước công bố điểm chuẩn.

Trường ĐH Kinh tế - Luật (thuộc ĐH Quốc gia TP HCM) có điểm chuẩn khá cao. Trong đó điểm chuẩn trung bình khối ngành kinh tế là 24,02 điểm, khối ngành kinh doanh và quản lý là 24,38 điểm và khối ngành luật là 23,51 điểm. So với năm 2018, điểm chuẩn năm nay tăng từ 1,6-4,1 điểm, và cũng cao hơn điểm sàn xét tuyển công bố ít ngày trước khá nhiều. Điểm chuẩn cao nhất là ngành Kinh tế quốc tế với 25,7 điểm.

Cũng nằm trong khối ĐH Quốc gia TP HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có điểm chuẩn từ 16-25 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là nhóm ngành máy tính và Công nghệ thông tin (25 điểm). Tương tự, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có điểm chuẩn dao động từ 19-25,5 điểm. Điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với 25,5 điểm, Ngôn ngữ Anh cũng với 25 điểm, ngành báo chí với 24,7 điểm.

Có số điểm cao nhất trong khối trường ĐH Quốc gia TP HCM, Trường ĐH Bách khoa có điểm chuẩn ngành khoa học máy tính cao nhất với 25,75 điểm (hệ đại trà) và 24,75 hệ chất lượng cao và chương trình tiên tiến. PGS.TS Bùi Hoài Thắng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho biết: Thí sinh đạt điểm cao nhất là 28.85 điểm (chưa tính điểm ưu tiên), trúng tuyển vào ngành Khoa học Máy tính.

Ngoài các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP HCM, Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng công bố điểm chuẩn, trong đó, ngành tiếng Anh có mức điểm cao nhất là 24 điểm. Các ngành khác dao động ở mức 17,5 đến 23,5 điểm.

Trường ĐH Công nghiệp TP HCM có điểm chuẩn dao động từ 16 đến 21,5 điểm. 2 ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và bảo hộ lao động điểm chuẩn cao nhất 21,5 điểm. Kế đến là các ngành luật kinh tế 21 điểm, kinh doanh quốc tế 20,50 điểm, nhóm ngành du lịch 20 điểm. Đối với các ngành thuộc chương trình chất lượng cao điểm chuẩn từ 16-18 điểm.

Ngược lại, mặc dù có mức điểm chuẩn cũng ở mức cao nhưng các trường đào tạo ngành y, dược lại có điểm chuẩn không tăng nhiều so với năm 2018. Trường ĐH Y dược TP HCM thì ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất 26,7 điểm (tăng 1,75 điểm). Đây là ngành chỉ xét điểm thi THPT Quốc gia, với phương án xét điểm thi có chứng chỉ tiếng Anh điểm chuẩn là 24,7 điểm. Ngành răng hàm mặt có mức 26,1 điểm, ngành dược học 23,85 điểm, ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học 23 điểm. Những ngành còn lại có điểm chuẩn từ 20 đến 22,55 điểm, tương đương với năm ngoái.

Trường ĐH Nội vụ Hà Nội thông báo điểm chuẩn tăng từ 0,5 đến 1,5 điểm so với năm 2018. Một số ngành lấy điểm trúng tuyển khá cao là: Quản trị nhân lực, Quản trị văn phòng, Luật, Văn hóa học (Chuyên ngành Du lịch và truyền thông)… đều có mức điểm trúng tuyển khá cao từ 19,5 - 22,5 điểm.

Một số trường kỹ thuật có điểm sàn ở tốp cao nhất như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 7 ngành lấy từ 24 điểm đến 27,42 điểm. Điều đó cho thấy các trường kỹ thuật đầu ngành đã cung cấp chương trình chất lượng, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu của thị trường lao động. Đa số các trường khác, ngay cả những trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu cũng giữ mức điểm trúng tuyển không quá thấp…

Minh bạch thông tin, công khai chất lượng

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), kết quả tuyển sinh 2019 tương đối ổn định như 2 năm trước. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh năm nay cũng có 1 số sự khác biệt khá rõ nét.

Đầu tiên, so với những năm trước là điểm trúng tuyển cho thấy có sự phân tầng chất lượng trong cả hệ thống. Cụ thể, bên cạnh một số trường tốp dưới còn lấy dưới 15 điểm thì những trường có chính sách chất lượng tốt và có những lợi thế khác đã lấy tới 26-27 điểm. Các con số này được công khai là những thông tin rất hữu ích cho người học chọn trường, cho người sử dụng lao động chọn sinh viên tốt nghiệp, người lao động chọn nơi làm việc và các đối tác chọn nơi cộng tác…

Ngoài 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu; năm nay có 26% tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.

Riêng đối với các nhóm xét tuyển năm nay hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Có 90 trường phía Nam và 53 trường phía Bắc tham gia, Điều này làm giảm tải công việc cho hệ thống tuyển sinh chung và các trường trong nhóm ít nhiều cũng có lựa nhau để không vượt chỉ tiêu, làm ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường khác trong nhóm.

Về một số trường lấy điểm trúng tuyển thấp, bà Phụng cho rằng trước hết phản ánh chất lượng đầu vào thấp. Tuy nhiên, cũng phải phân tích nguyên nhân và phân loại các trường có điểm trúng tuyển thấp để có cách xử lý phù hợp. Chẳng hạn, các trường khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi… thì ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung vì xã hội cho là không hấp dẫn. Nhóm ngành này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng còn cần phải có đầu tư, ưu đãi với người học, với người lao động trong ngành và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh.

Để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, Bộ GDĐT đã thực hiện biện pháp minh bạch thông tin để người học và xã hội biết, có lựa chọn phù hợp. Theo thống kê trong những năm qua thì đa số những trường xác định điểm trúng tuyển thấp lại là những trường có ít sinh viên nhập học. Điều đó cũng phản ánh chính sách công khai, minh bạch thông tin về chính sách chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đã phát huy tác dụng, để người học lựa chọn những trường có chất lượng và hệ thống không ngừng cạnh tranh để nâng cao chất lượng.

Bà Phụng cũng cho biết, Bộ đã thanh tra một số trường và sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động thanh, kiểm tra, tập trung vào những trường xác định điểm trúng tuyển thấp và các trường có dấu hiệu thực hiện vượt chỉ tiêu tuyển sinh.

* Số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung tăng so với năm 2018 (2019 là 35.147; năm 2018 khoảng 17.469). Lý do là năm nay các trường mở rộng các hình thức xét tuyển khác. Nếu các năm trước, khoảng 75% chỉ tiêu lấy từ điểm thi thì năm nay con số này là 70%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm chuẩn đại học tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO