Điểm chuẩn vào đại học dự báo tăng

Minh Quang 30/06/2019 07:00

Ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 kết thúc, từ ngày 28/6, các Sở GDĐT và trường đại học (ĐH) đã bắt tay vào công tác chấm thi.

Theo nhận định sơ bộ: Đề thi năm nay “dễ thở”, thí sinh làm được bài nên phổ điểm các môn sẽ tốt hơn. Do đó dự báo điểm chuẩn vào các trường ĐH cũng sẽ tăng. Từ mức điểm thi THPT được dự báo tăng, nhiều chuyên gia nhận định, điểm xét tuyển các trường ĐH cũng không thể thấp hơn các năm trước, đặc biệt các ngành “nóng” điểm chuẩn có thể tăng từ 2-3 điểm.

Điểm chuẩn vào đại học dự báo tăng

Học sinh Hà Nội tự tin sau kỳ thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Tin tưởng vào giải pháp kỹ thuật chấm thi

Năm nay việc chấm thi trắc nghiệm được Bộ GDĐT giao cho các trường ĐH chủ trì, còn chấm thi tự luận (Ngữ văn) vẫn giao cho các Sở GDĐT địa phương. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) – cho biết: Nhằm siết khâu chấm thi, các phòng chấm thi tự luận cũng như trắc nghiệm đều được lắp đặt camera theo dõi. Ở khâu đánh phách sẽ thực hiện triệt để việc cách ly đánh phách, thực hiện chấm thi 2 vòng độc lập. Việc chấm môn tự luận sẽ có tối thiểu là 5% số bài thi có điểm cao được đưa ra để chấm thẩm định. Mục đích của việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% là nhằm xem liệu việc chấm vòng 1 và vòng 2 có đều tay hay không, qua đó có hướng xử lý.

Quy chế cũng cho phép trong trường hợp cần thiết, các Hội đồng thi hoàn toàn có thể mời thêm cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ tham gia chấm thi nếu cần. Còn riêng với môn thi trắc nghiệm thì có quy trình rất rõ ràng, cải tiến về phần mềm, sẽ tiến hành quét từng túi bài thi. Dữ liệu ngay sau khi quét sẽ được mã hóa; thêm vào đó, phần mềm có chức năng thông minh, chỉ cho phép người dùng sửa ở những chỗ bị lỗi, còn những chỗ không bị lỗi thì không thể tác động vào. Năm nay, ở nhiều địa phương các cán bộ tham gia vào khâu in sao đề thi phải được cơ quan công an xác định nhân thân trước đó. Bộ cũng đã tiến hành tập huấn rất kỹ cho các cán bộ về công tác chấm thi trắc nghiệm ngay từ tháng 3. Trong suốt hơn 3 tháng qua, các trường ĐH được phân công công tác chấm thi cũng đã chủ động tập huấn, thử nghiệm phần mềm và được Bộ giải đáp trực tiếp bằng nhiều kênh. Đặc biệt trong phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ đã xây dựng tài liệu hướng dẫn rất chi tiết nên cho đến nay, chưa thấy trường ĐH nào phàn nàn hay cần Bộ GDĐT phải giúp đỡ.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT sẽ cao

Theo nhận định của cả thí sinh và các giáo viên, đề thi THPT quốc gia 2019 không quá khó, hầu như thí sinh làm được bài, nên phổ điểm các môn năm nay sẽ tốt hơn.

Cô giáo Nguyễn Thanh Mai - Trường THPT Phương Nam (Hà Nội) - chia sẻ: Không riêng gì môn Ngữ văn, ở các môn thi khác, đề cũng được cô và các đồng nghiệp cùng đánh giá là hay, vừa đáp ứng mục đích xét tốt nghiệp THPT vừa có tính phân loại cao để các trường ĐH dùng kết quả xét tuyển. Đơn cử như đề tiếng Anh có nhiều thay đổi, sẽ có phổ điểm đẹp cho thí sinh trung bình hơn là năm ngoái. Cùng với đó, nếu như năm 2018, cả nước chỉ có 2 điểm 10 và 45,52% thí sinh có điểm thi dưới trung bình môn Toán, thì năm nay hi vọng sẽ khác, sẽ có rất ít điểm dưới trung bình. Thí sinh yếu cũng có thể đạt được 4 đến 4,5 điểm. Tuy nhiên, mức độ phân hóa của đề thi năm nay rất tốt nên thí sinh phải học khá - giỏi mới đạt được 8,5-9, rất cẩn thận mới đạt điểm 10, khó xảy ra tình trạng mưa điểm 10 môn Toán.

Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - khâu trọng yếu của kỳ thi THPT quốc gia 2019 là ra đề đã được đánh giá tốt và đúng như Bộ “đã hứa” với nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, nhằm mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nội dung các môn trong các bài thi được đánh giá là giống đề minh họa đã được công bố trước khi thi. Trừ môn Ngữ văn, 8 môn còn lại đều dưới dạng trắc nghiệm, được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với số câu hỏi kiến thức cơ bản chiếm từ 50%-60%, số câu nâng cao chiếm khoảng 20%-30% và số câu có độ khó cao để đạt độ phân hóa cho xét tuyển ĐH chỉ chiếm khoảng 10%. Những yếu tố này đưa đến dự đoán tình hình điểm thi THPT quốc gia 2019 sẽ lạc quan ở mức cao hơn.

TS Nguyễn Đức Nghĩa phân tích: Thứ nhất, năm nay sẽ có ít điểm liệt hơn, với mức độ đề cơ bản, dự đoán số bài thi bị điểm liệt sẽ giảm ở tất cả 9 môn thi. Thứ hai, điểm trung bình môn thi sẽ cao hơn: Trong 9 môn thi ở năm 2018, chỉ có 3 môn có điểm trung bình chung trên 5 là Văn (5,45), Giáo dục công dân (7,13) và Địa lý (5,46). Trong khi đó, nhiều môn có mức điểm trung bình chung rất thấp như Lịch sử (3,79), Anh văn (3,91). Dự báo điểm trung bình các môn thi ở năm 2019 sẽ được cải thiện hơn, đặc biệt là môn Anh văn và Lịch sử. Thứ ba, tỉ lệ % điểm dưới 5 của các môn sẽ thấp hơn. Tương tự điểm trung bình môn thi năm 2018, chỉ có 3 môn Văn, Giáo dục công dân và Địa lý có bức tranh khá sáng sủa khi tỉ lệ lần lượt của các môn trên là: 32,3%; 4,93% và 31,64% học sinh có điểm trung bình chung dưới 5. Theo đánh giá sơ bộ, năm nay tỉ lệ % điểm thi dưới 5 của các môn sẽ cải thiện đáng kể. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi xét tốt nghiệp (cho dù công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay có thay đổi). Chắc chắn tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2019 sẽ không giảm so với những năm trước. Như thế có nghĩa là tỉ lệ tốt nghiệp như nhiều năm qua vẫn sẽ được duy trì.

Theo phân tích chung của các giáo viên, đề thi năm nay rất cơ bản nên hi vọng điểm liệt sẽ ít, điểm trung bình sẽ không thấp như năm trước, điểm trên trung bình của từng môn cũng cao hơn. Từ đó, điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ được nâng cao hơn, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay cũng sẽ cao hơn 95%.

Điểm chuẩn vào đại học dự báo tăng - 1

Theo các thí sinh, đề thi năm nay không quá khó. Ảnh: Phạm Quang Vinh .

Điểm chuẩn ĐH sẽ tăng

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng có 3 thông tin ảnh hưởng đến việc các trường xét tuyển ĐH là: Số lượng điểm liệt, điểm trung bình của môn thi và tỉ lệ % thí sinh có điểm từ 5 trở lên của môn thi đó.

Từ mức điểm thi THPT được dự báo tăng, nhiều chuyên gia nhận định, điểm xét tuyển các trường ĐH cũng không thể thấp hơn các năm trước. TS Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM - dự đoán điểm trúng tuyển năm nay sẽ nhiều biến động, khả năng sẽ tăng lên ở nhiều ngành. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu điểm còn phụ thuộc vào chất lượng đầu vào của thí sinh ở mỗi ngành chứ không hẳn là tỉ lệ chọi cao hay thấp.

Còn TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM - cho rằng điểm chuẩn các trường năm nay sẽ tăng lên so với năm ngoái, đặc biệt các ngành “nóng” điểm chuẩn có thể tăng từ 2-3 điểm. Dù điểm thi cao hơn, điểm chuẩn tăng nhưng cơ hội vào ĐH không khó với thí sinh. Theo phân tích của ông Nhân, với cách ra đề năm nay, có khả năng 70-80% thí sinh sẽ đạt điểm trung bình trở lên, trong đó, thí sinh đạt mức điểm từ 17 - 19 có thể chiếm tới 60%. Vì vậy, điểm chuẩn các trường năm nay có thể không dưới mức 15 và nhiều ngành sẽ rơi vào khoảng 17-19 điểm.

Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM - dự đoán năm nay điểm cao sẽ nhiều hơn và mức điểm sẽ phần lớn trong khoảng 5-6. Với đề thi THPT quốc gia 2019, thí sinh khó đạt điểm 10, nhưng bài thi ở mức 8, 9 sẽ nhiều. Điều này sẽ tác động mạnh đến điểm chuẩn năm nay. Đặc biệt là các trường ĐH “top” trên như Y Dược, Công an năm nay sẽ cao hơn năm ngoái từ 1 điểm trở lên…

Những phân tích khác cho rằng, có thể điểm chuẩn sẽ cao hơn ở tổ hợp khối C, D, bởi năm nay đề môn Toán, Ngữ văn, Anh văn đều dễ thở hơn năm trước. Trong những tổ hợp môn cơ bản thì tổ hợp C, D sẽ có điểm chuẩn cao hơn; tổ hợp A, B tăng nhẹ. Như vậy, những trường khối Xã hội Nhân văn có nhiều ngành xét khối C, D khả năng điểm chuẩn sẽ cao hơn năm trước. Cùng với đó, đề thi môn Lịch sử số lượng câu hỏi mang tính chất thông hiểu nhận biết chiếm đa số, đủ cho thí sinh đạt điểm trung bình. Dự đoán, điểm chuẩn các ngành Khoa học xã hội có môn Lịch sử trong tổ hợp môn xét tuyển sẽ nhích nhẹ từ 0,25 - 1 điểm so với năm ngoái.

Kết thúc kỳ thi sau 12 năm miệt mài đèn sách, việc mong ngóng kết quả thi của các sĩ tử là đương nhiên. Dẫu thế theo các chuyên gia, vào ĐH không phải con đường duy nhất. Kỳ thi THPT quốc gia chỉ là khởi đầu để mỗi người tự chọn một cánh cửa vào đời. Hẳn không ai dám chắc được rằng số thí sinh đỗ vào các trường ĐH sẽ 100% thành công sau khi ra trường. Do đó, nếu chẳng may thí sinh không đậu ĐH với các nguyện vọng đã đăng ký, cũng không phải điều gì quá ghê gớm, không phải là một sự thất bại. Nếu có ước mơ, khao khát, hoài bão, hãy tự bước vào đời để lập nghiệp bằng đam mê của mình. Cánh cửa trường nghề đang mở rộng với rất nhiều ngành nghề “hot”, giúp người học vừa học nghề, vừa dễ kiếm tiền, kiếm việc và vừa tiếp tục học liên thông lên các trình độ cao hơn.

* Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM - dự đoán năm nay điểm cao sẽ nhiều hơn và mức điểm sẽ phần lớn trong khoảng 5-6. Với đề thi THPT quốc gia 2019, thí sinh khó đạt điểm 10, nhưng bài thi ở mức 8, 9 sẽ nhiều. Điều này sẽ tác động mạnh đến điểm chuẩn năm nay. Đặc biệt là các trường ĐH “top” trên như Y Dược, Công an năm nay sẽ cao hơn năm ngoái từ 1 điểm trở lên…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm chuẩn vào đại học dự báo tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO