Điểm du lịch Vàng Pheo

Gia Bảo 01/04/2021 09:00

Vàng Pheo “chứa đựng” những di sản văn hóa tinh thần vô cùng phong phú và đa dạng. Đó chính là các điệu múa khăn, múa quạt và múa xòe Thái nổi tiếng. Đó còn là tiếng đàn tính tẩu réo rắt, du dương như gọi như mời.

Giới thiệu du lịch Vàng Pheo.

Để phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã chú trọng, mở thêm hướng đi mới nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Mới đây nhất, cũng trong tháng 3 này, Đoàn công tác của UBND tỉnh Lai Châu, đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát một số điểm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, điển hình là điểm du lịch Vàng Pheo, để tìm hướng đi bền vững cho điểm du lịch cộng đồng này.

Đổi thay nhờ du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, bản văn hóa Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) nằm nép mình dưới chân núi Phu Nhọ Khọ, nơi giao thoa giữa 2 dòng suối Nậm So và Nậm Lùm từng ngày đổi mới. Đồng bào dân tộc Thái nơi đây đã phát huy tinh thần đoàn kết, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình để tạo nên những sắc thái văn hoá đặc trưng vùng Tây Bắc.

Được biết, bản văn hóa du lịch Vàng Pheo được công nhận là bản văn hóa du lịch cấp tỉnh từ năm 2007. Vàng Pheo “chứa đựng” những di sản văn hóa tinh thần vô cùng phong phú và đa dạng. Đó chính là các điệu múa khăn, múa quạt và múa xòe Thái nổi tiếng. Đó còn là tiếng đàn tính tẩu réo rắt, du dương như gọi như mời. Và ở đó còn có cả một kho tàng về tri thức dân gian trong lối sống, nếp sống, ứng xử thiên nhiên, ứng xử cộng đồng, ứng xử xã hội và ứng xử gia đình…

Ở Vàng Pheo cũng có rất nhiều lễ hội nổi tiếng như: Lễ hội Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Kin lẩu khẩu mẩu (rằm tháng 9 âm lịch), Then kin pang (mùng 10/3 âm lịch)… để tưởng nhớ công ơn của những người đã khai sinh, lập xây ra mảnh đất này, để tạ ơn trời đất đã đem lại mùa màng bội thu.

Trong các lễ hội ngoài các nghi thức lễ còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân như kéo co, đẩy gậy, tù lu, tó má lẹ, ném còn… Đặc biệt còn có các cuộc thi ẩm thực với những món ăn truyền thống như cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng đắng, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp…

Từ khi được công nhận là bản văn hóa du lịch đến nay, Vàng Pheo đã được nhiều du khách đến thăm quan và trải nghiệm những sản phẩm du lịch nổi tiếng như: Văn nghệ, dân ca, dân vũ, xòe, làm đàn tính tẩu, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của người Thái, trải nghiệm bắt cá suối, hái rau rừng, vào bếp cùng nấu ăn, tham gia các trò chơi bên suối...

Hiện bản có 2 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực truyền thống, 2 nhà làm dịch vụ homestay... Qua thời gian phát huy thế mạnh du lịch, bản Vàng Pheo đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân trong bản ngày càng được nâng lên.

Biểu diễn văn nghệ bên nhà sàn của đồng bào Thái. Ảnh: Phương Lan.

Hướng đi bền vững

Theo ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: Bản văn hóa du lịch Vàng Pheo hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch như: Cảnh quan, văn hóa độc đáo của người Thái được lưu giữ, ẩm thực và một số sản phẩm du lịch khác... Tuy nhiên, để phát triển du lịch thành công, ngoài sự vào cuộc, định hướng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, rất cần có sự cố gắng, quyết tâm của bà con nhân dân; làm du lịch đòi hỏi phải làm bài bản, cầu kỳ, tỷ mỉ, tâm huyết, phải chăm sóc như con đẻ của mình.

Nhìn vào tiềm năng của bản Vàng Pheo, ông Dũng khẳng định, nếu đồng lòng và có sự quyết tâm cùng với các điều kiện vốn có, Vàng Pheo hoàn toàn có thể đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa. Tuy nhiên, quyết tâm đó phải thể hiện bằng hành động, bằng tư duy. Làm sao để người dân tại điểm du lịch sống được bằng việc làm du lịch. Trong đó vai trò của Trưởng bản rất quan trọng, phát triển du lịch nhưng phải giữ được bản sắc. Vì vậy phải xây dựng được quy ước, hương ước để bà con thực hiện theo, có sự liên kết và phát huy vai trò của hợp tác xã.

“Vàng Pheo phải khai thác thế mạnh từ ẩm thực, phát triển ẩm thực như một môn nghệ thuật để cuốn hút, hấp dẫn du khách; khai thác các hoạt động trải nghiệm, tạo các điểm nhấn để check in; đẩy mạnh quảng bá, mỗi người dân đều phải truyền thông, cùng hỗ trợ nhau, đoàn kết và cùng làm du lịch… như vậy mới có thể thành công”- ông Dũng nói.

Theo định hướng phát triển nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đề nghị huyện Phong Thổ chủ động trong công tác lập quy hoạch sao cho có tầm nhìn dài hơi hơn, điều chỉnh hạ tầng gắn với phát triển du lịch; các đồng chí lãnh đạo phụ trách trực tiếp phải nắm rõ địa bàn và thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo sát sao và liên tục. Phấn đấu đến cuối năm 2021, bản văn hóa du lịch Vàng Pheo phải là một bản OCOP có thương hiệu của huyện Phong Thổ; đồng thời ưu tiên đầu tư cho điểm du lịch này; đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Đồng thời đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cần tính toán kỹ lưỡng, tập trung nguồn lực phát triển có trọng tâm, trọng điểm đối với các Đề án đang triển khai, không nên dàn trải; nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã làm du lịch để tạo động lực trong triển khai thực hiện... Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng khuyến khích bà con phát triển mô hình cải tạo vườn tạp của hộ nông dân trong bản với mục đích tận dụng đất để tăng gia sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân gắn với xây dựng bản nông thôn mới và phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm du lịch Vàng Pheo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO