Điểm nhấn: Bước vào giai đoạn 2 chống đại dịch Covid-19

PV 10/03/2020 15:12

Thủ tướng tiếp tục khẳng định quan điểm, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có thể hi sinh một số lợi ích kinh tế để ngăn chặn Covid-19 thành công. Trước đó, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh tạm hoãn các chuyến công tác nước ngoài, tập trung chống dịch.

Bệnh nhân số 17 của Hà Nội nhiễm bệnh sau khi trở về từ châu Âu đã khiến Việt Nam phải bước vào giai đoạn 2 của đại dịch với số lượng ca nhiễm mới tăng thêm (tính đến chiều 9/3 là 31 ca). Trong cuộc họp ngày 9/3 của Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.

Điểm nhấn: Bước vào giai đoạn 2 chống đại dịch Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, sáng 9/3.

1. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã cho rằng: Nhân dân trong và ngoài nước rất vững tin khi Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã khẳng định “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân”.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết: Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến về công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Sau Hội nghị, MTTQ các cấp đã trực tiếp xuống địa bàn khu dân cư nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong công tác phòng, chống dịch. Tại phiên họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi tới Chính phủ 5 kiến nghị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong vòng 4 tháng nữa tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, đời sống nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy cần biến nguy cơ thành thuận lợi, tăng cường triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

2. 350 tỉ đồng là số tiền Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi cho 5 tỉnh ĐBSCL để ứng phó với tình trạng hạn, mặn. Yêu cầu đặt ra trong buổi làm việc của Thủ tướng với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau là phải sử dụng số tiền này đúng mục đích, đến tận tay người dân, giúp cho người dân vùng hạn, mặn vượt qua giai đoạn khó khăn, không để thất thoát, lãng phí.
Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019 và liên tục tăng cao cho đến nay. Trong tháng ba, xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, có nhiều nhánh sông nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền đến 100 - 110km tính từ cửa sông như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An). Hiện có khoảng 95.000 hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn.

3. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Việt Nam đã thực hiện mức cao hơn việc thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh là thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 kiến nghị Chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Những quốc gia ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm mỗi ngày cũng đề nghị tạm dừng miễn thị thực. Người nước ngoài nếu có triệu chứng, yếu tố dịch tễ nhiễm nCoV sẽ bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam

4. Cam kết đủ hàng hóa, yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật là yêu cầu đưa ra trong những ngày vừa qua khi xuất hiện tâm lý người dân Hà Nội lo lắng đổ xô đi mua hàng thực phẩm, dự trữ hàng hóa. Ngay sau đó, Bộ Công thương đã ra thông báo đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa do lượng hàng dự trữ dồi dào, tăng gấp 3 lần. Theo ghi nhận, thị trường Hà Nội đã bình ổn trở lại, hệ thống phân phối đã chuẩn bị đủ nguồn hàng để ứng phó trong tình huống cực đoan, xấu nhất.

5. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Trước đó, theo kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều tỉnh thành đã có quyết định cho học sinh (đặc biệt là khối THPT) đi học trở lại. Tuy nhiên, diễn biến của dịch theo chiều hướng chưa khả quan đã làm thay đổi kế hoạch này. Hà Nội quyết định cho khoảng 2 triệu học sinh từ mầm non tới THPT nghỉ hết 15/3. Tương tự, một ngày sau quyết định cho 73.000 học sinh lớp 12 trở lại trường vào sáng 9/3, TPHCM tiếp tục cho học sinh tất cả các cấp, trung tâm ngoại ngữ, tin học, dạy thêm, kỹ năng sống nghỉ hết ngày 15/3. Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 22 triệu học sinh từ mầm non đến THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chốt thời gian kết thúc năm học 2019-2020 trước ngày 30/6; tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước 15/8; thi THPT quốc gia từ ngày 23 đến ngày 26/7, chậm hơn một tháng so với mọi năm.

6. Tin giả xuất hiện liên tiếp trong những ngày dịch Covid-19. Đỉnh điểm trong ngày 9/3 trên mạng xã hội lan truyền phát biểu của người xưng là Giáo sư Bách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch với những cảnh báo về tốc độ lây lan của Covid-19. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã cho biết, thông tin đang lan truyền về phát biểu của Giáo sư Bách trên mạng xã hội hoàn toàn là tin “fake” (tin giả), vì trong thành phần của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch không có người tên là Bách.
Ông Vũ Đình Anh-Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) khuyến cáo, mọi người cần tỉnh táo kiểm chứng thông tin, đừng vội chia sẻ.

7. Công ty Facebook vừa thông báo sẽ bắt đầu tạm cấm những quảng cáo bán khẩu trang y tế nhằm ngăn chặn việc lợi dụng nền tảng này, đánh vào tâm lý lo ngại của người dân về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 để trục lợi.
Facebook cho biết lệnh cấm trên áp dụng đối với các quảng cáo khẩu trang trên mạng truyền thông xã hội này cũng như các quảng cáo thương mại trên tính năng Marketplace của Facebook.

Facebook lưu ý trước đó hãng đã công bố lệnh cấm các quảng cáo nói về những lợi ích sức khỏe của một sản phẩm cụ thể hoặc cam đoan một sản phẩm nào đó sẽ giúp người dùng tránh khỏi việc lây nhiễm virus Sars-CoV-2.

8. Tính đến ngày 9/3, Trung Quốc đã tạm đóng cửa 11/16 bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, do tình hình dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống. Các bệnh viện đó vốn là trung tâm thể thao hoặc nhà máy được chuyển đổi thành nơi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), quyết định đóng cửa được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới trong ngày 8/3 đạt mức thấp nhất kể từ khi NHC bắt đầu ghi nhận từ hồi tháng 1. Hầu hết 40 ca nhiễm mới đều được ghi nhận tại tỉnh Hồ Bắc, song xu hướng giảm tốc đã bắt đầu từ vài ngày trước đó.

Trung Quốc đang để ngỏ khả năng sớm dỡ bỏ lệnh cách ly tỉnh Hồ Bắc, vốn được ban bố từ cuối tháng 1 và đã ảnh hưởng đến khoảng 56 triệu người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm nhấn: Bước vào giai đoạn 2 chống đại dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO