Điểm nhấn: Đối phó với dịch Covid-19

PV 03/03/2020 11:23

Cho đến nay có thể đánh giá Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch Covid -19, chữa khỏi cho hầu hết các bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới, khoanh vùng cách ly hiệu quả, không để lây lan các ca nhiễm mới. Việt Nam cũng thực hiện tốt chính sách bảo hộ công dân trở về từ Vũ Hán và các nước khác.

Điểm nhấn: Đối phó với dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

1. Dịch Covid-19 (tên gọi mới: SARS-CoV-2) diễn biến khó lường, lan nhanh sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành đám mây đen bao phủ lên toàn thế giới. Là quốc gia có phần biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, Việt Nam trở thành một trong những tâm điểm có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đối phó với dịch Covid -19. Trong cuộc họp báo gần đây nhất, các biện pháp của Việt Nam được tiết lộ là “chưa có tiền lệ”, “mạnh hơn hồi chống dịch SARS 2003 rất nhiều”, đã cho kết quả rất khả quan.

Cho đến nay có thể đánh giá Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch Covid -19, chữa khỏi cho hầu hết các bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới, khoanh vùng cách ly hiệu quả, không để lây lan các ca nhiễm mới. Việt Nam cũng thực hiện tốt chính sách bảo hộ công dân trở về từ Vũ Hán và các nước khác.

Mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhẹ, gây thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn khẳng định chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng, tuy nhiên cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó.

2. Tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, còn gọi là hiệp định EVFTA.

Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để đối phó với tình hình đại dịch Covid-19. 4 mốc thời gian được điều chỉnh gồm: Thời điểm kết thúc năm học; thời điểm xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở; thời điểm hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 và thời điểm thi trung học phổ thông quốc gia.

Quyết định này được đưa ra sau khi hầu hết các trường học trong cả nước đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài nhằm tránh việc lây lan dịch bệnh. Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi trong dư luận về việc đã nên cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại hay chưa.

4. Là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực tìm giải pháp để đưa du lịch vượt khó, “biến nguy thành cơ”. Trong khó khăn, nhiều công ty du lịch đã khá năng động, nhạy bén, xốc lại chính mình, hướng đến chuyên nghiệp, vươn ra những thị trường mới. Tuy đây là thời điểm thách thức đối với ngành du lịch, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành cơ cấu lại thị trường khách, củng cố tổ chức, cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nhân lực...

5. Giải cứu nông sản là cụm từ dễ dàng bắt gặp trong những ngày qua. Nhất là khi việc xuất khẩu hoa quả gặp trở ngại do việc hạn chế thông thương giữa các nước do dịch bệnh, đặc biệt là việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với các động thái chia sẻ với người nông dân trong hoàn cảnh khó khăn, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo để “giải cứu” nông sản cho nông dân một cách cơ bản, lâu dài và mở đường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, cần phải khắc phục những nguyên nhân đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp căn cơ, có tính khả thi.

6. Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bên ngoài Trung Quốc, cụ thể là ở Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lo lắng ở cấp độ rất cao: “Cánh cửa cơ hội đang hẹp dần, vì thế chúng ta phải nhanh chóng hành động trước khi quá trễ. Dịch bệnh này có thể diễn biến theo mọi hướng. Nếu chúng ta làm tốt, chúng ta có thể tránh được bất cứ cơn khủng hoảng nào, nhưng nếu lỡ mất cơ hội chúng ta sẽ gặp phải vấn đề lớn”.

Tuy nhiên, trước đó, ghi nhận Việt Nam đã ứng phó với đại dịch Covid-19 rất tốt, Tổ chức Y tế thế giới đã phát đi thông báo cho rằng năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. “Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là Covid-19”-Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định.

Mới đây nhất, đại diện của Hoa Kỳ cũng đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam, đặc biệt là trong công tác kiểm soát dịch Covid-19, với các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để.

Điểm nhấn: Đối phó với dịch Covid-19 - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam trong năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Không được coi thường những đốm lửa nhỏ, có thể cháy bất cứ lúc nào. Đối với nhân dân phải tình cảm trách nhiệm, kiên trì thuyết phục để tạo sự đồng thuận, đồng lòng”- là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam trong năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Tại đây, khi nhắc đến việc thực hiện Kết luận 62 của Bộ Chính trị về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Thủ tướng cho rằng Mặt trận và các đoàn thể đã thực hiện theo tinh thần Kết luận 62, không còn hành chính hóa, không còn chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Mặt trận luôn đồng hành cùng Chính phủ với những hành động hướng tới nhân dân. Thủ tướng cũng cho rằng càng trong khó khăn, càng cần nêu cao tinh thần, ý chí khát vọng vươn lên của Việt Nam, sức mạnh của toàn dân tộc phải được khơi dậy.

Tại Hội nghị này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, thời gian tới, Mặt trận sẽ tiếp tục phản ánh thường xuyên, kịp thời, đầy đủ tình hình nhân dân tới Chính phủ, từ đó giúp Chính phủ vào cuộc giải quyết những bức xúc trong nhân dân, hạn chế phát sinh điểm nóng. Mặt trận các cấp sẽ tập trung giám sát đặc biệt là tăng cường tổ chức giám sát đột xuất, qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc từ cơ sở và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.

Báo cáo Kết quả phối hợp thực hiện công tác giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam trong năm 2019 do Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày đã cho thấy công tác phối hợp giữa Mặt trận và Chính phủ đã toàn diện, thiết thực, hiệu quả góp phần chăm lo đời sống của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm nhấn: Đối phó với dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO