Điểm nhấn xây dựng nông thôn mới

Vũ Quang 04/02/2021 09:21

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang đã tạo nên diện mạo mới cho các làng quê, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Đời sống của bà con dân tộc từng bước đổi thay.

Từng bước cải thiện cuộc sống

Xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, là xã nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới năm 2020 của tỉnh Tuyên Quang. Ông Vũ Quang Đảm, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Bộ cho biết: Đầu năm 2020, xã còn 5 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, điện, trường học, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, để thực hiện tiêu chí khó là vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xã giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên đến tận thôn bản, phối hợp với cán bộ thôn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc chủ động thực hiện chỉnh trang nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường; phát động phong trào thi đua thôn điểm, hộ điểm trong xây dựng nông thôn mới…

Nhờ đó, đến nay xã đã hoàn thành tiêu chí khó về môi trường: Trên 81% hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; trên 95% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 82% hộ dân chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường…Ngoài ra, các công trình trường học, một số nhà văn hóa thôn và đường điện đi vào thôn Ngòi Cái của xã cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng; tiêu chí về giao thông đang được xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hết năm 2020 sẽ hoàn thành…

Ông La Văn Kiều, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất - thôn điển hình về xây dựng nông thôn mới ở xã Tiến Bộ, cho biết: Hiện nay, thôn đã hoàn thành tất cả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả này đạt được nhờ đóng góp rất lớn của người dân trong thôn. Toàn thôn hiện có 229 hộ dân, trong đó 65% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Cao Lan. Ngoài đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đường, xây dựng nhà văn hóa thôn bản…nhiều hộ dân trong thôn còn tự nguyện hiến đất làm đường. Thôn có 130 hộ dân hiến khoảng 350 m2 đất để làm đường bê tông nội thôn…

Chị Bàn Thu Hoàn, dân tộc Cao Lan, thôn Thống Nhất, xã Tiến Bộ, chia sẻ: Được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động nên người dân chúng tôi đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, các tiêu chí cần sự đóng góp, nhân dân đều đồng thuận thực hiện. So với trước đây, bây giờ cuộc sống của người dân đổi thay nhiều lắm: Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi; kênh mương nội đồng đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất...

Bằng những giải pháp sáng tạo, phù hợp ở từng địa phương…xây dựng nông thôn mới từ lâu đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.

Ông Ma Văn Huy, Chủ tịch UBDND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết: Hết năm 2019, xã Phù Lưu đạt 13/19 tiêu chí, trong 6 tiêu chí xã chưa đạt thì khó khăn nhất là xóa nhà tạm. Năm 2020, xã có 35 nhà tạm, dột nát cần phải xóa, trong khi các hộ gặp khó khăn về kinh phí. Để tháo gỡ, xã thành lập Ban chỉ đạo, huy động các tổ chức xã hội, người dân hỗ trợ ngày công, vật liệu cho các hộ xóa nhà tạm. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước (hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ) đến nay, 33 nhà được xây mới, trị giá mỗi nhà từ 150 đến 200 triệu đồng; 2 nhà được sửa chữa, nâng cấp.

Ông Ma Văn Huy cũng cho biết thêm: Do phong tục, tập quán ở vùng sâu, vùng xa, người dân trong xã thường làm nhà tiêu chưa hợp vệ sinh. Để hoàn thành tiêu chí về vệ sinh môi trường, xã đã xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu đến từng thôn, bản; huy động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật liệu... Đến nay, xã xây dựng được 300 nhà tiêu hợp vệ sinh, vượt 12 nhà so với kế hoạch; ý thức về vệ sinh môi trường của nhân dân cũng được nâng lên…Với sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và toàn thể nhân dân, hết năm 2020 xã sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra.

Điện lưới quốc gia và đường bê tông xuất hiện ở nhiều thôn bản.

Phát huy sức dân

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: Với mục tiêu hết năm 2020, tỉnh có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tỉnh tập trung vào một số giải pháp chủ yếu: Tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân là chủ thể; bố trí, tập trung các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”…Đồng thời, tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở…

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 36 xã đạt chuẩn, được công nhận đạt nông thôn mới và dự kiến hết năm 2020, tỉnh Tuyên Quang sẽ có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 47 xã; bình quân đạt 15 tiêu chí/xã; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...Những kết quả đạt được đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Ðảng và Nhà nước...

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm: Trên địa bàn tỉnh, người dân có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ để hoàn thành các mục tiêu: Kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng; hỗ trợ sản xuất hàng hóa; thực hiện các giải pháp giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên nắm bắt những cách làm hay, những mô hình tốt để nhân rộng; làm tốt công tác khen thưởng để kịp thời biểu dương những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới…

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 có trên 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tổng 85 xã), trong đó 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Hàm Yên đạt huyện nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm nhấn xây dựng nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO