Điểm số, lòng tin

Vi Cầm 31/07/2018 15:29

Làm thế nào lấy lại được lòng tin của xã hội- nhìn từ sai phạm trong thi cử? Làm thế nào để chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH phải thực chất hơn? Làm thế nào để tự chủ tuyển sinh phải thực sự là “tự chủ”?

Điểm số, lòng tin

Các thí sinh thi đại học. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Băn khoăn thi chung - thi riêng

Sau sự cố gian dối điểm thi bị phát hiện ở Hà Giang, những lỗ hổng trong chấm thi trắc nghiệm đã được các chuyên gia chỉ rõ (bài chấm thi trắc nghiệm không hề rọc phách). Điều đáng buồn là những bất cập ấy đã từng được cảnh báo từ cách đây hơn chục năm trước (từ năm 2007), khi áp dụng thi trắc nghiệm cho hình thức thi “3 chung”. Nhưng từ bấy cho đến nay những bất cập này đã không được quan tâm, những lỗ hổng ấy đã không được lãnh đạo ngành tìm cách để “trám lại”. Chính vì thế cho đến khi kỳ thi “2 trong 1” được tổ chức ở địa phương, do tâm lý thích thành tích tỉnh nhà, tâm lý mong muốn cho con em vào đại học bằng mọi giá… đã khiến hình thức chấm thi trắc nghiệm trở thành công cụ cho việc gian đối điểm thi.

Thống kê cũng cho thấy, trong 13 năm áp dụng hình thức thi “3 chung”, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD- ĐT) thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ xếp hạng các địa phương theo mức điểm trung bình 3 môn thi đại học. Theo đó, nhóm xếp hạng rất ít thay đổi, tốp 10 chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Đứng vị trí nhất thường xuyên là Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc và TP Hồ Chí Minh. Nhưng từ ngày tổ chức thi “2 trong 1” (2015) thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Có những tỉnh nhiều năm xếp ở phía cuối, nay nhảy lên sánh vai với top 10…Từ thống kê ấy, các chuyên gia tin học đã cảnh báo: không nên tin tưởng tuyệt đối vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương để làm kết quả xét vào ĐH.

Hiện dư luận cũng đang băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi chung “2 trong 1”. Bởi trước thời điểm 2015 – khi kỳ thi “2 trong 1” chính thức được áp dụng, Bộ GD-ĐT cũng đã từng tổ chức thi tốt nghiệp THPT lần 1 và thi tốt nghiệp THPT lần 2. Khi đó dư luận đã cho rằng, đó là cách tạo điều kiện “đỗ vớt” cho những học sinh học lực kém có cơ hội vào các trường CĐ và trung cấp. Bởi khi kết quả thi tốt nghiệp THPT lần 2 được công bố thì việc tuyển sinh của các trường ĐH cũng đã xong xuôi. Như vậy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 vẫn là hình thức…

Trong khi thực tế tổ chức thi “2 trong 1”, có những trường vẫn phải tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Điều này chứng tỏ kết quả kỳ thi THPT quốc gia chưa phù hợp một số trường. Chính vì thế, Bộ GD- ĐT cần sớm xem xét lại một cách nghiêm túc hiệu quả của kỳ thi “2 trong 1”. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi chúng ta chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tự chủ tuyển sinh dễ hay khó?

Có một nghịch lý là kể từ khi tổ chức kỳ thi chung “2 trong 1”, cho dù rất muốn được tự chủ tuyển sinh, nhưng số lượng những trường ĐH tuyển sinh bằng phương án riêng không nhiều. Lãnh đạo một số trường ĐH cho biết: cho dù rất muốn tuyển sinh theo đề án của trường để nâng cao chất lượng đầu vào, nhưng vòng sơ loại của các trường vẫn phải dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và điểm học bạ. Chính vì vậy cho dù có những trường đã chuẩn bị tới 4 - 5 phương thức tuyển sinh nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu, còn phương thức xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia là chủ yếu phụ thuộc quá nhiều vào Bộ GD-ĐT.

Tại sao các trường vẫn rụt rè trước khuyến khích xây dựng đề án tuyển sinh riêng của Bộ GD- ĐT? Nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, tuyển sinh riêng có nhiều rủi ro nên các trường không muốn làm. Còn theo PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc các trường e dè trước khuyến khích xây dựng đề án tuyển sinh riêng không chỉ ở chuyện tốn kém mà vấn đề chính là kết quả có đạt được như mong muốn hay không. Bởi ngay cả ĐHQG Hà Nội những năm trước xây dựng kỳ thi đánh giá năng lực cũng chỉ tuyển được một lượng thí sinh không nhiều. Đôi khi các em dự thi chỉ để thử sức, sau đó trúng tuyển nhiều trường và các trường thì không lường hết được các em sẽ chính thức học ở đâu.

TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin ( Bộ GD- ĐT) phân tích: Thực hiện quy định của Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD- ĐT khuyến khích các trường tự chủ tuyển sinh. Nhưng vấn đề là trong bối cảnh vẫn tồn tại kỳ thi THPT quốc gia để các trường có thể sử dụng kết quả thì họ chả dại gì lại ôm thêm một nhiệm vụ khác. Bởi nếu lại quay về thời các trường tự làm đề, tự tổ chức thi thì lại nảy sinh vấn đề luyện thi...

Có một tín hiệu mừng là dự thảo Luật Giáo dục Đại học trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5- Quốc hội khóa XIV vừa rồi có 6 điểm mới đột phá về cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cảm trở giáo dục đại học phát triển. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý nhất là việc mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học. Cụ thể là những tự chủ về chuyên môn, tuyển sinh; Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự

Trước mắt, việc có tiếp tục duy trì kỳ thi “2 trong 1” hay không, PGS. TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD- ĐT) cho hay, hiện nay Trung ương đang chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong đó sẽ có nội dung bàn về đổi mới kỳ thi. Sau khi sơ kết 5 năm, có chương trình sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, dự báo về xu thế tuyển sinh trong tương lai, đại diện nhiều trường ĐH chung chia sẻ, những gian lận trong thi “2 trong 1” sẽ là cú hích để thúc đẩy các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh và các trường có lẽ cũng đã có dự tính của mình. Hiện nay Bộ đã giao các trường tự chủ, nhưng một số trường tự chủ được, còn đa số các trường vẫn dựa vào kỳ thi của Bộ. Việc có tự chủ được hay không phụ thuộc vào năng lực các trường. Nhưng rõ ràng cần phải có những trường mạnh dạn đi đầu để các trường khác đi theo.

Nghịch lý điểm thi cao

Liên quan đến những lùm xùm về điểm thi THPT quốc gia năm 2018 có dấu hiệu bất thường tại một số địa phương, nhiều ý kiến thắc mắc điều này có ảnh hưởng đến quá trình và kết quả xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018. Bởi sau quá trình chấm thẩm định tại một số địa phương như đã thấy đã phát hiện những bài thi bị tác động làm sai lệch điểm thi so với điểm gốc. Các bài thi được điều chỉnh điểm số sẽ ảnh hưởng đến khả năng đỗ - trượt và liên đới đến nhiều thí sinh trên cả nước. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) đã khẳng định, việc chấm thẩm định và cập nhật lại điểm (nếu có) của các thí sinh sẽ không ảnh hưởng đến công tác xét tuyển trên cả nước. Hiện các sở GD-ĐT đang tiến hành chấm phúc khảo yêu cầu của thí sinh. Sau khi có kết quả thẩm định, các sở GD-ĐT sẽ tiếp tục cập nhật điểm thi lên hệ thống. Vì vậy, việc cập nhật lại điểm trên hệ thống không ảnh hưởng gì đến quá trình xét tuyển.

Theo kế hoạch tuyển sinh ĐH- CĐ, hiện các thí sinh vẫn có thời gian để điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 19/7 cho đến hết ngày 28-7. Nhưng có một nỗi buồn không hề nhẹ, âu cũng từ những vụ việc gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT mà ra, đó là điểm số thi cử đang tỉ lệ nghịch với lòng tin của xã hội. Thay vì niềm vui vì tỉ lệ thí sinh có điểm thi tuyệt đối ngày càng nhiều, xuất hiện nhiều ở các địa phương…, thì người ta đâm ra nghi ngờ. Điểm số càng cao, sự nghi ngờ càng lớn. Thật buồn là hai vụ việc ở hai địa phương Hà Giang, Sơn La đã minh chứng cho những nghi ngờ ấy.

Làm thế nào lấy lại được lòng tin của xã hội- nhìn từ sai phạm trong thi cử? Làm thế nào để chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH phải thực chất hơn? Làm thế nào để tự chủ tuyển sinh phải thực sự là “tự chủ”?

Những băn khoăn này có lẽ xin để ngỏ…

Việc tổ chức một Kỳ thi Quốc gia - vừa lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH là một bước lớn trong lộ trình cải cách thi cử của Bộ GD- ĐT. Nhưng cho đến nay, qua 4 năm liền tổ chức, cùng hai scandal vừa được phát hiện tại Hà Giang, Sơn La, và những nghi vấn điểm cao bất thường khác chưa được giải tỏa thích đáng…nhiều băn khoăn đã được đặt ra: Cần sớm có một cái nhìn thật khách quan về hiệu quả của kỳ thi THPT Quốc gia. Một lần nữa yêu cầu về tự chủ tuyển sinh với các trường ĐH lại trở thành mối quan tâm lớn hiện nay- khi dự thảo Luật Giáo dục ĐH đang tiếp tục được bàn thảo, đóng góp ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm số, lòng tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO