Điện đã sáng vùng cao

Trung Anh 01/09/2017 14:00

Những năm qua Nhà nước đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường dây trung, hạ áp, trạm biến áp để đưa điện về các xã, thôn, buôn làng phục vụ yêu cầu sản xuất, đời sống cho đồng bào các dân tộc. Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) 100% số xã, 99,29% thôn, buôn, bon, làng có điện lưới quốc gia; 98,2% số hộ gia đình đồng bào các dân tộc sử dụng điện an toàn.


Đời sống bà con thôn Điện Tân, xã Cư Pui (Krông Bông- Đắk Lắk) ngày càng phát triển hơn.

100% số xã đã có điện
Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã có 100% số xã, với gần 482.000 hộ đồng bào các dân tộc (đạt 98% số hộ) được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây là địa phương có số xã, số hộ đồng bào các dân tộc được sử dụng điện lưới quốc gia nhiều nhất so với các địa phương khác ở Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, có nhiều dự án cấp điện với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng trên địa bàn. Chỉ riêng từ năm 2011 đến nay, Công ty đã đầu tư gần 800 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp lưới điện phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Thôn Bình Lợi (xã Cư Mlan, huyện biên giới Ea Sup) là một trong những thôn nằm cách xa trung tâm xã. Từ bao năm nay, các hộ dân ở đây không có điện lưới quốc gia, cuộc sống của cả thôn hiu hắt trong ánh đèn dầu cùng sự nghèo khó. Nhiều bà con khi được vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng lại gặp trở ngại vì mỗi lần tưới đều phải mua dầu rất tốn kém. Không có điện người lớn không xem được tivi, nghe đài, trẻ con cũng phải học bằng đèn dầu. Một số hộ khá hơn tự mua bóng thắp sáng bằng năng lượng mặt trời nhưng cũng chỉ sử dụng được vào mùa nắng.

Theo anh Lý Tòn Chuống - Trưởng thôn, bà con ở đây hầu hết là dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc di cư vào với 99% người dân tộc Dao, Tày. Năm 2011, thôn chính thức được thành lập, với 252 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Từ khi điện lưới quốc gia được kéo về, đời sống bà con đã có rất nhiều đổi thay khác, người dân đã mua sắm nồi cơm điện, tivi, các cháu nhỏ đã có điện sáng để học tập. Nhiều hộ đã có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

Hay như tại xã vùng sâu Ea Kiết huyện Cư M’gar từ khi có điện lưới quốc gia, đồng bào các dân tộc đã đầu tư phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, lắp đặt máy móc chế biến cà phê, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho cà phê, hồ tiêu… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn. Hệ thống giao thông được nhựa hóa đến tận trung tâm xã; các công trình như trung tâm cụm xã, chợ, trường học, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng khang trang; các hồ đập, kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa dẫn dòng nước tưới mát những vườn cà-phê, cánh đồng lúa xanh ngút ngàn; hệ thống điện lưới quốc gia vươn dài đến tận các buôn, làng phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.


Điện lưới quốc gia về với các thôn, bản góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Những đổi thay ở buôn làng

Tại Gia Lai, theo ông Măng Đoàn -Giám đốc Công ty Điện lực, ngành tiếp tục hoàn thiện và mở rộng lưới điện đến những vùng sâu, vùng xa để giúp đời sống và diện mạo nông thôn ngày càng phát triển hơn. Dự án đã và tiếp tục cấp điện cho 326 thôn (buôn, làng), với khoảng 25.964 hộ dân, tổng giá trị thực hiện 357 tỷ đồng (trung bình khoảng 13 triệu đồng/hộ).

Là một làng nghèo vùng sâu của xã Ia Le (huyện Chư Pưh), làng Phung có 35 hộ dân với 218 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Jrai. Từ ngày có điện lưới về đời sống bà con đã đổi thay nhanh chóng. Có điện, bên cạnh việc mở rộng diện tích sản xuất hồ tiêu, cà phê, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách để mua máy xát gạo, xay bắp cho bà con, nhờ đó kinh tế khá lên rất nhanh.

Làng Phung chỉ là một trong nhiều buôn làng trên địa bàn tỉnh đã đổi đời khi có lưới điện kéo về. Nguồn điện đã góp phần làm thay đổi cơ cấu cây trồng, quy mô canh tác, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Nhờ có điện, nhiều hộ dân trong các buôn đã đẩy mạnh chăn nuôi, mở rộng sản xuất, rẫy cà-phê, hồ tiêu thêm tươi tốt, cuộc sống từng bước đi vào ổn định. Từ những nông dân tay trắng, giờ đây nhiều người trong buôn đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa các vật dụng hiện đại trong nhà, mua ti vi, xe máy.

Và nếu có dịp đến xã Kon Pne hôm nay chắc nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những căn nhà mái ngói đỏ tươi, đường vào xã được đổ bê tông thẳng tắp, sạch đẹp, xe cộ vào ra tấp nập. Cùng với trụ sở UBND xã khang trang, các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh. Sự thay đổi được bắt đầu từ khi đường vào xã được trải bê tông và khi Công ty Điện lực Gia Lai đã hoàn thành công trình đưa điện lưới quốc gia đến với bà con xã Kon Pne, xã cuối cùng của tỉnh Gia Lai chưa có điện.

Nhiều dự án cấp điện cho các thôn, bon
Tây Nguyên có diện tích rộng, địa hình phức tạp, dân cư sinh sống không tập trung, nhất là số hộ đồng bào các dân tộc thiểu số di cư đến ngoài kế hoạch thường xuyên chuyển cư… nên luôn phát sinh những điểm cấp điện mới. Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện của 5 tỉnh Tây Nguyên được khởi công vào năm 2008 đã thổi một luồng gió mới cho đồng bào nơi đây. Mục tiêu của Dự án là đưa điện lưới quốc gia về 1.300 thôn, buôn với số vốn trên 1.300 tỷ đồng, trong đó 85% là vốn ngân sách, 15% là vốn của EVN. Sau khi dự án hoàn thành góp phần to lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị cho 5 tỉnh Tây Nguyên.

Điện lưới đã thắp sáng các bản làng vùng cao, góp phần giúp cho đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện đã sáng vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO