Dở dang ở ngành nông nghiệp Hà Tĩnh

Hạnh Nguyên 09/04/2018 08:40

6 tháng sau khi có quyết định tổ chức lại các ban quản lý (BQL) ngành NNPTNT Hà Tĩnh, hàng chục công chức, viên chức, người lao động không có lương, thưởng, tâm lý hoang mang, dao động.

Dở dang ở ngành nông nghiệp Hà Tĩnh

BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT Hà Tĩnh nơi có 35 công chức, viên chức, người lao động đang sống trong tình trạng “4 không”.

Lâm cảnh “4 không”

Ngày 29/3, báo Đại Đoàn Kết có bài viết “Giảm biên chế nhưng chưa giảm họp” phản ánh vấn đề cải cách hành chính ở Hà Tĩnh.

Qua đó, đánh giá cao những nỗ lực cải cách của tỉnh này, nhất là trong tổ chức bộ máy, đặc biệt là giảm được 22 BQL (từ 26 ban nay chỉ còn 4 ban).

Tuy nhiên, khi PV tìm hiểu sâu vấn đề này, nội hàm việc sáp nhập, tổ chức lại BQL ngành NNPTNT có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục công chức, viên chức, người lao động.

Theo đó, ngày 18/10/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định (QĐ) 3027/QĐ-UBND thành lập “BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh” (sau đây viết tắt là BQL dự án nông nghiệp). Đây là ban mới trên cơ sở tổ chức lại của 3 ban gồm: BQL dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (trực thuộc UBND tỉnh) và 2 ban quản lý dự án trực thuộc Sở NNPTNT (gồm BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT và BQL các dự án ODA ngành NNPTNT).

6 tháng đã trôi qua kể từ ngày có QĐ 3027 nhưng bộ máy của BQL dự án đầu tư nông nghiệp vẫn chưa được đồng bộ, gần 100 lao động đang “bơ vơ”.

Phản ánh với PV, một công chức (xin được giấu tên) lâu năm ở BQL xây dựng các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT Hà Tĩnh cho biết: Ban có 6 biên chế và 29 viên chức, người lao động, kể từ khi có quyết định của UBND tỉnh về việc sáp nhập các ban ngành nông nghiệp đến nay phải làm việc trong tình trạng “4 không” - không lương, không có chi phí, không hợp đồng lao động, không BHXH - BHYT.

“Những công trình ở Kỳ Anh, Hương Khê, Can Lộc, Đức Thọ…của ban vẫn phải quản lý, vận hành nhưng không những không có lương mà anh em còn phải tự bỏ tiền túi đi xe bus và các chi phí khác để đảm bảo tốt công việc”- người này bức xúc nói.

35 công chức, viên chức, người lao động tại BQL xây dựng các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT Hà Tĩnh bây giờ chưa biết đi đâu về đâu nên tư tưởng rất hoang mang.

Thậm chí, nhận thấy có vấn đề bất ổn cùng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, 6 tháng trời không có lương, viên chức Trần Quang Thái (quê tại Đô Lương, Nghệ An) làm đơn xin nghỉ việc để về quê tìm kế sinh nhai.

Tuy nhiên, anh Thái không thể xin nghỉ để lấy tiền trợ cấp thất nghiệp vì cơ quan đang nợ BHXH, không chốt được sổ.

Từ tháng 1/2018, BQL xây dựng các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT vẫn nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí thường xuyên như xăng xe, điện, nước... của ban này cũng bị “đóng băng”.

Trước tình trạng khó khăn kéo dài không được giải quyết, BQL xây dựng các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị lên Sở NNPTNT Hà Tĩnh.

“Đề nghị Sở cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về việc có được ký hợp đồng lao động hay không? Có giải quyết lương cho cán bộ, viên chức, lao động hay không? Có chi phí quản lý hay không?”- nội dung văn bản kiến nghị của BQL xây dựng các dự án xây dựng cơ bản ngành NNPTNT Hà Tĩnh nêu.

Sở “cầu cứu” tỉnh

Không thể lý giải được thắc mắc của cán bộ, công chức, viên chức của BQL xây dựng các dự án xây dựng cơ bản ngành, Sở NNPTNT Hà Tĩnh đã phải gửi Văn bản số 208/SNN-TCCB “cầu cứu” UBND tỉnh, đề nghị chỉ đạo BQL đầu tư nông nghiệp thực hiện việc tổ chức lại các ban trên theo đúng tinh thần QĐ 3027 của UBND tỉnh.

Nội dung văn bản “cầu cứu” nêu rõ: Về tư cách pháp nhân, QĐ số 3027/UBND ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh đã thay thế QĐ số 1830/QĐ-UBND ngày 26/6/2013 và QĐ 1822/ QĐ-UBND ngày 28/6/2012 về việc thành lập BQL các dự án: xây dựng cơ bản, ODA ngành NNPTNT.

Do vậy, 2 ban này không còn tư cách pháp nhân, không còn chức danh trưởng BQL các dự án.

Thế nhưng, theo QĐ số 3713/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 thì các BQL dự án (cũ) được sử dụng con dấu đến ngày 30-6-2018 để giải quyết các hồ sơ thủ tục và các vấn đề tồn đọng.

Do vậy, một số hoạt động quản lý dự án như: Trình điều chỉnh, bổ sung dự án, đề xuất kế hoạch vốn, trình phê duyệt chi phí quản lý dự án… thì các ban cũ lại không có tư cách pháp nhân để thực hiện.

Về thời gian, tiến độ thực hiện dự án, cũng theo QĐ số 3713, đối với các dự án không chuyển chủ đầu tư thì giao cho Sở NN&PTNT và các ban dự án của Sở tiếp tục thực hiện và hoàn thành kết thúc trước ngày 30/6/2018.

Tuy nhiên, một số dự án ODA theo hiệp định đã ký với nhà tài trợ và thực tế hợp đồng dự án đã ký kết sau thời điểm 30/6.

Đơn cử như: Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2 ), thời gian thực hiện đến 31/12/2022; Dự án hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp, thời gian thực hiện đến 30/6/2019 và các dự án lớn như hệ thống kênh trục sông Nghèn, đầu tư nâng cấp đê La Giang còn tiếp tục nghiệm thu công trình, bàn giao đưa vào sử dụng… nên sẽ khó hoàn thành trước 30/6/2018.

Mặt khác, về mặt nhân sự, đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể để sắp xếp, bố trí xử lý 81 lao động (2 BQL dự án cũ) nên cán bộ, viên chức, lao động không yên tâm công tác và khó hoàn thành các dự án đang dở dang.

Bất cập này là minh chứng cụ thể cho việc ban mới không thực hiện đúng quy định về tiếp nhận nhân sự được quy định tại Khoản 3, Điều 3, QĐ 3027.

Trong khi đó, QĐ 3027 nêu: “Bàn giao nguyên trạng công chức, viên chức, lao động hợp đồng của các BQL dự án được tổ chức lại quy định tại Điều 1, Quyết định này cho BQL dự án đầu tư”.

Tự bổ nhiệm nhân sự

Hiện tại, ban mới chỉ sử dụng nhân sự của BQL dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, còn 81 nhân sự của 2 ban khác bị “bỏ rơi”.

Không những không tiếp quản nhân sự từ 2 ban cũ mà Giám đốc BQL dự án nông nghiệp (ông Nguyễn Bá Đức) còn tự ý kiện toàn bộ máy nhân sự khi chưa có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh và sự thống nhất giữa các bên sáp nhập.

Trong khi, theo Khoản C, D, Điều 2, QĐ số 3027, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm phó giám đốc, kế toán trưởng BQL dự án nông nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo quy định hiện hành.

Điều đó được thể hiện trong biên bản “Bàn giao chủ đầu tư các dự án theo Quyết định 3713/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh”, bên đại diện nhận dự án (BQL dự án đầu tư) ghi rõ: Giám đốc ban là ông Nguyễn Bá Đức; Phó ban là ông Nguyễn Hồng Lam; Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật là ông Trần Viết Thức và Kế toán trưởng là bà Lê Thị Thúy Hòa.

Ông Nguyễn Xuân Hành- trưởng BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT Hà Tĩnh thẳng thắn nêu ý kiến: “Theo QĐ 3027 của UBND tỉnh, ban mới là tổ chức lại từ 3 ban cũ chứ không phải cắt bỏ. Nếu tỉnh muốn cắt giảm biên chế thì tổ chức cuộc thi sát hạch, ai đủ điều kiện thì giữ lại, ai không đạt yêu cầu thì cắt giảm, chúng tôi sẵn sàng thực hiện”.

Trái Thông tư của Bộ Xây dựng

Tại Khoản 3, Điều 3 của Thông tư số 16/2016/TT-BXD có quy định: “Không làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án, không làm tăng thêm biên chế BQL dự án khi được sắp xếp, tổ chức lại hoạt động để thành lập BQL dự án chuyên ngành, khu vực.

Cán bộ, viên chức trong biên chế BQL dự án chuyên ngành, khu vực không kiêm nhiệm các chức danh, nhiệm vụ công tác khác ngoài nhiệm vụ quản lý dự án được giao”.

Thế nhưng, QĐ số 3079/QĐ-UBND ngày 20/10/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh lại bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Đức - phó giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh giữ chức vụ Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình ngành NNPTNT.

QĐ này của UBND tỉnh Hà Tĩnh vô hình trung đã giao quyền “vừa đá bóng thổi còi” cho ông Nguyễn Bá Đức, trái với quy định của Bộ Xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dở dang ở ngành nông nghiệp Hà Tĩnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO