Chống 'Virus diễn biến hòa bình': Đoàn kết, đồng lòng để chiến thắng

Kiên Long 10/04/2020 08:00

Ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi trên dưới một lòng, thống nhất ý chí và hành động chống đại dịch Covid-19. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh- tinh thần ấy đang được  phát huy mạnh mẽ và đã thu được kết quả khả quan.

Chống 'Virus diễn biến hòa bình': Đoàn kết, đồng lòng để chiến thắng

Tranh cổ động chống Covid-19. Tác giả: Nguyễn Duy Thành.

Nhận diện “giặc”

Lịch sử nhân loại cho thấy nhiều nền văn minh có thể đã bị hủy diệt từ virus, vi khuẩn. Dịch hạch Justinian (thế kỷ thứ 6) giết chết 50 triệu người; cái chết Đen (thế kỷ 14) làm 200 triệu người chết; dịch cúm Tây Ban Nha (1918) làm khoảng 50-100 triệu người chết; dịch cúm H1N1 2009 cũng làm chết hàng trăm ngàn người. Hoặc ngay căn bệnh sốt rét, đậu mùa, HIV... mỗi năm cũng lấy đi nhiều triệu người. Và rồi dịch Covid-19, đang là mối nguy hiểm đe dọa tính mạng của mọi con người, đe dọa an ninh, an toàn của mọi quốc gia.

Dịch Covid-19, với những diễn biến phức tạp của nó đã làm người ta không thể xem thường. Không ít bác sĩ Mỹ từng đùa rằng mong được gặp con virus này để được cách ly, hưởng chế độ. Nhưng rồi khi lâm trận đã ngay lập tức phải thay đổi. Rồi nhiều người ở châu Âu từng kỳ thị, quá khích đến đánh cả người đeo khẩu trang trên phố nay đã không lúc nào dám rời cái khẩu trang...

Dịch Covid-19 đã và đang làm chao đảo thế giới loài người. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Chỉ trong thời gian ngắn, đến nay đã có hơn 1,5 triệu người mắc bệnh với gần 100.000 người tử vong. Dịch đã cướp đi mạng sống không chừa một ai, từ người lãnh đạo cho đến thường dân, từ bác sĩ cho đến nghệ sĩ, từ người già cho đến trẻ thơ. Trước tình hình dịch bệnh, Nữ hoàng Anh đang ở ẩn đã phải xuất hiện công khai phát biểu, so sánh đại dịch giống như những năm nổ ra Thế chiến thứ II. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp này là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải than: “Chúng ta đang trải qua thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử”…

Chống dịch bệnh đúng là như chống giặc. Nếu nhận diện “giặc”, đánh giá về “giặc” không đúng, chủ quan, sai lầm là sẽ phải trả giá, thậm chí trả giá rất đắt. Và rồi, “giặc” không chỉ là con virus Corona chủng mới mà “giặc” còn kéo theo một lực lượng cố tình, hay vô tình nối giáo, tiếp tay. Những thông tin, luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, lợi dụng gây rối, những hành vi vô ý thức, ích kỷ của con người. Nhiều khi thành quả của cả một trận chiến bỗng bị đổ vỡ chỉ vì sơ suất, lơi lỏng một vài chỗ, vài khâu, vì một vài cá nhân.

Quyết sách đúng đắn

Ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương, sách lược rõ ràng đối với “giặc”- dịch Covid-19. Ngay tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chống dịch như chống giặc”. Tiếp đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.

Ngày 1/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-Ttg công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Phương châm xác định chấp nhận thiệt hại về kinh tế, quyết không bỏ lại ai ở phía sau.

“Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả”; “Cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh”... những chủ trương, giải pháp được cụ thể hóa từ các chỉ thị, quyết định cho đến các chỉ đạo từ các cuộc họp hàng ngày của Ban Chỉ đạo từ trung ương đến địa phương. Việc thực hiện không chỉ từ chủ trương, giải pháp mà ngay từ mỗi con người với một kẻ thù vô hình. Khoanh vùng, dập dịch được thực hiện ngay từ đầu như ở xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) hay ở Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội); Yêu cầu cách ly với người từ nước ngoài về, cách ly với những người tiếp xúc gần và liên quan theo các đối tượng F1, F2, F3...và rồi cách ly toàn xã hội là những giải pháp, yêu cầu cấp thiết. Với mỗi cá nhân phải thấm nhuần, xác định việc phòng, chống “giặc” như đeo khẩu trang, rửa tay, súc họng, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, như quy định cách ly. Mỗi cá nhân không bị nhiễm bệnh, khỏe mạnh đã là sự đóng góp cho xã hội.

Trong một trận chiến sự lơ là, lơi lỏng, mà ngay từ mỗi con người mất cảnh giác, thiếu ý thức sẽ mang lại hậu quả rất lớn. Cả Hà Nội, cả Ban Chỉ đạo chống dịch trung ương đã phải mất ngủ, vất vả chỉ vì bệnh nhân số 17 không thực hiện đúng việc khai báo y tế, chủ quan không thực hiện cách ly ngay từ sân bay. Ngay như một số bệnh nhân như bệnh nhân số 243 không có biểu hiện lâm sàng, tiếp xúc với rất nhiều người đã và sẽ để lại rất nhiều hậu quả, chưa kể một số người khai báo gian dối, trốn cách ly, đã cách ly vẫn trốn. Người cố tình, người vô ý và những hậu quả cả xã hội phải gánh. Đã có hàng trăm, hàng ngàn người phải cách ly, trong đó đặc biệt là các y, bác sĩ, những chiến sĩ trên tuyến đầu phòng, chống dịch là sự thiệt hại rất lớn cho cuộc chiến chống dịch hãy còn cam go. Và rồi, không chỉ cố tình, hay vô tình tiếp tay, không ít thế lực thù địch với những giọng điệu xuyên tạc, gây hiểu lầm, nhiễu loạn. Cơ quan chức năng đã phải phạt không ít trường hợp đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng đã phải xử phạt không ít các trường hợp cố tình không tuân thủ quy định cách ly.

Đoàn kết một lòng

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đã thu được những kết quả ban đầu rất khích lệ, là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của toàn quân, toàn dân. Trên tuyến đầu là các chiến sĩ quân đội, công an, các y, bác sĩ không quản ngày đêm, không quản gian khổ hy sinh và ở hậu phương là cả xã hội. Từ các doanh nghiệp lớn cho đến các cụ già, em bé, đã quyết tâm chống dịch bằng tấm lòng yêu nước của mình, thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực của mình.

Đã có rất nhiều câu chuyện như cụ bà Ngô Thị Quýt (TP Hồ Chí Minh) dù đã 98 tuổi vẫn may khẩu trang tặng người nghèo; cụ Lệ Thị Xuân, 98 tuổi; cụ Lê Thị Thanh (73 tuổi) ở Nghệ An dù trong diện khó khăn vẫn mang quà tặng những người đang làm nhiệm vụ. Hoặc như cụ Vũ Thị Sim (103 tuổi) ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) vẫn tự đến phường ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các cụ đều cho rằng đây là trách nhiệm xã hội của mình. Và cùng với các cụ, nhiều em nhỏ cũng thể hiện tấm lòng của mình như các em Trần Đức Phương, Bùi Thảo Vy (Bình Phước) ủng hộ số tiền đến 200 triệu đồng, từ nuôi heo đất để đi du học. Các em Trần Bảo Ngân (7 tuổi), Trần Bảo Trân (6 tuổi) ở Nghệ An đã ủng hộ chống dịch 14 triệu đồng...để thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước.

Từ dịch Covid-19 đã và đang đặt ra nhiều vấn đề về chế độ xã hội, phát triển kinh tế, trách nhiệm với con người. Việt Nam vẫn đang là điểm sáng về nhiều mặt. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã ca ngợi Chính phủ Việt Nam “rất xuất sắc khi đương đầu với đại dịch”. Đại sứ Anh Garet Wart thì phát biểu: “Chúng ta rất may mắn khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam”…

Cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 dù còn cam go, phức tạp, nhưng từ sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự đồng lòng, quyết tâm của cả mọi người dân Việt, sự ưu việt của chế độ, chúng ta có cơ sở chắc chắn để hy vọng Việt Nam sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống 'Virus diễn biến hòa bình': Đoàn kết, đồng lòng để chiến thắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO