Xây cầu đường bộ thông, đường thuỷ tắc

Vũ Hàn-Quốc Trung 12/03/2018 09:00

Những ngày qua, hàng trăm hộ dân sống ven kênh Tân Hiệp thuộc thị trấn Một Ngàn và thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A (Hậu Giang)  bức xúc vì cầu Tân Hiệp (nối giữa trung tâm chợ Một Ngàn và khu hành chính huyện Châu Thành A) xây dựng rất thấp so với mặt nước, khiến cho thuyền bè không đi lại vận chuyển nông sản, hàng hóa trên dòng kênh này được.

Xây cầu đường bộ thông, đường thuỷ tắc

Cầu Ba Bọng mực nước kiệt vỏ lãi đi qua cũng khó khăn.

Theo người dân, xưa nay kênh Tân Hiệp là đường thủy duy nhất, ngắn nhất dẫn ra kênh xáng Xà No (dòng kênh chính tuyến giao thông đường thuỷ huyết mạch xuyên xuốt của tỉnh Hậu Giang).

Khi mực nước ở con kênh này xuống thấp (nước ròng) nếu cầu Tân Hiệp được bắc lên chỉ có thuyền nhỏ hay vỏ lãi qua được, còn tàu bè không thể qua, huống chi là nước lớn.

Hàng trăm hộ dân đã gửi đơn lên cơ quan chức năng cho rằng, nếu thiết kế như hiện tại khi hoàn thành sẽ triệt kế sinh nhai của hàng trăm hộ sống xung quanh và hàng ngàn hộ dân đi lại qua khu vực này.

Không thể thông thuyền

Mới đây, khi đơn vị thi công gác dầm nhịp giữa của cây cầu thì hàng chục chiếc ghe của người dân sống ven kênh Tân Hiệp thuộc thị trấn Một Ngàn và thị trấn Rạch Gòi tập trung tại khu vực này phản đối.

Sau đó họ đã kéo nhau đến UBND thị trấn Một Ngàn để trình bày bức xúc và yêu cầu chính quyền địa phương, chủ đầu tư và ngành chức năng phải thay đổi thiết kế cầu Tân Hiệp làm sao đủ độ cao để thuyền bè đi qua.

Tại buổi đối thoại trực tiếp, tờ tường trình với hàng trăm chữ ký của người dân cũng được gởi đến chính quyền và chủ đầu tư.

Theo người dân, chủ trương xây dựng cầu, làm đường được bà con rất tán thành.

Tuy nhiên, khi thi công thì đơn vị thi công không gắn bảng thông tin công trình nên người dân hoàn toàn không biết thông tin về cầu Tân Hiệp.

Sau khi công nhân xây xong 2 dầm và người dân ở đây yêu cầu phải gắn bảng thông tin công trình, thì người dân mới phát hiện cầu không đủ độ cao thông thuyền.

Trong đoạn tường trình gửi tới cơ quan chức năng có nội dung: “Trước đây việc xây dựng cầu có lấy ý kiến của nhân dân. Chúng tôi đã có ý kiến không đồng ý việc xây dựng cầu quá thấp. Tuy nhiên Ủy ban huyện Châu Thành A vẫn tiến hành cho xây dựng”.

Các hộ dân dân ở ven kênh Tân Hiệp cho biết: người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, kinh doanh vật liệu xây dựng, làm dịch vụ máy cắt lúa, máy gặt liên hợp, mua bán nông sản…

Tất cả đều phụ thuộc vào phương tiện đường thủy như: ghe lớn, sà lan. Lâu nay, tất cả đều phụ thuộc vào kênh Tân Hiệp để dẫn ra kênh Xáng Xà No, tiếp tục đi đến các địa phương khác.

Vậy mà cầu Tân Hiệp chỉ cao hơn mực nước trung bình khoảng 1 mét. Khi hoàn thành thì việc lưu thông qua cầu là bất khả thi.

Lo ngại nhất có lẽ là những người nông dân sống ven sông này, bởi trước giờ ghe tàu nhiều nơi từ kênh xáng Xà No vào đây mua nông sản.

“Rồi đây, máy móc không vào được, rồi ghe mua nông sản cũng bị bế đường, không riêng tôi mà rất nhiều người cũng lo lắng như tôi, làm ruộng sau này sẽ khó khăn”- ông Huỳnh Văn Nam, 70 tuổi, ngụ ấp Xáng Mới C, thị trấn Rạch Gòi cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc xây cầu, chính quyền nơi đây chỉ mời 41 hộ dân ở chợ Một Ngàn và phía bên kia bờ khu hành chính huyện Châu Thành A, còn những hộ dân sống dọc theo kênh Tân Hiệp thì không được mời dự để tham gia ý kiến.

Bà Trần Thị Lựa, 46 tuổi, ngụ ấp Xáng Mới C, thị trấn Rạch Gòi cho biết: “Từ quốc lộ 61C đến chợ Một Ngàn chưa đầy 2 km đã có 2 cây cầu Tân Hiệp.

Mỗi cây cũng vài chục tỷ đồng, tất cả đều có thể lưu thông từ trung tâm thị trấn Một Ngàn qua khu hành chính huyện. Chúng tôi không hiểu tại sao lại phải xây thêm một cây cầu Tân Hiệp nữa”.

Giải pháp nào?

Được biết, giải pháp mà chính quyền địa phương nơi đây đưa ra là hứa sẽ cho nạo vét tuyến kênh sườn Ba Bọng -Thầy Ký để phương tiện vận chuyển từ Thị trấn Một Ngàn ra kênh Hai Ngàn rồi ra kênh xáng Xà No.

Tuy nhiên cách làm này người dân phản đối kịch liệt vì đây chỉ là tuyến kênh sườn dẫn nước tưới tiêu, vừa nhỏ, vừa cạn, mà các cây cầu bắc qua kênh này cũng rất thấp trong khi lại phải đi vòng xa hơn khoảng 6 km so với kênh Tân Hiệp.

Anh Nguyễn Thiện Nhân, 37 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn thì bức xúc dẫn chứng: “Tôi có 4 cái máy cày, sống cạnh cầu Ba Bọng, việc ra vô cầu Ba Bọng hàng ngày phải đợi nước thiệt ròng mới đi được. Giải pháp tình thế chính quyền đưa ra như vậy là không hợp lý”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Hậu- phó giám đốc Ban QLDA (chủ đầu tư cầu Tân Hiệp) cho biết: Cầu Tân Hiệp được xây dựng dựa trên quyết định phê duyệt ký ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh Hậu Giang với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

“Do đây là hệ thống giao thông nội ô nên cầu và đường giao cắt đồng mức cùng cấp. Vì thế, cầu Tân Hiệp dài 39 m, rộng 21,7 mét được xây dựng nhưng không thông thuyền. Hiện, chúng tôi đã cho ngưng thi công và chờ giải pháp điều tiết giao thông của UBND huyện Châu Thành A”

Còn ông Võ Quốc Sử- phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết, đối với cầu Tân Hiệp đang xây dựng, chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang gọi tắt là Ban QLDA huyện là địa phương thụ hưởng.

Xây cầu là để nối liền khu hành chính huyện với trung tâm thị trấn Một Ngàn, tạo điểm nhấn, mỹ quan cho thị trấn trong quá trình xây dựng đô thị loại 4.

“Việc xây cầu vào năm 2016 có tổ chức họp 41 hộ dân và họ cũng đồng ý với bản vẽ thiết kế, người dân phản ứng là mới phát sinh trong những ngày gần đây. Sau khi ghi nhận và báo cáo về những phản ánh của người dân, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công tạm hoãn thi công 10 ngày để nạo vét kênh Ba Bọng -Thầy Ký kinh phí khoảng trên 400 triệu đồng. Chúng tôi cũng có một hướng khác là nạo vét kênh đối diện với kênh Ba Bọng để người dân đi lại”- ông Sử nói.

Xây cầu là để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và tạo điểm nhấn cho đô thị, người dân sẽ ủng hộ. Nhưng người dân không chấp nhận một chiếc cầu làm bế tắc kế sinh nhai của họ.

Đặc biệt, khi giải pháp trước mắt đưa ra cũng chưa nhận được sự đồng thuận của người dân thì có lẽ kiến nghị của người dân về thay đổi thiết kế cầu cần được xem xét nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây cầu đường bộ thông, đường thuỷ tắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO