Diện mạo nông thôn mới

Thu Hiền 03/08/2018 10:58

Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, tính đến thời điểm này cả nước đã có 3.370 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn), tăng 301 xã so với cuối năm 2017; Bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; Còn 118 xã dưới 5 tiêu chí. Cùng với con số này thì diện mạo nông thôn mới ở các vùng quê cũng thay đổi đáng kể, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.

Diện mạo nông thôn mới

Những con đường bê tông khang trang sạch đẹp từ chương trình nông thôn mới.

Đổi thay nhờ nông thôn mới

Nếu nói về điển hình xây dựng nông thôn mới ở Hòa Bình không thể không nhắc đến huyện vùng cao Mai Châu. Xuất phát từ một huyện nghèo nhưng từ khi làn gió nông thôn mát lành mới thổi đến, Mai Châu đã đổi thay đáng kể. Về thăm các bản làng hôm nay, xen giữa cánh đồng lúa xanh mướt là những ngôi nhà sàn vững chãi, những đường liên xóm, đường nội đồng được bê tông; ngõ xóm sạch đẹp; chuồng trại được di dời ra xa nhà ở; nhà tắm, nhà vệ sinh được xây dựng; môi trường sống ngày càng xanh – sạch – đẹp... Sau 7 năm xây dựng NTM, huyện Mai Châu đang có sự đổi thay rõ rệt.

Có được thành quả đó chính là nhờ cách làm sáng tạo, cùng nội lực sức dân được phát huy. Do có xuất phát điểm thấp nên trong quá trình xây dựng NTM, Mai Châu luôn chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân. UBND huyện đã chỉ đạo các xã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, lựa chọn giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.

Do đó, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao như: trồng khoai lang, su su ở Ba Khan, Thung Khe; trồng lạc, tỏi tía ở Thung Khe, Noong Luông, Pù Bin; trồng mướp đắng, gấc, bí đao ở Xăm Khòe, Bao La, Piềng Vế, Cun Pheo, Mai Hạ; trồng khoai sọ ở Phúc Sạ. Hiện thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 25 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo ngày càng ít dần.

Huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) có địa bàn khá rộng, địa hình phức tạp; dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ đói nghèo cao... Đặc biệt, giao thông khó khăn khi nhiều xã, bản chưa có đường xe máy đi lại, chưa có điện lưới quốc gia; cơ sở vật chất trường lớp, trạm y tế còn tạm bợ... Chính vì vậy, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh nhằm thực hiện tốt các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM. Đặc biệt nhờ MTTQ và các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền đã thúc đẩy người dân phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo và tích cực tham gia góp sức xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Một điểm sáng nông thôn mới nữa phải kể đến chính là Đồng Nai. Hiện tỉnh này đang dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới với 128/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân trong tỉnh cũng cao hơn hẳn. Địa phương cũng thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, chính sách phát triển nông nghiệp có những bước đột phá…Trong mục tiêu phát triển, tỉnh tiếp tục chọn chăn nuôi làm ngành chủ lực còn trong trồng trọt lựa chọn những cây trồng lợi thế theo đúng tín hiệu thị trường để tránh tình trạng được mùa mất giá

Nếu đạt mục tiêu đề ra, Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên hoàn thành 100% số xã và số huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đáng chú ý, một số địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn như: Xoài, bưởi da xanh, sầu riêng ở Đồng Nai; Xoài ở Đồng Tháp; Thanh Long ở Bình Thuận, Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang; Nhãn ở Hưng Yên; Cam Cao Phong, Hòa Bình...); mô hình cây vụ đông có giá trị cao đạt 300 - 400 triệu đồng/ha (Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình,...).

Người Mặt trận đồng hành xây dựng nông thôn mới

Đồng hành cùng với các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn nỗ lực hết mình trong mọi công tác phối hợp vận động, tuyên truyền người dân tham gia, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới. Quá trình xây dựng nông thôn mới phát sinh rất nhiều đầu việc, mà khó nhất có lẽ là tìm được sự đồng thuận của người dân, nhất là trong thực hiện tiêu chí thứ hai trong bộ tiêu chí quốc gia - Phát triển giao thông nông thôn. Do địa phương nghèo, thu nhập của người dân còn thấp nên việc kêu gọi góp công, góp của, hiến đất để mở rộng những con đường là vô cùng khó khăn.

Lúc này, không ai khác những người cán bộ Mặt trận- những người gần dân, hiểu dân sẽ phải vào cuộc. Họ kiên trì, nhẫn nại và khéo léo giải thích. Họ gương mẫu vận động gia đình, người thân làm gương để bà con noi theo. Và trong triển khai thực hiện, luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch, người dân được bàn bạc thống nhất trước khi triển khai đề án và các nội dung công việc cụ thể tại địa phương.

Thôn Lũng Pô 2 vốn là thôn khó khăn của xã A Mú Sung (Bát Xát – Lào Cai), với 3/4 số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bà con thi đua lao động, sản xuất, mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới vào canh tác. Nhờ vậy, không chỉ xóa đói, giảm nghèo, nhiều gia đình trong thôn trở thành hộ khá, giàu của địa phương. Đặc biệt, không chỉ là điểm sáng biên giới của xã A Mú Sung, mà còn là điểm sáng trong các thôn, bản biên giới của huyện, của tỉnh trong giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng nông thôn mới.

Để có được kết quả đó, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã nỗ lực tuyên truyền người dân ở các khu dân cư thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”, phong trào vệ sinh môi trường nông thôn gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…Nhờ đó, nhận thức được nâng lên, bà con hăng hái tham gia các hoạt động phát triển kinh tế gia đình, các hoạt động cộng đồng.

MTTQ các cấp cũng thực hiện tốt vai trò chủ trì, hiệp thương xây dựng chương trình phối hợp, kế hoạch triển khai Cuộc vận động đến nhân dân; phát huy vai trò tự quản của nhân dân ở mỗi khu dân cư, thôn, bản trong xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế gia đình, địa phương; kịp thời phát hiện và giới thiệu những cá nhân điển hình, mô hình khu phố, thôn, bản tiêu biểu thực hiện hiệu quả các nội dung, tạo sức lan tỏa trong nhân dân… để Cuộc vận động đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao hơn.

Đặc biệt, những nơi có khó khăn, vướng mắc cán bộ Mặt trận luôn chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể, tổ hòa giải làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm giữ ổn định ngay từ cơ sở để không xảy ra khiếu kiện, thắc mắc lớn tại địa phương.

Cùng với các tổ chức thành viên, MTTQ các cấp luôn tích cực đi đầu trong việc vận động nhân dân tham gia ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các ngành nghề, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế trang trại; chủ động hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án để giảm nghèo…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diện mạo nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO