Điện mặt trời mái nhà: Vẫn thiếu chính sách đồng nhất

Nguyễn Hoàng 16/10/2021 06:30

Bộ Công Thương đang soạn thảo dự thảo quyết định cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà. Chính sách mới cho điện mặt trời mái nhà tới đây sẽ không còn giá FIT - giá ưu đãi cố định trong suốt 20 năm.

“Chúng tôi đang bàn về giá mua điện” – ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết. Theo đó, giá bán điện sẽ theo khung giá phát điện mặt trời hàng năm do Bộ Công thương ban hành, nhằm đảm bảo sát thị trường, bù đắp chi phí và thu hồi vốn của nhà đầu tư, đồng thời hài hoà với phần mua điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Một trong những điểm mới của bản dự thảo này là dự án đầu tư điện mặt trời áp mái không bị hạn chế công suất dưới 1 MWp như giai đoạn trước, thay vào đó công suất sẽ lớn hơn, có thể tới 7-8 MWp và đấu nối vào lưới điện dưới 35 kV trở xuống, không cần đầu tư thêm lưới điện để phục vụ các công trình điện mặt trời mái nhà, tránh tổn thất và tắc nghẽn lưới truyền tải.

Chính sách mới cho điện mặt trời mái nhà vẫn đang được các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu. Việc chậm ban hành chính sách mua điện mặt trời áp mái mới đang tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Phó trưởng ban Thường trực Ban Năng lượng tái tạo Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TPHồ Chí Minh (HBA) Phạm Trọng Quý Châu cho biết, 9 tháng qua, các doanh nghiệp phải “chờ đợi” chính sách giá mới cho điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà.

Giá mua điện mặt trời mái nhà ở mức 8,38 cent một kWh theo Quyết định số 13/2020 đã hết hạn từ 31/12/2020. Tính đến thời điểm này, Bộ Công Thương và EVN cũng chưa có hướng dẫn tiếp theo về thủ tục xin và chấp thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện, thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Các Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ là động lực giúp điện mặt trời có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo EVN, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp, tương đương 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Đặc biệt, trước khi quyết định số 13 hết hiệu lực vào 31/12/2020, điện mặt trời mái nhà của Việt Nam đã tăng tốc vào những bước cuối cùng, gây những đột phá ngoài sức tưởng tưởng. Công suất lắp đặt mới của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã đứng thứ 5 trên thế giới và vượt cả nước Đức, tổng mức đầu tư vào ngành đứng thứ 8 trên thế giới.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp.

Chính sách ra muộn, không đủ thời gian cho chủ đầu tư. Quyết định 11, có thời hạn 2 năm 1 tháng, từ tháng 1/6/2017 đến 30/6/2019. Kế đến, Quyết định 13 được ban hành vào 4/2020 và có giá trị đến 31/12/2020. Cơ chế có thời hạn áp dụng là 8 tháng. Nhưng trước đó 10 tháng, là khoảng trống không có cơ chế cho điện mặt trời mái nhà.

Phát triển một hệ thống điện mặt trời mái nhà cần có thời gian huy động vốn, tìm hiểu công nghệ, thuê mặt bằng, tìm nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ... Việc thị trường chờ đợi 10 tháng cho 1 cơ chế có thời gian áp dụng 8 tháng với một ngành trọng điểm dẫn đến không công bằng đối với các nhà đầu tư.

Hơn nữa, do thời gian triển khai dự án không có nhiều, các chủ đầu tư phải vội vã mua thiết bị, tìm bên cung cấp dịch vụ, tiến hành thủ tục khiến chi phí đội lên nhiều, dự án không được thực hiện đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như yêu cầu, dẫn đến những hệ lụy.

Nhìn vào thị trường điện mặt trời mái nhà, Việt Nam vẫn thiếu một chính sách hoàn chỉnh, đồng nhất giữa các bộ ngành ở tầm vĩ mô, thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật - nhiều việc thuộc phần quản lý của Bộ khoa học - Công nghệ. Thị trường Việt Nam cũng thiếu sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và điện lực địa phương, về sử dụng đất, quản lý lưới điện, tiêu chuẩn hệ thống xây dựng.

Để thị trường điện mặt trời mái nhà phát triển bền vững, giới đầu tư đang cần các chính sách nhất quán trong cách hiểu, rõ ràng và kịp thời, thực hiện ở các cấp khác nhau, từ trung ương tới địa phương, hay giữa các địa phương. Chính sách nên được công bố kịp thời. Đặc biệt, trong những ngành cần vốn đầu tư lớn, việc phát triển, xây dựng dự án cần nhiều bên liên quan, để chuẩn bị kỹ và giúp dự án hiệu quả tài chính và kỹ thuật, chính sách cần được ban hành đủ sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện mặt trời mái nhà: Vẫn thiếu chính sách đồng nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO