Diện tích làm việc cho giảng viên: Quy định và thực tiễn vênh nhau

Lam Nhi 11/10/2019 08:00

Bộ GDĐT đang lấy ý kiến về Thông tư Quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, đáng chú ý nhất trong dự thảo này là định mức, tiêu chuẩn diện tích làm việc của giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), giảng viên chính (GVC), giảng viên (GV) đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Diện tích làm việc cho giảng viên: Quy định và thực tiễn vênh nhau

Việc quy định diện tích làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên… là cần thiết.

Áp dụng với các dự án mới

Theo Dự thảo, mỗi GS cần có diện tích làm việc 24m2, PGS 18m2, GVC và GV 10m2. Bên cạnh đó, cứ mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng là 3m2/GV, với diện tích không nhỏ hơn 24m2/phòng.

Thông tư này áp dụng đối với các đại học (ĐH), học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường cao đẳng, trung cấp sư phạm, trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi là cơ sở đào tạo).

Cũng theo Dự thảo này, cơ sở đào tạo có tối thiểu một khu dịch vụ tổng hợp, một trạm y tế với tổng diện tích chuyên dùng là 300 m2, bao gồm phòng trạm trưởng và y bác sĩ trực, phòng khám, phòng tiêm và thủ thuật, phòng y tá hồ sơ kiêm phát thuốc, kho thuốc và dụng cụ, phòng bệnh nhân, phòng bệnh nhân nặng và cách ly, phòng ăn cho bệnh nhân; Có tối thiểu một nhà để xe tương ứng với tỷ lệ từ 30% đến 60% tổng số sinh viên và từ 60% đến 90% tổng số giảng viên, cán bộ, nhân viên và phải bố trí khu vực để xe cho sinh viên khuyết tật gần lối vào…

Quy định này áp dụng đối với các ĐH, học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường CĐ sư phạm, trường TC sư phạm, trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Đặc biệt, các quy định tiêu chuẩn, định mức theo Dự thảo này sẽ chỉ áp dụng với các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp sau ngày Thông tư chính thức có hiệu lực.

Có nên quy định “cứng”?

Góp ý cho Dự thảo này, nhiều chuyên gia giáo dục, các trường ĐH, học viện cho rằng giữa Dự thảo và thực tiễn đang có sự “vênh” nhau. Cụ thể, GV Mai Tuyết Nhung (Trường CĐ Du lịch Hà Nội) cho biết nếu áp dụng quy định 10m2/GV thì quá tốt. Nhưng trên thực tế sẽ khó trở thành hiện thực vì điều kiện cơ sở giáo dục của nhà trường ngay lúc này khó có thể đáp ứng được điều đó, thậm chí là hàng chục năm nữa cũng chưa thể đạt được quy định này.

“Ưu tiên trước mắt, theo tôi là cần cấp đủ trang thiết bị và các tiện nghi trong phòng như bàn ghế, máy tính, máy in, Wifi và có chế độ đãi ngộ khá lên. Đó đã là động lực lớn cho giảng viên rồi” – GV Mai Tuyết Nhung bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm này, một GV trẻ Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng quy định này nếu so sánh với nhiều trường ĐH lớn ở nước ngoài thì cũng là bình thường. Nhưng với điều kiện trong nước, các trường đang mới dần tiến tới tự chủ, nguồn thu chủ yếu mới từ học phí của sinh viên thì để đảm bảo quy định này, gánh nặng sẽ đổ lên sinh viên thì rất khó cho người học.

Trong khi đó, vị GV này cũng phân tích thêm, với nhiều ngành học đặc thù, việc lên lớp có thể qua hình thức online, thầy trò trao đổi với nhau ở bất cứ đâu nên cần hơn là các phòng nhỏ có wifi mạnh, có thiết bị để làm projects… Riêng với ngành báo chí truyền thông, yêu cầu đi thực tế rất nhiều, GV sẽ đánh giá học viên theo bài tập thực tế nên nếu “quy định cứng” về phòng cho GV trong điều kiện nhiều cơ sở vật chất khác còn đang thiếu thốn thì chưa hợp lý.

Mặc dù theo ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT), đơn vị chủ trì soạn thảo Dự thảo này, đây không phải điều kiện về cơ sở vật chất các trường bắt buộc phải thực hiện, mà nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trường học vượt quá khả năng nhà trường sử dụng đến.

Cụ thể hơn, ông Phạm Hùng Anh cho rằng các cơ sở đào tạo căn cứ quy định tại Thông tư này, xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng, xin ý kiến cơ quan cấp trên trực tiếp trước khi ban hành. “Trường hợp nhà trường muốn mở rộng cơ sở vật chất, Nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của nhà trường đã được phê duyệt; nếu còn thiếu diện tích thì mới xem xét để đầu tư tiếp, nhưng nếu không thiếu thì dừng đầu tư” – ông Hùng Anh cho biết.

Tuy nhiên, ông Hùng Anh cũng nêu quan điểm việc quy định diện tích làm việc cho GS, PGS, GV là cần thiết; bởi ngoài việc lên lớp, họ còn cần không gian nghiên cứu, làm việc với sinh viên; không phải chỉ đến trường dạy hết tiết rồi về.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng nếu quy định này chỉ áp dụng cho dự án mới thì không hợp lý. Vì chất lượng phải áp dụng cho cả trường cũ và cũng sẽ vi phạm luật cạnh tranh vì cản trở các đối tác đầu tư mới tham gia thị trường giáo dục.

Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng Bộ cần cân nhắc kỹ đề xuất này để phù hợp với thực tế cuộc sống, tránh bị dư luận cho là làm luật trong phòng máy lạnh. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH thì thiết nghĩ, cần hướng đến sinh viên, lấy sinh viên làm trung tâm như vậy mới có những quyết định đầu tư đúng đắn, hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diện tích làm việc cho giảng viên: Quy định và thực tiễn vênh nhau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO