Điều chỉnh để đầu tư trúng đích

Hạ Huyền 15/08/2016 09:05

Trong quá trình thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011- 2015 đã được đánh giá là phát huy được hiệu quả, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là việc bảo tồn di tích. Dẫu vậy cho đến cuối năm 2015, theo đánh giá của Chính phủ: mục tiêu “Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho các di tích quốc gia” của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới đạt 52%.

Điều chỉnh để đầu tư trúng đích

Tích trò Xuân Phả.

Còn nhiều bất cập

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011- 2015 có tổng kinh phí đầu tư là 7.399 tỷ đồng, huy động từ ngân sách trung ương 3.231 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.116 tỷ đồng; các nguồn hợp pháp khác 2.052 tỷ đồng.

Theo đó có 3 nhóm mục tiêu cơ bản và 6 nhóm dự án mà Chương trình Quốc gia về Văn hóa giai đoạn 2012- 2015 đặt ra. Quan trọng nhất là mục tiêu hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể cho khoảng 300 di tích, khu di tích được công nhận di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng; Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho 1.200 đến 1.500 di tích quốc gia.

Hoàn thành công tác tổng kiểm kê giá trị văn hóa phi vật thể trên cả nước và xây dựng bản đồ phân bố giá trị văn hóa phi vật thể; Tiến hành 500 dự án sưu tầm bảo tồn lưu giữ Văn hóa phi vật thể… đảm bảo việc giới thiệu, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm lưu giữ…Tiếp đến là các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao cơ sở; phát triển nghệ thuật truyền thống.

Theo tinh thần nói trên, mỗi năm Nhà nước sẽ đầu tư tu bổ tổng thể cho 60 đến 90 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 300 đến 400 di tích…; Với nguồn kinh phí thực hiện dự án là 5.162 tỷ đồng; Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể với kinh phí thực hiện vào khoảng 288,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên trên thực tế cho đến thời điểm này, kể cả việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đều chưa đạt được kết quả như mong muốn. Báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đánh giá mục tiêu “Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho các di tích quốc gia” của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho đến 2015 mới đạt 52%.

Tại hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011- 2013, nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã được các địa phương đề cập.

Đó là những bất cập trong việc thừa và thiếu trong đầu tư xây dựng cơ bản; ngổn ngang trong tu bổ di tích- đặc biệt là kiểu tu bổ làm mới di sản đang tồn tại chủ yếu. Thậm chí còn có những địa phương gặp khó khăn trong việc giải ngân trong quá trình thực hiện. Tại đây Bộ VHTT&DL đã chỉ ra nhiều dự án tu bổ bị kéo thời gian ra quá dài như trường hợp cố đô Huế, di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)...

Ở lĩnh vực bảo tồn di sản phi vật thể theo phân tích, khá nhiều dự án chủ yếu mới dừng lại ở việc sưu tầm, lưu giữ mà chưa phát triển sang giai đoạn nghiên cứu, phục dựng bởi thiếu tư liệu chuyên môn. Đó cũng là lý do một số di sản văn hóa của các dân tộc ít người vẫn chưa được sưu tầm một cách đầy đủ và hệ thống.

TS Nguyễn Chí Bền- nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam khi ấy bảo rằng: Có những vấn đề cấp thiết mà chúng ta chưa thực hiện được. Theo ông Bền, việc đầu tư một khoản tiền rất lớn, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có thể đạt những kết quả cao hơn nếu có sự phân bổ, điều chỉnh hợp lý về chính sách đầu tư. Ở một góc độ khác, nếu có cơ chế hợp lý để tận dụng nguồn lực xã hội hóa, hẳn chương trình này cũng sẽ không rơi vào cảnh phải loay hoay “cõng” cả gánh nặng di sản trên lưng. Trong khi một số ít địa phương lại dễ hình thành tâm lý ỉ lại...

Điều chỉnh

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã có văn bản gửi Sở VHTT&DL Thanh Hóa về việc đề nghị chuyển đổi nội dung đầu tư trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2015.

Theo đó sau khi rà soát kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2015 đã hướng dẫn bố trí cho các dự án, nhiệm vụ tại địa phương và ý kiến của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VHTT&DL có ý kiến như sau: Năm 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã hỗ trợ kinh phí là 180 triệu đồng để thực hiện dự án “Xây dựng hồ sơ khoa học Bảo tồn trò diễn Xuân Phả”.

Tuy nhiên, năm 2001 ngành văn hóa đã phối hợp với viện Viện Văn hóa Dân gian thực hiện dự án trên. Do vậy, để tránh chồng chéo và đạt hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ VHTT&DL thống nhất với đề nghị chuyển đổi nội dung sang thực hiện dự án “Sưu tầm, bảo tồn trò diễn Xuân Phả”.

Từ trường hợp của tích trò Xuân Phả, thiết nghĩ việc đầu tư để bảo tồn nghiên cứu các giá trị vật thể và phi vật thể khác trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa- nếu xét thấy chưa phù hợp hoặc không hiệu quả, Bộ VHTT&DL nên sớm có những điều chỉnh để tránh lãng phí về nhiều mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh để đầu tư trúng đích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO