Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình

Hoàng Yến Ảnh: Thành Trung 03/05/2018 08:10

Trong khô cằn nắng cháy, giữa đại dương bao la, có những điều kỳ diệu ở quần đảo Trường Sa nơi mà 223 thành viên của Đoàn công tác số 7 trên con tàu HQ 571 được một lần chạm vào. Để sống như một người lính tiến bước dưới quân kỳ, tim cháy bỏng khát vọng hòa bình của người Việt Nam giữa Biển Đông. Để yêu và đong đầy những cảm xúc mãnh liệt như lời nguyện thề: Cả nước vì Trường Sa- Trường Sa vì cả nước.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải và Đoàn công tác số 7 thả chim bồ câu trên đảo Trường Sa Lớn.

Đoàn công tác số 7 là đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu gồm các doanh nghiệp, doanh nhân, kiều bào, chức sắc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân ra thăm và động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1/8. Cùng đi với đoàn có Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Ủy viên thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân.

Hòa bình - đối với những người như chúng tôi - được sinh ra và lớn lên trong thời bình, có lẽ không phải ai cũng có thể hiểu hết được.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 1

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Trưởng Đoàn công tác số 7 thăm vườn rau của các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh.

Nhưng kể từ lúc chúng tôi đặt chân lên Trường Sa vào đúng dịp 43 năm quần đảo này được giải phóng, hơn lúc nào hết, hai chữ hòa bình mới thực sự thấm thía hơn trong tâm can.

Vì để có hòa bình, để gìn giữ hòa bình chắc chắn phải có sự hy sinh.

Lịch sử ngày hôm qua đã viết tên biết bao sự hy sinh của thế hệ cha ông thấm đẫm máu xương để gìn giữ cương thổ, chủ quyền. Lịch sử ngày hôm nay, ngay trong thời bình, vẫn tiếp tục khắc tên những người lính ở ngay nơi chúng tôi vừa đến.

Đất nước có hơn 3000 hòn đảo nhưng không phải ngẫu nhiên, quần đảo Trường Sa được gọi là quần đảo bão tố. Bởi chỉ cần một cơn bão giữa biển khơi đi qua, lại có thêm những người lính ngã xuống.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 2

Các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca vui cùng thành viên đoàn công tác trong một bài dân vũ.

Trong khói nhang vời vợi, đứng trước ngôi mộ hai người lính tuổi chớm đôi mươi trên đảo Trường Sa Lớn, để nói về sự hy sinh, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải chỉ có một lời gan ruột: “Đó là sứ mệnh của người lính”.

Hải trình của Đoàn công tác số 7 đã đi qua rất nhiều hòn đảo từ Đá Lớn B, Sơn Ca, Sinh Tồn, Núi Le A, Đá Thị, đến Cô Lin, Phan Vinh, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát, rồi qua Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/8.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 3

Các chiến sĩ trên đảo Núi Le A cùng hát "Khúc quân ca Trường Sa".

Giữa khô cằn nắng cháy, giữa bao la biển trời, trên những đảo chìm đảo nổi, ở đâu cũng chỉ bắt gặp những nụ cười, những cái bắt tay nồng ấm và lời ca tiếng hát yêu đời mà người lính đảo gửi cho chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi mới thấm hiểu hơn hai từ “sứ mệnh” của vị tướng hải quân.

Và chợt hiểu, đừng hỏi người lính về sự hy sinh để rồi trái tim thổn thức niềm tự hào khôn xiết khi gọi tên từng người. Mồ hôi và cả xương máu của các anh đã thấm xuống đảo này, biển này để đắp nên hình hài tổ quốc.

Hình hài Tổ quốc đã được ấn định trong các tài liệu và bản đồ cổ của Việt Nam và nước ngoài từ nhiều thế kỷ trước.

Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776 có ghi: “Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vinh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, phía ngoài đó có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến”.

Địa điểm mà nhà bác học Lê Quý Đôn nói tới chính là quần đảo Trường Sa ngày nay. Qua tài liệu các thời kỳ trước năm 1884, từ năm 1884 đến tháng 1/1950, từ năm 1950 đến tháng 4/1975 và từ năm 1975 đến nay đều khẳng định quần đảo Trường Sa từ lâu đã là của Việt Nam.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 4

Tàu cá của ngư dân neo quanh đảo Đá Lát.

Trong ráng chiều vời vợi, từ trên tàu nhìn vào những bãi san hô, rạn đá ngầm bao quanh các hòn đảo bừng lên một màu xanh bất tận. Và trên những quầng xanh đó là lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền đỏ lồng lộng bay trong gió như chiếc áo mà chúng tôi chọn làm đồng phục trong suốt cuộc hải trình.

“Máu xương, nước mắt, mồ hôi của quân và dân Trường Sa đổ xuống đang được đền đáp khi cờ Tổ quốc luôn tung bay trên vị trí cao nhất của đảo, lồng lộng giữa sóng gió Biển Đông. Tổ quốc là đây, trong tim tôi và ở kia trên những hòn đảo tiền tiêu.

Chưa khi nào tôi thấy tổ quốc mình đẹp đến thế”, ông Trịnh Hữu Bàn, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang đã phải thốt lên khi đứng trước cảnh tượng này.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 5

Đoàn công tác số 7 giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sĩ trên đảo Đá Đông A.

Chuyến hải trình của Đoàn công tác số 7 đã được chứng kiến nhiều sự đổi thay trên quần đảo Trường Sa. Từ đảo chìm đến đảo nổi, ở đâu cũng bắt gặp một màu xanh.

Từ những hạt mầm bé xíu được các chiến sĩ trên những đảo chìm như Đá Thị, Đá Lát, Đá Tây ươm trong thùng xốp đang đâm chồi cho đến những tán lá bàng vuông, phong ba, lá tra xum xuê trên những hòn đảo nổi ở Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… tất cả đang vươn lên một cách mãnh liệt giữa khô khát. Và chỉ có những con người ở nơi này mới có thể làm nên điều kỳ diệu đó.

Huyện Trường Sa hiện có 3 đơn vị hành chính là thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 6

Dưới tán cây tra trên đảo Sinh Tồn.

Những năm gần đây, thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn không ngừng được củng cố và phát triển cơ sở vật chất để phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Chúng tôi đến đảo Sinh Tồn - một trong những đảo không có nước ngọt, đúng vào mùa khô nên sinh hoạt của quân và dân trên đảo càng khó khăn và chủ yếu dùng nước ngọt từ các bể chứa.

Với tay hái cho tôi một quả tra bé xíu mà các anh chiến sĩ ở đây dí dỏm đặt tên là “nho Sinh Tồn ”, một chiến sĩ trẻ tên Quang vui vẻ cho biết, trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, nhưng đảo Sinh Tồn vẫn duy trì một thảm thực vật đặc thù và hết sức phong phú, đó là phi lao, bàng thường, bàng vuông, nhàu, phong ba, muống biển và rau xanh.

Và không phải chỉ ở đảo Sinh Tồn mà tất cả các điểm đảo nổi của quần đảo Trường Sa mà chúng tôi đặt chân đến bây giờ đều bát ngát những thảm cây muống biển trên những triền cát cho đến rau mồng tơi, bầu bí, cải mầm...tất cả đều trụ vững bất chấp khí hậu nghiệt ngã như một sự diệu kỳ.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 7

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Trưởng Đoàn công tác số 7 đánh chuông trên chùa Trường Sa.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 8

Hòa thượng Thích Chân Quang cùng các chức sắc tôn giáo thắp hương tại chùa Trường Sa.

Ngắm nhìn những màu xanh trên các hòn đảo đã mang tới sức sống mới cho không chỉ quân và dân trên quần đảo Trường Sa mà còn mang lại cho chính chúng tôi những khát vọng.

Khát vọng về một Biển Đông hòa bình khi mà hầu hết các đảo nổi nơi chúng tôi đến như vừa có dáng dấp một đô thị, lại có dáng dấp của một làng quê Việt Nam như bất cứ nơi nào ta bắt gặp.

Thong thả dạo từng bước trên đảo Sinh Tồn hay Sơn Ca, Trường Sa Lớn đều có cảm giác như đi giữa một miền quê thuần hậu, có tiếng chim và xao xác tiếng gà gáy trưa, có tiếng trẻ ríu ran cười đùa trong nắng sớm.

Đối với chúng tôi, những người lần đầu ra với Trường Sa, điều ngạc nhiên nhất là bắt gặp dáng dấp biết mấy thân thương của những ngôi chùa Việt. Chùa chính là chỗ dựa tinh thần của nhân dân trên đảo và những ngư dân đánh bắt xa bờ.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng và như thấy đất liền đang ở đâu đây, rất gần với mình”, anh Lê Thanh Lâm cùng gia đình tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống từ năm 2013 chia sẻ.

Không chỉ có anh Lâm mà với những người mới đến như chúng tôi, trong một buổi chiều, khi dừng chân trước đảo Phan Vinh, âm thanh nhớ nhất là tiếng chuông chùa ngân nga trong sóng chiều biển biếc.

Tiếng chuông như sự thức tỉnh hướng con người về sự yêu thương, chia sẻ và báo hiệu cho sự an lành mang theo khát vọng hòa bình của những người con đất Việt ở giữa quần đảo bão tố này.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình - 9

Thành viên Đoàn công tác số 7 chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc trên đảo Trường Sa.

Như khi cánh chim bồ câu bay lên giữa quần đảo Trường Sa, hàng trăm cánh tay rưng rưng đặt lên ngôi sao trước ngực, mắt ngước nhìn Quốc kỳ, trái tim thổn thức cùng cất vang theo lời hát “…là người tôi sẽ chết cho quê hương” chính là lúc thông điệp của Đoàn công tác số 7 được gửi đi.

“Đó là thông điệp của hoà bình. Mỗi cánh chim bồ câu tung bay trên đảo Trường Sa sẽ mang theo ước vọng của Đoàn công tác số 7- Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam- nơi tập hợp, đoàn kết những tấm lòng yêu nước- khát vọng về một Biển Đông hòa bình”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.

Bài 2: Người Mặt trận ở Trường Sa

Cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa, Đoàn công tác số 7 đã trực tiếp mang nhiều món quà gửi tặng quân và dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/8 và tàu HQ 571. Trong đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam ủng hộ các hộ dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa, mỗi hộ 2,5 triệu đồng với mong muốn các hộ dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng trao 32 suất học bổng trong chương trình “Mỗi ngày Một học bổng” do báo Đại Đoàn Kết phối hợp với Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn VinGroup cho học sinh là con em cán bộ, chiến sĩ đang làm việc trên quần đảo Trường Sa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều kỳ diệu ở Trường Sa - Bài 1: Khát vọng hòa bình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO