Điều tiết hành vi sai trái của các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội

An Chi 14/07/2021 19:00

Thời gian gần đây các hoạt động lừa đảo trên mạng xã hội diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi. Cùng với đó là những cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội đăng, tung tin sai sự thật khiến dư luận hoang mang, chia rẽ dân chúng gây nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội. Người dân cần làm gì để tránh những “cú lừa” này?

Các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra dưới nhiều hình thức như: Nhắn tin giả mạo ngân hàng, lập tài khoản Facebook, zalo để lừa đảo, Giả mạo cơ quan chức năng/dịch vụ truyền thông, nhắn tin thông báo tặng tiền/quà… Các chiêu trò ngày càng tinh vi khiến người dân dễ dàng mắc bẫy, dẫn đến thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Một trong những mặt trái và nguy cơ của mạng xã hội là nguy cơ bị theo dõi, thu thập, sử dụng thông tin cá nhân với mục đích giả danh lừa đảo. Những kẻ tội phạm lợi dụng tâm lý tò mò, ham hố các phần thưởng hoặc nỗi sợ hãi, sự chấp hành với các cơ quan chức năng để lừa người dân. Nhiều hình thức lừa đảo từ lừa đảo từ thiện, giả danh đại lý bán vé, lừa đảo tặng quà trực tuyến, chuyển tiền giả mạo qua bưu điện; lừa đảo chuyển tiền cho người thân qua tài khoản...

Trao đổi về vấn đề này PGS.TS. Trần Thành Nam, Viện tâm lý Việt – Pháp cho biết: Nguyên nhân dẫn đến bị mắc lừa cũng có một phần là cộng đồng chưa có năng lực công dân số, chưa được cập nhật trang bị kiến thức về tính chất thông tin số (dễ giả danh), không ý thức thông tin nào là riêng tư, không ý thức về các phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin khi chúng tả tải xuống một phần mềm, nháy chuột vào một đường link trong email hay truy cập vào một trang web khai báo để nhận thưởng.

Một trong những cách thức để người dân không mắc phải những cú lừa trên là triển khai các khóa học mở miễn phí trên các nền tảng số để người dân tự học và nâng cao năng lực công dân số. Biết cách kiểm tra tính chính xác của tài khoản cá nhân, tránh những trang web có vấn đề, biết đặt mật khẩu mạnh và bảo vệ 2 lớp; biết phát hiện và xử lý email không an toàn; biết cài và cập nhật các ứng dụng diệt virus và cẩn trọng trong việc truy cập internet ở những điểm công cộng. PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết thêm.

Thời gian gần đây cũng rất nhiều cá nhân, nhóm người đã lợi dụng mạng xã hội, tung tin sai sự thật khiến dư luận hoang mang, gây chia rẽ dân chúng làm nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội

"Việc đăng tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã có quy định rất rõ trong Nghị định 15/2020 rằng các tổ chức và cá nhân vi phạm sẽ bị phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đó. Tuy nhiên sau khi ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng, cần có cơ chế để chấm điểm hành vi ứng xử của các thành viên trên cộng đồng mạng để khuyến cáo cho cộng đồng biết những người có hành vi ứng xử không văn minh trên cộng đồng. Từ đó cộng đồng sử dụng các áp lực nhóm, sự tẩy chay để điều tiết những hành vi sai trái của cá nhân", PGS.TS. Trần Thành Nam cho hay.

Để ngăn chặn những hiện tượng lệch chuẩn trên mạng xã hội, bên cạnh các thể chế pháp luật với các hình phạt nghiêm khắc, cần triển khai cụ thể hóa Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Cụ thể hóa những giá trị cốt lõi của nó như an toàn, tôn trọng, trách nhiệm và lành mạnh... Điều này phải được truyền thông để các bên hiểu rõ và xem như là trách nhiệm của từng người, từng gia đình và cộng đồng. Chúng cần được đưa vào trường học, vào các gia đình để giáo dục thế hệ trẻ như một nội dung chính thức trong các giờ học ngoại khóa hoặc các giờ học trải nghiệm hướng nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều tiết hành vi sai trái của các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO