Trại lợn “tra tấn” láng giềng

Hạnh Nguyên 29/07/2018 10:00

4 năm nay, một trại lợn khá quy mô mọc lên giữa khu dân cư (thôn Tây Vinh, xã Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) “hành” láng giềng bằng chất thải, mùi hôi thối. Đến nỗi, nhiều nhà xung quanh không chịu nổi, xây nhà rồi bỏ xứ đi nơi khác sinh sống. Khi bị phản ánh gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân, chủ trại lợn không những không hợp tác mà còn có thái độ thách thức.

Trại lợn “tra tấn” láng giềng

Trang trại xây dựng tự phát trong khu dân cư.

Láng giềng khiếp đảm

PV báo Đại Đoàn Kết nhận được phản ánh của một số hộ dân ở thôn Tây Vinh về tình trạng ô nhiễm gây ra từ trang trại của ông Đặng Văn Tuệ. Từ hình ảnh người dân quay lại và “mục sở thị” trực tiếp trang trại này, chúng tôi nhận thấy, trang trại này có nhiều vấn đề cần sớm có phương án dẹp bỏ.

Theo phản ánh của chị Đặng Thị Luyện (nhà ngay sát trang trại), 4 năm qua, gia đình chị sống trong nỗi khiếp đảm vì mùi thối bốc ra từ trại lợn của ông Tuệ.

“Từ khi có trại lợn này, cả 4 người trong gia đình tôi đến thở cũng khó khăn. Nhà ngay sát trại lợn, không hề có tường rào ngăn cách, nên khi nào nhà chúng tôi cũng hứng chịu mùi thối bốc ra từ trại lợn này. Trời nắng 39 độ nhưng quạt không dám bật vì sợ mùi chất thải tạt hết vào mồm, mũi. Nhà có chút kẽ hở nào đều phải lấy giẻ rách, bao bóng bịt kín”- chị Luyện bức xúc nói.

Vừa nói chị Luyện vừa dẫn chúng tôi ra vườn chỉ vào những ô cửa kính mở toang của trại lợn và đường ống dẫn chất thải, tạp uế bị vỡ, nước phân chảy thẳng ra ao hồ cạnh vườn của chị.

“Nhiều lần chúng tôi yêu cầu đóng hết cửa sổ của trại lợn nhưng ông Tuệ không đóng và còn thách thức gia đình tôi nữa. Bây giờ chồng tôi mắc bệnh về đường hô hấp, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác cứu chữa nhưng không thể khỏi vì cứ về nhà hít cái mùi tạp uế này bệnh lại càng nặng hơn”, chị Luyện ứa nước mắt bày tỏ.

Nhưng đáng thương nhất là 2 đứa con của chị Luyện, đến trường thì thôi chứ về nhà là phải đeo khẩu trang. Nhìn cảnh 2 đứa trẻ ngồi học bài mà đeo chiếc khẩu trang bịt kín trông rất tội nghiệp.

Từ trang trại này, mùi chất thải lan khắp xóm, có khoảng 40 hộ dân thôn Tây Vinh bị đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt do trại lợn gây ra. “Nhà tôi ở phía bên kia đường nhưng cũng bị trang trại này ám ảnh. Đến nỗi em trai ông Tuệ và người cháu nhà ngay cạnh không chịu được mùi thối phải bỏ cơ ngơi đấy rồi đi nơi khác ở. Sau nhiều lần đề nghị giảm đàn, vệ sinh sạch sẽ, khắc phục hệ thống xử lý chất thải nhưng ông Tuệ không khắc phục nên chúng tôi cùng nhau phản ánh lên xóm, xã rồi lên huyện” – chị Đặng Thị Ninh bức xúc nói.

Trại lợn “tra tấn” láng giềng - 1

Con của chị Đặng Thị Luyện ngồi học bài nhưng phải đeo khẩu trang.

Không cho làm thì nghỉ

Trại lợn của ông Đặng Văn Tuệ nằm vắt vẻo bên ao hồ, ngay cạnh sông Nghèn. Vì thế, cứ mưa to là nước có thể ngập và tuồn hết chất thải ra sông. Ở đây có 14 ngăn chuồng, thời điểm PV có mặt chỉ có 42 con lợn.

Theo người dân phản ánh, buổi tối trước khi PV và đoàn kiểm tra của Phòng TN&MT huyện Can Lộc về, ông Tuệ đã kịp bán tống bán tháo hàng trăm con lợn trong đêm. Đồng thời vệ sinh sạch sẽ để “chờ” đoàn kiểm tra về. Bình thường, trại lợn không có người trông coi và xử lý vệ sinh thường xuyên, đến giờ cho lợn ăn thì mẹ của ông Tuệ nhà gần trại đến đổ cám cò từ bao tải ra cho đàn lợn ăn.

Ông Đặng Văn Tuệ cũng thừa nhận: “Tôi làm ở công ty thức ăn gia súc nên tranh thủ xây thêm trại lợn này để tận dụng, trang trại tự phát chứ không có giấy phép. Hai ngày lên trại thăm nom 1 lần. Đất cũng không phải của tôi mà đứng tên em trai. Nếu bây giờ chính quyền bắt nghỉ nuôi thì tôi nghỉ, chẳng có gì lăn tăn cả”.

Khi được hỏi trại lợn này thời điểm nhiều nhất là bao nhiêu con, ông Tuệ chỉ trả lời lấp lửng là “không thể nhớ được”. Nhưng theo người dân, bình quân có khoảng 100 đến 200 con lợn, có lúc nuôi đến 400 con. Tuy nhiên, hệ thống biogas được làm sơ sài, chỉ có một bể nhỏ và không có người sử dụng khí gas nên chắc chắn không phát huy tác dụng. Còn hai hố đựng phân cạnh đó cũng bé tí và không đậy nắp, nước phân rò rỉ ra phía ngoài tường rào, lan sang vườn chị Đặng Thị Luyện. Đặc biệt, đường ống dẫn chất thải bị vỡ, phân vô tư chảy thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo quy định, chăn nuôi trong khu dân cư chỉ được giới hạn từ 20 con trở xuống, nếu vượt quá thì phải cách khu dân cư ít nhất 500m và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cũng có quy định rất chặt chẽ.

Trao đổi với PV, ông Đặng Thọ Liễu - Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho biết, xã rất quyết liệt trong việc kiểm tra, nhắc nhở nhưng ông Tuệ chỉ thực hiện đối phó rồi đâu lại vào đấy. Sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, xã đã vào cuộc, lập văn bản yêu cầu ông Tuệ khắc phục nhưng người dân vẫn không thể chịu được, thậm chí còn bức xúc hơn.

“Trại lợn của ông Đặng Văn Tuệ không phải là mô hình của xã cũng không có cơ quan nào cấp phép mà anh ấy xây dựng tự phát. Hệ thống biogas không đúng quy mô vì theo quy định 1 con lợn phải có 1 mét khối biogas. Về hướng xử lý thì chúng tôi đã đề nghị Phòng NNPTNT, Phòng TNMT, Cảnh sát kinh tế huyện Can Lộc về kiểm tra. Họ sẽ mời chủ trại lên làm việc, giao trách nhiệm cụ thể, làm đúng quy trình trong việc chăn nuôi. Nếu chủ trại làm không đúng quy định sẽ không cho phép phát triển nữa”, ông Đặng Thọ Liễu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trại lợn “tra tấn” láng giềng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO