Đình Đình Chu trước nguy cơ bị sập: Vĩnh Phúc đề nghị 'không nên đưa lên báo chí'

Hoàng Minh 30/08/2017 15:58

Như báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin xung quanh đơn kêu cứu của nhóm Đình làng Việt xung quanh việc xuống cấp của đình Đình Chu (Vĩnh Phúc). UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa chính thức có phản hồi và có đề nghị người viết đơn không nên đưa lên báo chí.

Đình Đình Chu (Vĩnh Phúc) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đào Mỹ Liên.

Theo đó, nội dung trả lời cho biết, dự án tu bổ, tôn tạo đình Đình Chu (xã Đình Chu, huyện Lập Thạch) đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục dự án đầu tư công trình của tỉnh, UBND huyện Lập Thạch đang triển khai các bước đầu tư tiếp theo.

UBND tỉnh ủy quyền cho Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện Lập Thạch liên hệ trao đổi, trả lời ông Nguyễn Đức Lộc. Tuy nhiên, trong phản hồi văn bản nhấn mạnh, đề nghị ông Nguyễn Đức Lộc không nên đưa lên báo chí vì đây là thư kiến nghị lần đầu tiên gửi cho UBND tỉnh; Sở VHTT&DL và các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ tiếp thu, xem xét giải quyết các nội dung quyết định trong thư nếu trên đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh cũng yêu cầu cơ quan liên quan báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/9/2017.

Trước đó, như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, sau lời kêu cứu “vô vọng” của người dân sinh sống xung quanh di tích đình Đình Chu (xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) năm 2016, mới đây Nhóm Đình làng Việt đã chính thức có thư kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc bảo vệ khẩn cấp di tích.

Cụ thể, theo thư kiến nghị, đình Đình Chu xưa vốn thuộc xã Chu Đề huyện Lập Thạch, Phủ Vĩnh Tường là ngôi đình mang phong cách truyền thống đặc trưng đình làng vùng xứ Đoài với kết cấu kiến trúc, trang trí kiến trúc độc đáo. Đình được khởi dựng năm Gia Long thứ 2 (1803) và Trùng tu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) là một trong những ngôi đình bề thế, quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và vùng châu thổ Bắc Bộ còn tồn tại cho đến ngày nay.

Trải qua thời gian, đến nay ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng ở tất cả các hạng mục, đặc biệt là trong 3 năm gần đây (2014 – 2017) sự xuống cấp đã đến mức báo động và hiện nay ngôi đình có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Theo đại diện của nhóm Đình làng Việt, ông Nguyễn Đức Lộc cho biết “Tháng 8/2016, các thành viên của Nhóm đã may mắn được về thăm quan đình Đình Chu, tận mắt thấy được sự quý hiếm của một di sản, nhưng các thành viên chúng tôi vô cùng đau xót bởi di sản quý hiếm đó đang bị xuống cấp nghiêm trọng”.

Ông Lộc cũng dẫn chứng như mái thủng từng mảng lớn, cột, hoành, dui mè bị nước thấm vào gây ẩm mốc, đang mục nát; trời mưa hay nắng, trong đình giống như ngoài trời, nước mưu dột từ nốt dột xuống, thấm vào hệ thống kết cấu gỗ. Đình có thể đổ bất cứ lúc nào, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Vì thế, chính quyền địa phương đã căng biển báo nguy hiểm để dân làng không vào đình. Các hoạt động sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng bấy lâu không còn diễn ra ở đây.

Ghi nhận đến thời điểm ngày 21/8/2017 ngôi đình vẫn ở trong hiện trạng xuống cấp, tình trạng còn “tệ” hơn năm 2016 và đình vẫn phải oằn mình chống đỡ với mưa bão khắc nghiệt.

Đặc biệt, vào tối ngày 24/8/2017 do ảnh hưởng của mưa bão một số cấu kiện kiến trúc đã bị rơi vỡ.

Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng theo thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm Đình làng Việt cũng đề nghị cần có biến pháp khẩn cấp bảo vệ Di tích quốc gia kiến trúc đình Đình Chu.

Bản thân nhóm đề xuất trước mắt tỉnh khẩn trương cấp kinh phí hoặc tính tạm ứng kinh phí để dựng nhà bao che bằng vật liệu sắt, mái tôn đạt tiêu chuẩn để bảo vệ được toàn bộ di tích (khi đình Đình Chu tiến hành trùng tu, theo quy định, đơn vị thi công trước tiên phải làm nha bao che cho di tích này, lúc đó kinh phí làm nhà bao che của dự án sẽ trả lại ngân sách của tỉnh).

Ngoài ra, cần tăng cường các cột chống đỡ kiến trúc chờ ngày trùng tu. Như vậy mới có thể giảm thiểu tác động của mưa bão, tránh sự cố không đáng có khi mưa to, gió lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình Đình Chu trước nguy cơ bị sập: Vĩnh Phúc đề nghị 'không nên đưa lên báo chí'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO