Dinh dưỡng giúp trẻ phát triển chiều cao

HẠNH AN 14/03/2023 09:16

Suy dinh dưỡng thấp còi là tình trạng trẻ có chiều cao theo tuổi thấp so với chiều cao chuẩn, do chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ nhu cầu của trẻ, đặc biệt là không cung cấp đủ protein và năng lượng. Vậy, câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm là chăm sóc dinh dưỡng cho con như thế nào để con có được chiều cao lý tưởng?

Theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Theo dõi “biểu đồ” tăng trưởng

BS Nguyễn Thị Hằng Nga - khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết, chậm tăng trưởng ở trẻ được đánh giá dựa trên tuổi, giới và chủng tộc.

Để hiểu rõ hơn, cần biết các “thông số”. Theo đó, trẻ tăng trưởng bình thường được hiểu là sau sinh, chiều dài trung bình của trẻ khoảng 50cm, trong năm đầu đời chiều cao của trẻ tăng 3,5-3,8cm/tháng trong 3 tháng đầu, 3 tháng tiếp theo mỗi tháng tăng trung bình 2cm, chiều cao lúc 1 tuổi gấp rưỡi khi sinh. Sau 1 tuổi, mỗi năm trẻ tăng 5cm (1-10 tuổi). 6 tuổi trẻ cao từ 105cm -115cm. Tăng trưởng chiều cao giai đoạn 11-12 tuổi tăng 7-8cm/năm. 13-15 tuổi tăng 8-9cm/năm. Sau khi dậy thì tốc độ tăng trưởng chậm lại để đạt chiều cao trưởng thành.

Chậm tăng trưởng là khi chiều cao theo tuổi ≤ 2 số đo so với quần thể tham khảo cùng tuổi giới, chủng tộc. Chậm tăng trưởng có thể xảy ra ở các thời kỳ khác nhau (giai đoạn bào thai, giai đoạn nhũ nhi, giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì) hoặc suốt cuộc đời của trẻ.

Trẻ có tầm vóc thấp có thể là biểu hiện của suy dinh dưỡng hay có thể là do cách tăng trưởng của trẻ được thừa hưởng di truyền của cha mẹ, hoặc xảy ra mà không có căn nguyên rõ rệt. Điển hình chậm tăng trưởng này xảy ra trong giai đoạn thơ ấu, tốc độ tăng trưởng chậm mặc dù có thể vẫn trong giới hạn cho phép.

Chậm tăng trưởng có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết tố (15% bệnh nhân có tầm vóc thấp là do liên quan đến nội tiết), nhiễm trùng, dinh dưỡng kém, rối loạn tâm lý tình cảm...

Để chẩn đoán, trẻ cần thường xuyên được kiểm tra cân nặng và chiều cao, thăm khám sức khỏe định kỳ. Việc điều trị chậm tăng trưởng không khẩn cấp, hơn nữa chẩn đoán cũng như phát hiện ra thường muộn, nên quan trọng nhất là theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì trẻ có thể bắt kịp được về tăng trưởng như các trẻ khác.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ:

- Yếu tố gene: Có khoảng hơn 400 gene khác nhau ảnh hưởng đến chiều cao của con người, trong số đó có 83 gene có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao. Đây là yếu tố chiếm vai trò quan trọng và có thể thay đổi qua nhiều thế hệ. Ví dụ như người Nhật Bản trước năm 1945 họ thấp nhưng đến giờ họ đã không còn là quốc gia có chiều cao khiêm tốn nữa. Gene có ảnh hưởng tới chiều cao nhưng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa ảnh hưởng do gene. Nếu trẻ dưới 5 tuổi thấp sẽ do nguyên nhân khác không phải do gene. Vì vậy, phải tranh thủ 5 năm đầu của trẻ chăm sóc để tăng trưởng chiều cao.

- Yếu tố giới tính.

- Yếu tố dinh dưỡng: Chiếm vai trò quan trọng thứ 3 tuy nhiên đây là yếu tố có thể can thiệp được nhằm tối ưu chiều cao được qui định bởi yếu tố gene. Ví dụ 1 ông bố có chiều cao 164,4cm và 1 bà mẹ 153,6cm nếu sinh con trai thì có thể có tầm vóc khi trưởng thành trong khoảng từ 165,5 - 171,7 cm, trẻ sẽ đạt được chiều cao tối thiểu hay tối đa trong khoảng đó phần lớn là do dinh dưỡng quyết định.

- Yếu tố hoạt động thể lực và giấc ngủ.

- Yếu tố phát triển tầm vóc là yếu tố môi trường/ bệnh tật: Nếu trẻ hay mắc bệnh, dùng nhiều các loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh thì tầm vóc cũng bị hạn chế.

Trong đó, gene là yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định tất cả đến chiều cao tương lai của trẻ. Với một chế độ dinh dưỡng tập luyện nghỉ ngơi hợp lý cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con phát triển chiều cao tối ưu.

BS Trần Thị Na - khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương - nhấn mạnh, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị chậm tăng trưởng ở trẻ em. Để điều trị trẻ bị chậm tăng trưởng có hiệu quả, cha mẹ cần phải đảm bảo nguyên tắc:

- Tăng số bữa ăn

- Cung cấp thức ăn trẻ yêu thích

- Cung cấp các thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao

- Cung cấp đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dinh dưỡng giúp trẻ phát triển chiều cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO