Định hướng mục tiêu đúng để Hải Dương phát triển

M.Loan 26/02/2020 15:43

Ngày 26/2, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chủ trì hội nghị.

Định hướng mục tiêu đúng để Hải Dương phát triển

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo.

Tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 9,1%/năm

Tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương báo cáo: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, Hải Dương đã phát huy tiềm năng, lợi thế, chủ động nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao, từ năm 2017 tự cân đối ngân sách và có một phần điều tiết về Ngân sách Trung ương... Hoạt động hội nhập và hợp tác kinh tế đạt được những kết quả tích cực. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Đại hội đề ra hầu hết đạt và vượt (17/20 chỉ tiêu).

Cụ thể, Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Hải Dương bình quân 5 năm đạt 9,1%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng (3.200 USD) vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 203.738 tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm; Quy mô kinh tế gấp 1,7 lần so với năm 2015; Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 79.261 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Báo cáo chính trị của Hải Dương cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm kỳ về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và môi trường, quốc phòng, an ninh, thanh tra, tư pháp, đối ngoại. Cụ thể: Kinh tế tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững; thực hiện cơ cấu lại còn chậm. Khâu đột phá chiến lược về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét. Môi trường kinh doanh chậm được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI) thấp so với mặt bằng chung cả nước và các tỉnh trong vùng. Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch còn yếu. Chưa huy động hết các nguồn vốn đầu tư cho phát triển; đầu tư còn dàn trải, manh mún; hiệu quả đầu tư chưa cao, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm. Chưa khai thác hết lợi thế so sánh để thu hút các nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào địa bàn tỉnh. Sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa còn gặp khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành chậm, lĩnh vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế. Công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế sản xuất. Quy mô, chất lượng một số loại hình dịch vụ chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu.

Một số thiết chế văn hóa - xã hội, điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; hiệu quả xã hội hóa giáo dục chưa cao. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở tuyến xã còn yếu, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu đồng bộ. Đạo đức xã hội ở một bộ phận giới trẻ có biểu hiện xuống cấp. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, việc đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường.

Có tiềm năng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cầu thị trong việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII. Các dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, bài bản và cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo các hướng dẫn của Trung ương.

Ông nhấn mạnh những kết quả khá tích cực của tỉnh Hải Dương qua 5 năm triển khai thực hiện, với các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đều đạt, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, quy mô kinh tế tăng nhanh. Các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế đều có bước phát triển tiến bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có sự khởi sắc rõ nét; an sinh, xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững .

Tuy nhiên, để Báo cáo chính trị của tỉnh có chất lượng tốt nhất, vừa đánh giá được kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua trên cơ sở kế thừa cả một giai đoạn phát triển, cũng như có định hướng, mục tiêu đúng, có tính khả thi cao trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị Hải Dương cần đánh giá sâu sắc những kết quả cũng như các tồn tại của nhiệm kỳ vừa qua gắn với giai đoạn 30 năm phát triển, để trên cơ sở đó có được các bài học và các định hướng trong thời gian tới. So sánh với lợi thế của tỉnh và với yêu cầu phát triển trong thời gian tới, ông Bình cũng yêu cầu tỉnh Hải Dương rà soát các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo tính logic với các mục tiêu đã được đặt ra. Cần nghiên cứu kỹ những nội dung của các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành trong thời gian gần đây, đặc biệt là Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ngoài ra, nên nghiên cứu kỹ Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/05/2013 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020; Chỉ thị 35 của Trung ương, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế xã hội của Trung ương gửi cho các địa phương để kế thừa, chắt lọc, bổ sung cho một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế; văn hóa – xã hội; khoa học – công nghệ; tài nguyên – môi trường và quốc phòng an ninh phù hợp với tình hình mới của tỉnh; tăng cường liên kết với các tỉnh khác trong vùng và phối hợp hiệu quả với các Ban, Bộ, ngành Trung ương xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn kiện của tỉnh cho phù hợp với định hướng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Hải Dương là một tỉnh có vị trí nằm giữa tam giác động lực phát triển kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, vì vậy, Hải Dương nên xác định là tỉnh phát triển theo hướg thuận lợi về vị trí, giao thông thuận lợi; có quỹ đất vàng (tỷ lệ đất đai nông nghiệp của Hải Dương lớn, lực lượng trong nông nghiệp lớn). Khi công nghiệp phát triển thì sẽ kéo theo các: dịch vụ, đô thị, du lịch…; có điều kiện để xây dựng nguồn nhân lực cao. Đây chính là 3 điều kiện

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cảm ơn sự quan tâm, đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương, Hải Dương sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội nghị, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Đảng bộ tỉnh Hải Dương sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện, đề xuất chính xác để Hải Dương có được sự phát triển đột phá trong thời gian tới, tương xứng với những tiềm năng, lợi thế cũng như những truyền thống của Hải Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định hướng mục tiêu đúng để Hải Dương phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO