Định khung trong dự luật Quy hoạch đã hoàn toàn hợp lý?

M.L. (ghi) 29/03/2017 15:51

Góp ý vào dự thảo Luật quy hoạch đang có nhiều ý kiến chưa thật sự thống nhất hiện nay, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội bày tỏ thống nhất cần phải có luật Quy hoạch và phải sớm ban hành, bởi vì nó sẽ góp phần định hướng, phát triển, chiến lược của Đảng và Nhà nước thể hiện ở Nghị quyết 13 của Đảng về phải đảm bảo đồng bộ kết cấu hạ tầng.

Liệu có phải chỉ cần sửa 2 chữ là xong?

Nêu ra 5 vấn đề phải giải quyết về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, giải quyết mâu thuẫn chồng chéo- đây là một yêu cầu thực tiễn, đặc biệt đối với các đô thị lớn, TP tập trung, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần phải tập trung vào một đầu mối để thẩm định và phê duyệt.

"Chúng ta hiện có đến mấy chục nghìn cái quy hoạch và mỗi quy hoạch theo cái cũ hiện nay do 1 Bộ quản lý và đóng góp ý kiến".

Theo ông Nghiêm, có quy hoạch ngành thì do Bộ phê duyệt, nhưng cũng có những quy hoạch thì do cấp trực tiếp ở Bộ đó ở các đô thị trình lên và do Bộ đó thỏa thuận đồng ý hay không rồi chính quyền địa phương phê duyệt. Cho nên hiện tượng quy hoạch này không phù hợp quy hoạch kia là do người làm khác nhau, người thẩm định khác nhau, và thiếu 1 đầu mối thẩm định.

Một vấn đề khác, theo ông Nghiêm, là: Trung ương nêu ra trách nhiệm của quy hoạch và đặc biệt là người phê duyệt, người đứng đầu công tác quy hoạch. Thế thì hiện nay, trong các Luật về xử phạt hành chính, luật về tổ chức chính quyền địa phương… đều xác định vai trò người đứng đầu. Khi nào phải xử lý người đứng đầu và quy hoạch có phải có người đứng đầu không, hay quy hoạch là của đa ngành, của nhiều ngành thẩm định và là trách nhiệm của cả một cái cơ quan, 1 tổ chức chính quyền địa phương- vấn đề này cần phải được làm rõ…

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, dù thống nhất việc ban hành Luật Quy hoạch nhưng, Luật này phải thực hiện đúng theo mục tiêu đề ra nhằm giải quyết thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) đất nước. Quan trọng hơn cả, theo ông Nghiêm: “Luật cần có tính thực tiễn cao và có quá trình điều chỉnh thích hợp mới có giá trị thực hiện”.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu như Luật Quy hoạch ra đời, thì phải điều chỉnh, phải thay bao nhiêu luật khác có liên quan. Trong dự thảo có ghi điều chỉnh 32 luật, có vị bảo chỉ cần bỏ 2 chữ “quy hoạch” là xong điều chỉnh. “Như vậy thì 32 cái này có đúng hay không? Theo tôi không phải 32 luật mà còn liên quan đến 51 Luật và 59 Nghị định bị tác động bởi Luật Quy hoạch này”, ông Nghiêm nói.

Trong khi đó, một luật mới ban hành phải xem xét để đảm bảo có tính thực tiễn và xác định thời gian hợp lý để có điều khoản chuyển tiếp của các luật. Vậy số lượng các luật cần điều chỉnh lớn như thế này, thì khi Luật quy hoạch ban hành và có hiệu lực vào năm 2019 thì trong thời hạn 2 năm Quốc hội có điều chỉnh được 32 luật không với “tốc độ” một năm Quốc hội họp 2 lần. Vì vậy, ông Nghiêm kiến nghị, phải giảm bớt để đảm bảo cho phù hợp chứ!

Ứng xử với các luật liên quan

Vấn đề nữa, theo ông Nghiêm, đó là trong Luật Quy hoạch này cần phải xem cấu trúc của luật này nên như thế nào? Cái này đã qua rất nhiều lần bàn bạc với nhau và gần như tất cả chuyên gia thống nhất như thế này chỉ nên làm luật khung thôi. Nếu là luật khung thì cần xác định hệ thống quy hoạch gồm có những vấn đề gì, trình tự quy hoạch làm đến đâu, cấp thẩm định phê duyệt làm đến đâu…

“Thế nhưng trong cấu trúc này có những cái rất chi tiết ví dụ như quy hoạch vùng KTXH, quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thì nói rất cụ thể, nói cả nhiệm vụ trình tự, nội dung hồ sơ ra làm sao. Vậy thì cái đó thiên về ngành kế hoạch đầu tư, KTXH mà anh không nói gì về luật khác nữa.

Ví dụ như Luật Đất đai 2003 có quy định tất cả cấp chính quyền địa phương đều phải có quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất, tức là đến cấp quận, huyện phải có quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Nhưng khi Luật Đất đai 2013 ra đời, trong bối cảnh ngành xây dựng đã phát triển rất nhiều, có quy hoạch phân khu, có quy hoạch chi tiết có quy hoạch tới chính quyền cấp cơ sở rồi, và đặc biệt nội đô bao giờ trong quy hoạch đô thị cũng chú trọng. Lúc bấy giờ, tôi góp ý cho Văn phòng Quốc hội, đã thống nhất bỏ được câu: đối với các quận trong nội đô, không cần phải lập quy hoạch sử dụng đất mà sử dụng QHXD để làm căn cứ xây dựng” - ông Nghiêm phân tích.

Từ vấn đề đã nêu, ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích thêm, việc cần phải đánh giá tác động khi dự luật ra đời. Vì, nếu như luật này điều chỉnh thì kéo theo một loạt biến đổi của cơ quan làm quy hoạch. Trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có Sở Quy hoạch kiến trúc, tất cả địa phương khác, việc quản lý Quy hoạch là nhiệm vụ của Sở Xây dựng. Rất nhiều tỉnh, thành phố có Viện Quy hoạch riêng, nếu như luật này ra đời thì tất cả các đầu mối đều nằm ở Bộ Kế hoạch và đầu tư. Vậy lúc bấy giờ, cải cách hành chính, biên chế… tính ra làm sao? - ông Nghiêm đặt câu hỏi.

Ví dụ trong Nghị định mà Bộ Nội vụ đang chuẩn bị, định sáp nhập một số Sở tại các địa phương, tất cả chỉ có 10 Sở và 1 Văn phòng, 9 Sở khác tùy theo đặc thù từng cơ quan. “Một việc phải nghiên cứu 2 năm trời còn chưa xong, vậy nên câu hỏi có hay không có tác động, tôi xin khẳng định: Có tác động đến Luật Xây dựng, và quy hoạch xây dựng”.

Chỉ nói riêng về quy hoạch, có quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Vậy, trong đô thị có quy hoạch nông thôn không? Có, ví dụ như Hà Nội. Rồi, ở đây có nói, trong quy hoạch ngành quốc gia có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành ở các cấp dưới. Trong quy hoạch luật đất đai, quy hoạch đất đai của tỉnh có quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung. Riêng quy hoạch xây dựng còn phân chia nhiều nữa. Quy hoạch vùng là một vấn đề chiến lược mà phát triển KTXH của ta nói là phát triển kinh tế vùng và tập trung ở đây là các quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm. Những vùng đặc thù, như vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Tây Bắc, vùng Trung bộ, vùng Nam Trung bộ, vùng nam bộ, là các vùng kinh tế trọng điểm.

“Vậy thì rõ ràng trong Luật quy hoạch này muốn điều tiết lại phải có 1 cái khung về quy hoạch. Cái khung của quy hoạch xây dựng bao gồm những gì: hệ thống về quy hoạch xây dựng, có phải chỉ dừng lại ở 1 cấp chính quyền nào đó hay không, hay phải giao lại cho 1 ngành nào đó quản lý, hệ thống. Hay nói cách khác phải có thái độ ứng xử với tất cả các luật hiện nay. Luật xây dựng- quy hoạch mới ban hành 2014, tất cả các luật khác cũng mới ban hành 2012, 2013. Luật Tổ chức chính phủ cũng mới ban hành.

Vậy thì liệu dự thảo luật Quy hoạch lần này định khung đã hoàn toàn hợp lý hay chưa? Cần phải xác định rõ, quy hoạch xây dựng có vai trò đi trước một bước vậy thì sắp tới sẽ thế nào: đi trước, song song, đi sau, hay nội dung của nó phải như thế nào, bước đi bằng giày hay bằng guốc, hay chân đất thì cũng phải xác định trong luật này. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại không có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định khung trong dự luật Quy hoạch đã hoàn toàn hợp lý?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO