DN vận tải 'đau đầu' vì lệnh cấm xe trên QL1A vào giờ cao điểm

Đoàn Xá 18/12/2015 07:47

Gần một tuần kể từ khi Cục Quản lý đường bộ 4 (Bộ GTVT) có quy định cấm các xe có tải trọng trên 5 tấn lưu thông ở quốc lộ 1A đoạn qua địa phận TP HCM, Long An và Tiền Giang, nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải cho biết, họ cảm thấy rất khó khăn vì quy định khó hiểu này.

DN vận tải 'đau đầu' vì lệnh cấm xe trên QL1A vào giờ cao điểm

Giao thông bị đảo lộn vì quy định cấm đường.

Ngoài ra, người dân ở các khu vực đường tránh cũng cho biết, nhiều tuyến đường, cây cầu có tải trọng nhỏ, nay đang oằn mình vì quá tải bởi hàng ngàn xe tải lưu thông mỗi ngày.

Trước đó, theo Cục Quản lý đường bộ 4, tại các khung giờ cao điểm từ 6h đến 8h30 và từ 16h đến 18h30, tất cả các xe tải trên 5 tấn không được lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn từ nút giao thông Bình Thuận (huyện Bình Chánh) đến giáp ranh tỉnh Long An dài 9,4km và đoạn qua khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang) dài 2,4km.

Theo anh Phước, một tài xế xe tải, thì dù có phân luồng đường tránh đoạn cấm này nhưng là đường vòng, đi rất xa, bất tiện cho tài xế. “Việc cấm cả 2 đoạn đường trong khoảng 50 cây số trên quốc lộ 1A thì không khác gì việc ép xe tải phải đi vào tuyến cao tốc Trung Lương-TP.Hồ Chí Minh với mức phí rất cao.

“Hiện nay, xe tải đã phải chịu nhiều khoản phí, như phí đường bộ chẳng hạn nên nếu ngày nào cũng phải chạy vào cao tốc thì chở hàng hầu như không có lãi nữa” - tài xế Phước cho biết thêm.

Nhiều người dân sinh sống ở khu vực tỉnh lộ 878B cho biết, đoạn đi qua địa bàn huyện các xã Tân Bình Thạnh, Trung Hòa, Chợ Gạo (Tiền Giang) trong mấy ngày gần đây, lượng xe tải lưu thông qua tuyến đường này nhiều bất thường. “Từ sáng sớm, hàng trăm xe tải nối đuôi nhau qua đây. Đường này nhỏ, lại nhiều học sinh đạp xe đi học nhưng xe tải chạy qua thì bụi mù mịt, mà lại mất an toàn giao thông” - một người dân ở xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo) cho biết.

Theo những cư dân sống ở đây, do cấm xe qua đoạn khu công nghiệp Tân Hương nên tất cả các xe tải nếu không muốn đi vào cao tốc, buộc phải đi qua tỉnh lộ 878B, rồi vòng qua huyện Chợ Gạo, trước khi ngược lên TP Tân An để về lại quốc lộ 1A. Đường này nằm trong khu dân cư, thiết kế chỉ dành cho xe nhỏ, xe máy, người dân lưu thông nay nhiều xe tải hạng nặng đi vào nên rất nguy hiểm.

Việc xe lớn chạy vào nhiều có nguy cơ hư hỏng đường và một số cây cầu ở đây có tải trọng nhỏ dưới 12 tấn, nay phải oằn mình vì những xe tải trọng vài chục tấn chạy qua.

“Không biết cầu có thể chịu đựng được bao lâu nữa nếu những xe vài chục tấn vẫn nườm nượp qua đây mỗi ngày vì cầu khá cũ” - một người dân chỉ vào cây cầu Hòa Tịnh (xã Hòa Tịnh, Chợ Gạo) nhỏ bé nằm trên tỉnh lộ 878B nói.

Tương tự, nhiều người dân ở tuyến quốc lộ 1A đi qua huyện Bình Chánh, Tân Phú (TP HCM) cho biết hàng trăm xe tải hạng nặng nối đuôi nhau chờ hết giờ cấm để lưu thông. “Nếu đi vào cao tốc, phí cao sẽ rất khó khăn vì hầu hết tài xế là lái xe thuê, chủ doanh nghiệp không chi trả những khoản tiền phát sinh thêm” - một tài xế chở hàng thủy sản từ Đồng Tháp lên Bình Chánh cho biết.

Ngoài ra, tuyến đường tránh qua đoạn cấm ở địa bàn TP.HCM cũng đang quá tải vì lượng xe chạy vào đây rất đông. “Hầu hết tài xế đều không chấp nhận đóng phí đường cao tốc nên họ chọn đi vào đường tránh. Mà đường tránh lại là đường dân sinh, không có thiết kế giống quốc lộ 1A nên việc quá nhiều xe tải trọng lớn đi vào sẽ dẫn đến việc đường xuống cấp, hư hỏng” - một chuyên gia về lĩnh vực giao thông cho biết.

Có thể nói, cấm xe lưu thông trên một tuyến đường quan trọng như quốc lộ 1A không bao giờ được coi là giải pháp bền vững để giảm ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm cả. Ngược lại, nó còn làm tăng áp lực các xe tải trọng lớn ở các tuyến đường tránh, đường nhỏ mà xe phải đi qua, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ngoài ra, Hiệp hội các doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng, việc cấm xe ở đầu nút các điểm vào cao tốc là quy định không sòng phẳng, làm khó các doanh nghiệp vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    DN vận tải 'đau đầu' vì lệnh cấm xe trên QL1A vào giờ cao điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO