Làm gì để chống cháy?

Nguyên Khánh 25/08/2018 07:00

Ngày 24/8 Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo “Quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở công trình xây dựng và các vấn đề thực tiễn”. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, ngoài tăng chế tài xử phạt để tránh chuyện chủ đầu tư lơ là công tác PCCC, rõ trách nhiệm trong PCCC thì việc tìm ra những vật liệu mới để chống cháy có hiệu quả cũng là giải pháp, ngăn ngừa, giảm bớt những vụ cháy có thể xảy ra.

Làm gì để chống cháy?

Cảnh sát PCCC diễn tập tình huống xảy ra cháy chung cư cao tầng.

6 tháng, hơn 2 nghìn vụ cháy

Dù đã được cảnh báo nhiều từ những hiểm họa cháy mang lại nhưng số vụ cháy chỉ giảm nhẹ, vẫn là hiểm họa lớn cướp đi tính mạng, tài sản của nhiều người. Thống kê cho thấy, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 2.089 vụ cháy, làm chết 65 người, bị thương 133 người, thiệt hại về vật chất khoảng 1.297 tỉ đồng và 204 ha rừng.

Nguyên nhân của những vụ cháy vẫn xảy ra ở những tòa nhà cao tầng. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết, chủ yếu là do chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm tới việc đầu tư về hạng mục PCCC cho công trình. Họ chỉ làm với hình thức đối phó, làm cho có để được thẩm duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Nhiều chủ đầu tư không quan tâm đến chất lượng các hệ thống PCCC, lựa chọn các thiết bị rẻ tiền, công nghệ cũ, kém chất lượng đẫn đến khi đưa vào hoạt động một thời gian thì phát sinh hư hỏng, báo lỗi không hoạt động theo đúng chức năng quy định.

Trong khi đó, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công về PCCC chưa đáp ứng được năng lực theo quy định của pháp luật, không có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về PCCC nên khả năng nắm bắt các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC còn hạn chế, không đưa ra được các giải pháp về PCCC phù hợp với từng đối tượng công trình xây dựng để chủ đầu tư thực hiện hiệu quả…

Yếu kém từ quy hoạch đến khâu tổ chức thực hiện

Phân tích kỹ các nguyên nhân cháy nổ xảy ra ngày một nhiều, các chuyên gia cho rằng, không thể không nói tới những yếu kém, bất cập trong công tác quy hoạch ở Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Trước đây, những nơi này vốn được người Pháp quy hoạch hợp lý, thông thoáng theo kiểu ô bàn cờ, với nhiều khoảng không cây xanh và mặt nước; nhưng nay kết cấu đó đang xuống cấp, bị phá vỡ và băm nát thảm hại, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng cháy, cứu hộ.

Chưa hết, thay vì mở rộng và giãn dân khỏi trung tâm thành phố, chính quyền đang cấp phép cho các tập đoàn bất động sản nhồi chung cư cao tầng. Liệu có phải cứ xây nhà cao là tốt hay còn có những cách tiếp cận khác? Xây nhiều nhà cao làm gì khi chúng ta chưa có đủ phương tiện phục vụ chữa cháy xứng tầm như trực thăng, xe và thang đặc chủng, hoặc nếu có cũng không thể di chuyển trên đường nội thành? Hay như nguồn nước, chúng ta cứ lấp hết sông hồ và bít kín đường thoát thì trong những trường hợp khẩn cấp, lấy đâu ra nước để dập lửa?

Theo đó, tất cả những điều này cần được tính đến trong công tác quy hoạch đô thị, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - nhiều chuyên gia cảnh báo. Một cảnh báo nữa là, rất nhiều giải pháp PCCC đã được nêu ra, như quy trách nhiệm địa phương, của chủ đầu tư, không phê duyệt, không nghiệm thu công trình… Tuy nhiên mọi lý thuyết thì vẫn là mầu xám và các khâu tổ chức triển khai của các đơn vị thừa hành, khâu giám sát vẫn rất lỏng, đó là lý do số người chết vì cháy không hề giảm. Vì vậy, một khi việc triển khai chưa quyết liệt, căn cơ, chế tài có nhưng không xử lý nghiêm, vi phạm vẫn sẽ tồn tại, những sự cố thương tâm, gây nhiều thiệt hại về người và của sẽ còn xảy ra.

Làm gì để chống cháy? - 1

Hiện trường vụ cháy chung cư Carina tại TP HCM, ngày 23/3.

Mô hình chung cư an toàn với PCCC

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCCC, Thượng tá Bùi Quang Việt- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, cần tiếp tục quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, Ban Quản trị chung cư, định mức phí bảo trì công trình để đảm bảo duy trì nguồn kinh phí bảo trì trong suốt tuổi thọ công trình. Công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này trong đó việc đảm bảo kinh phí bảo trì đối với chung cư, công trình xây dựng đã tồn tại trước khi có Luật Nhà ở.

“Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả do nó đem đến thì không thể lường trước được vì vậy, cần có cơ chế xử lý từng lỗi, tránh để xảy ra lỗi rồi đổ cho hoàn cảnh. Vì khi xảy ra tình trạng hư hỏng tài sản, đặc biệt là chết người thì không thể biện minh cho hoàn cảnh được”-TS Phan Anh, giảng viên Khoa PCCC, Đại học PCCC nói.

Về giải pháp PCCC có hiệu quả ông Lê Anh-Viện Vật liệu Xây dựng, cho rằng phải tìm ra những loại vật liệu PCCC có hiệu quả như vữa chống cháy thông thường và vữa chống cháy cách nhiệt. Đây là những loại vật liệu mà khi thi công các tòa nhà sẽ tạo nên một lớp phủ rắn như đá, có khả năng chịu được sự tác động nhiệt của các đám cháy nhiên liệu có cường độ cao. Một số sản phẩm như: Barrier chắn lửa, vữa chống cháy, keo silicone chống cháy, băng keo chống cháy, ống chống cháy … đang là xu hướng xây dựng hiện đại, an toàn được nhiều đơn vị nhà thầu lựa chọn.

Ông Đỗ Thanh Tùng-Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, để PCCC có hiệu quả không thể trông chờ vào các yếu tố bên ngoài. Có khi lực lượng PCCC đến nơi thì tòa nhà đã cháy rụi. Do đó, nên đầu tư cho công tác này “chủ động”, dựa hoàn toàn vào máy móc, thiết bị tại chỗ. Vì vậy, cần thiết kế ra những khu nhà thích ứng với cháy. Khu nhà này phải được xây bằng những vật liệu cản lửa. Đảm bảo yêu cầu khoảng cách PCCC của công trình với các hạng mục công trình xung quanh, trong đó khoảng cách từ 2 công trình có bậc chịu lửa phải trên 6m…Tuy nhiên, để đầu tư cho những căn nhà như vậy chắc chắn giá thành sẽ đội lên.

Theo ông Tùng, dù là đầu tư cho PCCC có tốn kém hơn, nhưng để xây các chung cư cao tầng, ngoài yếu tố thẩm mỹ là một loạt những đòi hỏi gắt gao về yêu cầu kỹ thuật, trong đó có phòng chống cháy, nổ, là một trong những tiêu chí đòi hỏi đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh hiện nay, việc trang bị tốt công tác PCCC còn đem lại hiệu quả, uy tín cho các chủ đầu tư, khách hàng sẽ đặt niềm tin vào các công trình an toàn về PCCC.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để chống cháy?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO