Loay hoay dự án chống ngập

Đoàn Xá 17/09/2019 07:30

Ngập nước là vấn nạn kéo dài nhiều năm qua ở TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến cuộc sống, giao thông đi lại nhưng chính quyền thành phố vẫn chưa có giải pháp dứt điểm. Các dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng gửi gắm kỳ vọng lớn nhưng tình trạng ngập nước vẫn liên tiếp xảy ra, làm đảo lộn cuộc sống người dân. Điển hình như khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, Bình Thạnh) dù triển khai đồng thời 2 dự án chống ngập nhưng vẫn đang ngập nặng!

Loay hoay dự án chống ngập

Mặc dù đã triển khai nhiều dự án chống ngập nhưng tại TP HCM, người dân vẫn phải đối diện với ngập úng ở các địa điểm cũ và mới phát sinh. Ảnh: Đoàn Xá.

Dự án nhiều, hiệu quả ít

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, năm 2019 thành phố sẽ khởi công 47 dự án chống ngập bênh cạnh 77 dự án chống ngập đang triển khai. Song song với đó là chuẩn bị thực hiện 94 dự án chống ngập khác. Các dự án cũng được chia đều cho các quận, huyện từ trung tâm tới ngoại thành. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ như dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Mai Thị Lựu (quận 1), dự án nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý (quận Tân Phú), cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (quận Tân Bình), cải tạo hệ thống thoát nước đường Trương Công Định (quận Tân Bình)… Ngoài ra, thành phố cũng cố gắng hoàn thành dự án giải quyết chống ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều. Bên cạnh đó, thi công hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày và khởi công nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án chống ngập năm 2019 lên đến 7.500 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều dự án cải tạo đường sá, cầu cống do các địa phương (quận, huyện) cũng được triển khai ở Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè… tại các tuyến đương nhỏ, đường hẻm. Thậm chí, ngay cả phương án xây dựng các hồ điều tiết, hồ chống ngập cũng được cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa vào thực hiện. Dù các hồ này có dung tích nhỏ, chỉ phù hợp với những khu vực đặc thù.

Tuy nhiên, thực tế thì tình trạng ngập nước không được cải thiện nhiều bởi TP HCM vẫn tiếp tục xảy ra ngập nước, ở các địa điểm cũ và mới phát sinh. Như các đợt mưa mấy ngày giữa tháng 9 vừa qua, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, rốn ngập của thành phố vẫn nhấn chìm hàng ngàn phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, khu vực Thảo Điền (quận 2) lại nổi lên là điểm ngập mới, gây khó khăn đi lại cho người dân. Điều đáng nói, dù được quy hoạch và đã xây dựng nhiều biệt thự, chung cư cao cấp nhưng hệ thống thoát nước ở khu vực Thảo Điền không tương xứng với các công trình trên. Dù nằm ngay sát sông Sài Gòn, nơi thoát nước chính của TP HCM nhưng nơi này thường xuyên ngập lâu, ngập sâu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thành - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể thấy, ngập nước ảnh hưởng rất tiêu cực tới đời sống kinh tế của những người bị ảnh hưởng. “Ngập nước là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả kẹt xe, mất mùa, thất thu kinh doanh sản xuất, hư hỏng phương tiện, các bệnh truyền nhiễm, công tác phòng chống, đối phó. Ước tính, ngập nước có thể gây tổn thất tới 200 tỷ đồng, dù đây chỉ là con số ước lượng bởi rất nhiều hậu quả như học sinh nghỉ học, đồ đạc trong nhà hư hỏng, hạ tầng nhà cửa đường sá xuống cấp, khách du lịch bỏ đi là không thể thống kê chính xác”- ông Thành nêu ý kiến.

Thiếu phương án đột phá

Theo dõi công tác thực hiện các giải pháp chống ngập ở TP HCM khoảng chục năm qua có thể thấy, các dự án được thực hiện nhưng hiệu quả mang lại không nhiều. Đặc biệt là các dự án chống ngập rất manh mún, không đồng bộ. Có nhiều dự án chống ngập lại đơn lẻ, không đồng bộ trong khi việc tiêu, thoát nước cần một quá trình tiếp nối. Ví dụ như các dự án chống ngập ở khu vực đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) sau khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đã hoàn thành và đáp ứng được các thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, hệ thống kênh Tham Lương-Bến Cát, nơi tiếp tục dẫn nguồn nước từ các dự án trên ra phía sông Sài Gòn lại không hoàn thành đồng bộ. Tất nhiên, các dự án trên đều không giải quyết được việc chống ngập vì tuyến kênh phía sau không hoàn thành. Nói thêm, dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương Bến Cát đã được khởi động cách đây hơn 10 năm nhưng hiện nay, dự án vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nhiều khu vực bị ứ đọng nước vì đây là tuyến kênh thoát nước ra sông Sài Gòn của các địa phương quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú…

Loay hoay dự án chống ngập - 1

Người dân ở TP HCM vẫn tiếp tục chịu cảnh ngập nước.

Theo TS Lê Xuân Bảo - Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường, nhìn một cách tổng quan, không có một dự án hay một phương thức duy nhất nào có năng lực chống ngập toàn bộ và bền vững cho toàn bộ khu vực TP HCM. Vì vậy, những người có trách nhiệm phải phân loại và tìm ra các nguyên nhân cụ thể để giải quyết. Từng khu vực diễn ra ngập được giải quyết thì toàn bộ công tác chống ngập ở thành phố sẽ có hiệu quả. Như nhiều điểm ngập trong nội ô thành phố có nguyên nhân là do hệ thống đường ống cũ, xây dựng trước năm 1975 nên không thể giải quyết bằng các dự án như đang triển khai được. Thậm chí có khu vực, chỉ vì ùn tắc rác thải, lấn chiếm cũng gây ngập như sân bay Tân Sơn Nhất chẳng hạn. Trong khi đó, nhiều tuyến đường ở ngoại ô như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi thì lại chưa có hệ thống ống cống thoát nước. Việc xây dựng hệ thống thoát nước lại buộc phải liên quan đến dự án làm đường giao thông. Vì thế, nhiều tuyến đường ở ngoại thành luôn lặp lại điệp khúc “mưa là ngập”!

Mặc dù là nhiệm vụ cấp bách, được quan tâm đầu tư nhiều tiền của nhưng các giải pháp chống ngập những năm qua ở TP HCM thiếu tính đột phá. Thậm chí nhiều dự án chống ngập thực hiện chậm tiến độ, kéo dài dai dẳng tới hàng chục năm vẫn chưa thể hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay dự án chống ngập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO