Mệt mỏi với nhà ở xã hội

Đoàn Xá 18/12/2018 07:30

Chủ trương chính quyền TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập thấp được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, các dự án nhà ở xã hội đã bộc lộ nhiều thiếu sót. Thậm chí, nhiều người còn bị mắc kẹt vì mua nhà ở xã hội bởi nhà thì chưa có, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng, trả tiền thuê trọ hàng tháng.

Mệt mỏi với nhà ở xã hội

Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza ở quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.

Của rẻ là của ôi

Gần 2 năm qua, hàng trăm người dân đăng ký mua nhà ở dự án nhà ở xã hội tại số 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP HCM) vất vả đi đòi nhà bởi chủ đầu tư đã nhiều lần thất hứa, chậm bàn giao. Đây là dự án với hơn 700 căn nhà, từng là mơ ước của nhiều gia đình. Bắt đầu được khởi công vào năm 2016 bởi công ty Hoàng Quân và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng đến nay, sau nhiều lần trễ hẹn, những người dân bỏ tiền mua căn hộ của dự án này vẫn phải đi ở trọ. Theo thông tin mới nhất, chủ đầu tư dự kiến sớm nhất tới tháng 3/2019 mới hoàn thành dự án này. Điều đáng nói, đây là dự án với hầu hết khách hàng là cán bộ nhân viên nhà nước như công an, giáo viên, công chức… có thu nhập thấp được cơ quan ưu tiên mua.

Anh Nguyễn Văn Hoàng - giáo viên ở quận 8 mua nhà cho biết, do điều kiện kinh tế nên anh mới chấp nhận mua nhà ở xã hội. “Ban đầu cứ tưởng dự án do Nhà nước đứng ra thực hiện thì sẽ nhanh chóng hoàn tất, ai ngờ bây giờ gia đình tôi lún sâu vào nợ nần. Phải vay tiền ngân hàng hơn 500 triệu đồng để đóng cho dự án, nhưng gần 2 năm vẫn chưa có nhà. Mỗi tháng lại tiếp tục trả tiền thuê trọ hơn 4 triệu đồng, cộng với tiền lãi ngân hàng nữa khiến gia đình đã khó khăn nay lại thêm khó khăn chồng chất” - anh Hoàng than thở.

Không chỉ riêng dự án nhà ở xã hội tại đường Hồ Học Lãm, dự án nhà ở Tân Bình Tower (quận Tân Bình) cũng đang trong thế mắc kẹt. Anh Nghĩa - một cán bộ văn hóa quận Bình Tân cho biết, mặc dù đã thanh toán tới 95% số tiền mua căn hộ theo hợp đồng nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thể giao nhà. Đáng nói, so với thời hạn ban đầu thì hiện thời gian đã quá đến 2 năm. Trong thời gian này, chủ đầu tư đã gần 10 lần hứa sẽ giao nhà nhưng lại không thực hiện được. Đặc biệt, nguyên nhân khiến cư dân ở đây chưa có nhà để ở là chủ đầu tư thực hiện dự án đã có nhiều sai phạm khi xây lố thêm 2 tầng (18 so với 16) để tăng hàng nghìn mét vuông diện tích so với kế hoạch ban đầu. Hiện dự án đã bị xử phạt và buộc chủ đầu tư phải phá bỏ những hạng mục không đúng quy định.

Theo tìm hiểu, hiện nay ở TP HCM đang có khoảng 20 dự án nhà ở xã hội được thực hiện. Với vị trí ở các khu vực ngoại thành như quận 9, 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… nhưng việc tiếp cận các dự án này với người dân là khá khó khăn. Không phải ai đủ điều kiện thì hồ sơ cũng được xét duyệt mà còn tùy thuộc vào chủ đầu tư dự án, bởi thông thường, một căn nhà ở xã hội có nhiều hồ sơ đăng ký. Với ưu đãi là bán không quá 15 triệu đồng/m2 (khoảng 590 đến 990 triệu đồng/căn), các căn nhà ở xã hội với diện tích nhỏ là nơi có nhiều khách hàng làm hồ sơ xin mua.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM, đơn vị chịu trách nhiệm các dự án nhà ở xã hội cho biết, mục tiêu của các dự án nhà ở xã hội là đáp ứng nhu cầu nhà ở của những người thu nhập thấp, tức những người mà sẽ rất khó để mua nhà theo dự án thương mại. Tất nhiên, các dự án này được thành phố hỗ trợ để kéo giảm giá thành so với giá trị thương mại thật sự. Khi thực hiện, thành phố giao cho các công ty tư nhân nên xuất hiện một số bất cập như ngân hàng chậm giải ngân, thực hiện có trục trặc hay các gói hỗ trợ chưa đầy đủ. Ngoài ra, chính sách về nhà ở xã hội của thành phố cũng có thay đổi theo thời gian, dẫn đến một số dự án có điều chỉnh theo.

Nhiều tranh chấp tại các dự án

Không chỉ vất vả khi mua nhà ở xã hội, nhiều người dân cho biết khi sở hữu được căn nhà rồi, họ vẫn tiếp tục khổ sở vì thường xảy ra các tranh chấp với chủ đầu tư. Cụ thể, như dự án nhà ở xã hội HQC Plaza Bình Chánh (huyện Bình Chánh) đã xảy ra tranh chấp diện tích đất chung cư một thời gian dài giữa chủ đầu tư và cư dân. Chủ đầu tư đã biến đất chung (tài sản của các hộ dân) thành tài sản của mình khi chuyển đổi mục đích sử dụng bãi đậu xe thành trường học để kinh doanh. Vụ việc kéo dài mấy năm trời khiến nhiều người dân mệt mỏi bởi ở chung cư nhưng lại không có chỗ đậu xe, phải vòng đi nơi khác khá xa so với thiết kế ban đầu. Sau đó, nhờ cơ quan báo chí nhiều lần vào cuộc, chủ đầu tư mới trả lại mặt bằng bãi gửi xe cho người dân sinh sống ở chung cư.

Mệt mỏi với nhà ở xã hội - 1

Nhiều người kêu trời khi mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, tình trạng xuống cấp, hư hỏng các thiết bị, hạ tầng chung cư hay mất điện, mất nước, hỏng thang máy…ở các khu nhà ở xã hội tại TP HCM diễn ra liên miên. Tại dự án nhà ở xã hội The Easter City (huyện Bình Chánh) do Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Tại đây, dù người dân mới ở được khoảng hơn 3 năm nhưng đã xảy ra vô số bất cập. Đầu tiên là trần tường hư hỏng, thấm dột rồi đến thang máy hư hỏng, người dân phải đi bộ lên 17 tầng.

Theo nhiều người dân, đặc điểm nhà ở xã hội là có diện tích nhỏ, giá rẻ nhưng sau một thời gian, dù nhu cầu sử dụng nhà ở có thay đổi người dân cũng không dễ dàng để sang nhượng, vì vướng các thủ tục pháp lý. Vì vậy, nhiều người đành chấp nhận trọn đời chung sống với nhà ở xã hội hoặc phải cắn răng bán đi với giá rẻ. Anh Trần Văn Thông - một người ở nhà ở xã hội tại HQC Hóc Môn chia sẻ, do công tác trong một cơ quan hành chính nên anh mua được căn nhà ở xã hội chung cư tại Hóc Môn hồi năm 2015. Tuy nhiên, lúc đó anh còn độc thân nên căn hộ rất tốt. Hiện nay, anh đã có vợ và 2 con nhỏ nên căn nhà không còn phù hợp nữa, thế nhưng muốn sang nhượng cũng không được.

“Nếu bây giờ bán lại, phải bán giấy tay vì nhà ở xã hội không được chuyển cho người khác. Mà bán giấy tay thì giá thấp hơn giá trị trường, tính ra còn lỗ so với lúc mình mua. Vì vậy, coi như suốt đời mình phải ở căn nhà này” - anh Thông chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến, nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước đến 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP HCM cần khoảng 134.000 căn; Hà Nội 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn… Riêng TP HCM, theo khảo sát của Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu phát triển thành phố, khoảng 139.000 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố chưa có nhà.

Thanh Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mệt mỏi với nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO