Qúa nhiều sai phạm

Đức Sơn 07/04/2018 08:30

Nhiều năm nay, mối lo cháy nổ ở các chung cư cao tầng ở Thủ đô Hà Nội dù được nhắc đến nhiều nhưng chỉ ở mức cảnh báo. Nhưng hàng loạt vụ cháy chung cư gần đây nhất là sau vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh) khiến 13 người tử vong, thì các cư dân sống ở các chung cư cao tầng ở Thủ đô Hà Nội càng thêm nơm nớp lo sợ.

Qúa nhiều sai phạm

Sau vụ cháy tầng tum, người dân chung cư A1, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội gửi đơn kêu cứu tới các ngành chức năng đồng thời “tố” nhiều bất cập về PCCC tại tòa nhà này.

“Cháy” … biết chạy đi đâu

Dù vụ cháy một căn hộ đã xảy ra cách đây nhiều ngày và không gây thiệt hại về người, nhưng khi tiếp xúc với phóng viên, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại chung cư CT5A,B khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn tỏ ra hết sức hoang mang, lo lắng. Nhiều người dân ở đây cho biết, sáng 25-3 một căn hộ tầng 21, toà chung cư CT5A, thuộc KĐT Văn Khê bùng phát đám cháy. Khói đen bốc nghi ngút khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn tháo chạy ra khỏi tòa nhà. Rất may đây là vụ cháy nhỏ nên lực lượng chữa cháy đã nhanh chóng dập tắt.

Tuy nhiên, điều khiến người dân sống trong khu chung cư CT5 A,B bức xúc là hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại tòa nhà này không hoạt động. Theo các cư dân ở đây, trong suốt 6 năm kể từ khi tòa nhà này đưa vào hoạt động, người dân đã rất nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng kiến nghị về sự bất cập của hệ thống PCCC của tòa nhà nhưng vẫn không được khắc phục.

“Nhiều năm nay, chúng tôi mất ăn, mất ngủ, lúc nào cũng nơm nớp lo cháy đến hao gầy cả người. Muốn chuyển đi nơi khác an toàn hơn thì không có tiền nên đành cắn răng ở lại. Giờ chúng tôi chỉ mong các đơn vị có liên quan giúp 300 hộ dân ở đây có lối thoát nạn nếu không may xảy ra cháy…”- bà Nguyễn Thị Lụa sinh sống tại tòa nhà CT5 bức xúc cho biết.

Nói về những bất cập trong công tác PCCC tại chung cư CT5A,B, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Công trình CT5A,B chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động đó là cái sai lớn nhất.

Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, để chưa nghiệm thu được về PCCC có rất nhiều vấn đề về kỹ thuật. Điển hình như không đảm bảo về bố trí mặt bằng, chung cư CT5A,B so với thiết kế ban đầu đã cải tạo lại tầng 1, tầng 2, tầng 3. Vì vậy, nó ảnh hưởng đến PCCC và lối thoát nạn.

Thứ hai là vi phạm về lối thoát nạn. Hiện tại, các công trình này thang bộ chưa phải là thang bộ an toàn. Các lối thoát nạn chưa đạt tiêu chuẩn...

Tương tự, tại tòa nhà A1 khu chung cư trên đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng vừa xảy ra vụ cháy ở tầng 19 của tòa nhà. Người dân cho rằng, đám cháy xảy ra ở một gian kho của tòa nhà, tại đây không bố trí làm phòng để ở, nhưng lực lượng bảo vệ tòa nhà vẫn cho nhân viên vào ở và sinh hoạt.

Cũng theo các cư dân phản ánh, hiện tầng hầm của tòa nhà thông với tất cả các tầng trên qua một cầu thang bộ. Nếu xảy ra cháy khói độc sẽ theo cầu thang lên các tầng trên. Khi xảy ra cháy toàn bộ hệ thống báo cháy không hoạt động, cư dân không ai biết gì, chỉ khi xe cứu hỏa và lực lượng chữa cháy đến chân tòa nhà gọi thì người dân mới biết có cháy và tháo chạy.

Cư dân tháo cháy bằng cả hai cầu thang bộ (cầu thang thoát nạn và cầu thang thường). Nhiều cửa chống cháy bị hỏng không đóng lại được, cửa thoát hiểm tầng 1 bị khóa không mở được.

“Chúng tôi biết chạy đường nào để thoát thân. Mặt khác, việc thực hiện kiểm tra định kỳ PCCC của tòa nhà được thực hiện 4 lần/năm. Khi kiểm tra Cảnh sát PCCC phát hiện nhiều sai sót và tiến hành xử phạt chủ đầu tư. Còn việc chủ đầu tư có thực hiện khắc phục các sai sót hay không thì cảnh sát PCCC cũng không biết….”- chị Hương, cư dân tại chung cư A1 Nguyễn Cơ Thạch lo lắng.

Cho rằng, tình trạng mất an toàn PCCC, nguy cơ cháy nổ hiện hữu và nhiều bất cập khác, nhiều ngày qua, người dân tòa nhà Hei Tower tại số 1, Ngụy Như Kon Tum, (quận Thanh Xuân) đã căng băng rôn để kiến nghị. Theo người dân tại tòa nhà này, tầng mái vốn là khu vực cộng đồng nhưng chủ đầu tư không bàn giao cho cư dân mà để cho đơn vị khác kinh doanh nhà hàng, khiến nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Mặt khác, tòa nhà có một cửa thoát hiểm bị chặn để phục vụ cho hoạt động của quán cà phê trên tầng mái. Một cửa khác bị tháo bỏ, hệ thống báo cháy hỏng, tủ báo cháy trung tâm ở chế độ không hoạt động…

Trường hợp khác, tại tòa nhà Sông Đà (phường Văn Quán, quận Hà Đông), các cư dân cũng bức xúc “tố” hệ thống báo cháy và cứu hỏa của tòa nhà không hoạt động, đồng thời yêu cầu siêu thị điện máy MediaMart di dời 2 máy phát điện ở tầng một. Kiến nghị nhiều lần không được giải quyết, cực chẳng đã, người dân đành ra đường căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối.

Tòa nhà Sông Đà cao 35 tầng với 230 căn hộ và khoảng 1.000 dân sinh sống từ tầng 9 đến 32. Theo người dân nơi đây, hệ thống báo cháy của tòa nhà hiện không sử dụng được. Chuông báo cháy không kêu, đường ống nước cứu hỏa có tầng còn bị thủng. Nếu không may xảy ra cháy thì cư dân biết chạy đường nào…

Hàng loạt chung cư vi phạm

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện toàn TP Hà Nội có 1.100 công trình cao tầng, trong đó 718 chung cư cao tầng. Ngành chức năng TP. Hà Nội đã từng cảnh báo nguy mất an toàn cháy nổ tại 79 tòa nhà chung cư cao tầng. Đến nay, có 48/79 công trình đã khắc phục xong và được tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, trong số 31 công trình còn lại, 16 công trình có khả năng khắc phục sai phạm, trong đó 13/16 công trình đã khắc phục được khoảng 60% sai phạm. Còn lại 3 công trình chây ì khắc phục (gồm chung cư CT4 Văn Khê do Công ty CP Sông Đà làm chủ đầu tư, chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư, cùng nằm tại khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) được chuyển qua cơ quan công an thụ lý giải quyết.

Được biết, trong Quý 1/2018, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 200 vụ cháy làm 2 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại tài sản 31 tỷ đồng. Tỉ lệ cháy xảy ra ở nội thành chiếm khoảng 60%, trong đó phức tạp nhất là cháy tại các khu dân cư, đặc biệt là các khu vực kết hợp giữa nhà ở và kinh doanh.

Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, sắp tới sẽ rà soát kiểm tra 100% công trình nhà cao tầng này. Với các công trình có vi phạm nhưng đã có người ở thì xử lý kiên quyết, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải tăng cường nhân lực bảo vệ trong thời điểm chưa khắc phục được các tồn tại về PCCC. Đối với các công trình mới, đang thi công, nếu vi phạm nghiêm trọng về PCCC sẽ đề xuất, phối hợp với các quận huyện kiên quyết không cho thi công.

Cũng theo Cảnh sát PCCC, 15 công trình khó có khả năng khắc phục do xây dựng từ lâu, trước khi có Luật PCCC. Mặt khác, do sự phối hợp giữa cơ quan quy hoạch, cấp phép xây dựng và PCCC chưa được chặt chẽ. Nhiều công trình tổ chức xây dựng trước sau đó mới xin cấp phép PCCC dẫn tới một số bộ phận yêu cầu về PCCC không đáp ứng theo quy định.

Lực lượng chức năng TP Hà Nội nhận định, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định.

Đến nay, mới có 179 trong tổng số 718 chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội mua bảo hiểm cháy, nổ.

Theo các chuyên gia xây dựng, để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khi xảy ra cháy nổ tại chung cư cao tầng, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh. Nếu công trình nào vi phạm, không chỉ cần xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư mà cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng các chung cư cao tầng. Đồng thời, cơ quan quản lý có liên quan để chủ đầu tư sai phạm về PCCC cũng cần bị xử lý trách nhiệm nghiêm khắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Qúa nhiều sai phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO