TP Hồ Chí Minh: Sụt lún đất đe dọa hạ tầng đô thị

Lê Anh 26/04/2019 07:30

Các kết quả quan trắc trong 5 năm liên tiếp tại TP Hồ Chí Minh đều cho thấy một số khu vực vùng trũng, vốn chịu nhiều tác động bởi ngập úng đến nay lại gia tăng tốc độ lún sụt về địa tầng. Thực trạng này gây ra nhiều lo ngại về sự chống chịu của các tòa cao ốc, chung cư trong khu vực…

TP Hồ Chí Minh: Sụt lún đất đe dọa hạ tầng đô thị

Chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị nghiêng 45 cm.

Phạm vi lún sụt mở rộng

Mới đầu năm nay, 38 hộ dân sống tại chung cư 518 Võ Văn Kiệt (Q.1, TP HCM) chưa hết bàng hoàng khi lô E của chung cư này bị nghiêng 45 cm và có thể thấy rõ bằng mắt thường. Sự việc khiến UBND Q.1 phải xin ý kiến lãnh đạo thành phố để lên phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu chung cư trong 24 giờ, trong khi Sở Xây dựng TP HCM cũng ra cảnh báo về nguy cơ dãy chung cư này sập bất kỳ lúc nào. Chị Hạnh, 41 tuổi, một người dân sống tại chung cư này cho biết, các hộ dân đã phải di tản trong đêm do lo ngại khu E bị sập. Chính quyền cũng đã sắp xếp giúp các hộ dân về nơi tạm cư chờ về nơi ở mới. Theo chị Hạnh, tình trạng lún sụt cốt nền ở chung cư 518 Võ Văn Kiệt đã xuất hiện hơn 1 năm nay, nhưng sự việc chỉ được cảnh tỉnh khi độ nghiêng đã ở mức độ nguy hiểm và quan sát được bằng mắt thường. Không chỉ nỗi lo đối với cao ốc, chung cư, hàng nghìn hộ dân sống tại các vùng trũng thuộc khu vực bến Phú Định (Q.8) và bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) của TP HCM thời gian qua cũng phản ánh về việc nền nhà bị lún, có nơi sụt cả nửa mét.

Việc tốc độ lún sụt nhanh khiến các ban ngành chức năng của TP HCM đặt ra nhiều lo ngại. Từ cuối năm 2018, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở TNMT TP và các cơ quan chuyên môn phối hợp với 24 quận/huyện để xác định lại các cao độ hệ thống mốc độ cao đã và đang bị sụt lún trên địa bàn do các thay đổi địa chất và biến đổi khí hậu. Cho đến nay, các kết quả quan trắc từ Sở TNMT cho thấy những con số đáng báo động. Trong đó, tổng diện tích vùng sụt lún trên toàn địa bàn thành phố lên đến gần 7.200 ha. Phạm vi sụt lún cũng lan rộng ra nhiều khu vực, như một phần các phường 7, 15, 16 (Q.8); các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông (Q.12). Khu vực sụt lún phía Tây và Nam thành phố được xác định ở một phần các phường Tân Tạo A, An Lạc, Bình Trị Đông B (Q. Bình Tân) và một phần các xã Phong Phú, Bình Hưng, Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Túc (huyện Bình Chánh). Các cơ quan quan trắc cũng xác định thêm nhiều vùng có tốc độ sụt lún ở mức độ cao, gồm một phần xã Nhị Bình (Hóc Môn) và khu vực các xã Nhơn Đức, Phú Xuân và thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè); khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh);….

Nếu như ở thời điểm năm 2015 tình trạng sụt lún ở một số khu vực, trung bình quan trắc là 28mm, nhưng tốc độ thay đổi bề mặt đo được tới hơn 15mm/năm và đến nay có khu vực đã lún sâu hơn nửa mét và có thể quan sát trực tiếp. Khu vực lún sụt nhanh được xác định trong phạm vi hơn 356 ha, trong khi các khu vực có tốc độ lún 5-10mm/năm thì lên tới gần 4.400 ha.

Tình trạng sụt lún ở TP HCM cũng liên quan đến tình trạng ngập úng đô thị thời gian qua. Cả hai tác nhân này đều đã tác động rất lớn đến đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức cho phép, tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là việc cấp phép xây nhà cao tầng, bê tông hóa vỉa hè ngày càng gia tăng, đã làm hạn chế khả năng thấm hút nước và gây ra hiện tượng sụt lún đất trên địa bàn thành phố.

Khắc phục nhưng vẫn còn mối lo

Theo đại diện Sở TNMT TP HCM, đến năm 2020 thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm quan trắc bán tự động về tình trạng nước ngầm, không khí và ô nhiễm nước mặt. Tổng kinh phí cho các dự án này lên tới gần 500 tỷ đồng và chỉ là bước đầu của các dự án đầu tư dài hơi. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Trung tâm chống ngập TP HCM, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo cũng là một trong những nguyên nhân khiến lún sụt và ngập nước đe dọa lên hạ tầng đô thị. Nhiều nghiên cứu cho thấy 63% diện tích thành phố có độ cao tự nhiên dưới 1,5 m nên những vị trí thấp hơn đỉnh triều đều bị ngập.

TP Hồ Chí Minh: Sụt lún đất đe dọa hạ tầng đô thị - 1

Chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị nghiêng 45 cm tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Phúc.

Do các vấn đề trên, giai đoạn 2016-2020 thành phố được dự tính cần khoảng gần 73.500 tỷ đồng để đầu tư lĩnh vực chống ngập và xử lý nước thải. Thế nhưng ngoài ngân sách thành phố và Trung ương, thành phố buộc phải huy động được nguồn xã hội hóa hơn 20.283 tỷ đồng và vốn ODA là 36.152 tỷ đồng mới đảm bảo khả thi cho một giai đoạn nền tảng để ứng phó với ngập ứng và lún sụt như hiện nay. Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) từng khuyến nghị với UBND TP về những sửa đổi và điểm mới trong Nghị định 63/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) đối với lĩnh vực này, để tìm nguồn đầu tư mới.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh – Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường TP HCM cho biết, từ năm 2000, TP HCM đã cho triển khai xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động và tiếp tục bổ sung kinh phí xây các trạm quan trắc môi trường tự động khác, thế nhưng đến năm 2012 thì có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng. Trong 5 năm gần đây, TP HCM kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ để đầu tư thêm hàng trăm trạm quan trắc dựa vào phương pháp bán tự động. Tuy nhiên, TP HCM vẫn đang thiếu hàng ngàn tỷ để có thể giải quyết được tạm thời các nguy cơ lún sụt nghiêm trọng.

Vừa qua, tại Hội thảo “Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước TP HCM”, PGS.TS Lê Văn Trung (Trường Đại học Bách Khoa TP HCM) khuyến nghị quy hoạch của thành phố đừng để bề mặt không thấm, bê tông hóa mở rộng, trong khi đó phải xây dựng các hồ điều tiết để trữ nước mưa. Vùng nào cấp nước mặt thì tuyệt đối không cho phép sử dụng nước ngầm. Trong khi đó, đại diện Trung tâm điều hành chống ngập nước TP HCM giải thích, vấn đề triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu đã khiến các nỗ lực nêu trên không được đồng bộ.

Để giải quyết một vấn đề dân sinh phức tạp, chưa hẳn do các trở ngại về tài chính mà trước hết phụ thuộc lớn vào quyết tâm của chính quyền. Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh thì Nghị quyết 54 của Quốc hội, cùng các cơ chế đặc thù khác cho phát triển TP HCM đang là những thuận lợi, được đánh giá là cơ hội tốt nhất để TP HCM dồn toàn lực giải quyết vấn đề lún sụt mặt đất và ngập úng đang diễn biến ngày càng đáng lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Sụt lún đất đe dọa hạ tầng đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO