Đổ xô theo học mô hình giáo dục ‘làm giàu’ online: Chiêu trò của các ‘chuyên gia’

Quang Thành - Lan Anh 13/08/2021 09:16

Để thu hút được số lượng học viên lớn, những “chuyên gia dạy làm giàu” đã xây dựng hình ảnh cho mình một cách hào nhoáng cũng như những thành tích kinh doanh cực khủng. Mất hàng chục triệu đồng cho mỗi khóa học, thế nhưng, thực tế những gì học viên thu nạp được hoàn toàn ngược lại. Nhiều người đã gửi đơn kêu cứu đến Báo Đại Đoàn Kết…

Hình ảnh hào nhoáng của các “chuyên gia”

Như Đại Đoàn Kết đã có bài viết trước đó “Đổ xô theo học mô hình giáo dục “làm giàu” online: Giàu lên ngay cả khi đang ngủ!”, thời gian gần đây, những khóa học làm giàu “mọc lên như nấm”, được quảng cáo trên khắp các diễn đàn trên mạng xã hội, nền tảng xuyên quốc gia hay các khu vực tập trung đông người.

Đánh trúng khao khát muốn giàu nhanh mà không tốn sức của nhiều người, các khóa học làm giàu thu hút rất đông người theo học. Những “chuyên gia” đứng lớp, giảng dạy học viên đều tự xưng là “bậc thầy” trong lĩnh vực làm giàu. Để thu hút được số lượng học viên lớn, “chuyên gia” phải gây dựng hình ảnh cho cá nhân hào nhoáng và những thành tích kinh doanh cực khủng mà họ đã đạt được.

Thậm chí, những “chuyên gia” này còn xây dựng một hệ thống học viên theo hình thức “đa cấp”. Tất cả những thành viên tham gia đều thể hiện hình ảnh giàu có, lộng lẫy để thu hút học viên.

Theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, chị K.T. là một trong những “chuyên gia” mở rất nhiều lớp học với hàng trăm học viên. Các lớp học này bao gồm nhiều nội dung khác nhau như cách thức bán hàng online trên facebook, cách thức bán hàng trên zalo, cách viết “content”, xây dựng cộng đồng…

Theo quảng cáo, học viên tham gia học sẽ được học “kỹ năng viết content thật sexy”, cách xây dựng thương hiệu cá nhân, cách tiếp cận khách hàng, con đường trở thành KOL (người có sức ảnh hưởng-PV), xây dựng chiến lược marketing, kỹ năng chốt sale, cách xây dựng cộng đồng và cập nhật xu hướng mới...

Không chỉ dừng lại ở đó, chị K.T. cũng đưa ra nhiều lời hứa với các học viên trước khi tham gia khóa học như học viên sẽ kèm cặp sát sao, “hứa hẹn đầu tư 200 triệu sẽ thu về 800 triệu”,…

Nhưng khi tham gia lớp học, nhiều học viên mới ngỡ ngàng về nội dung của lớp học, bởi nó không giống như những gì đã quảng cáo.

Một buổi “học làm giàu”.

Mô hình giáo dục làm giàu hay hoạt động đa cấp?

Chia sẻ với PV, chị Khương Thúy (Kim Văn - Kim Lũ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thời gian qua dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh cửa hàng ăn của chị. Tin theo những lời quảng cáo đường mật, chị Thúy quyết định tham gia khóa học với mong muốn sẽ có nhiều đơn hàng hơn, phát triển kinh doanh hơn. Chị Thúy đi vay 10 triệu đồng để theo đuổi khóa học “Lớp siêu tốc hè”. Theo như lời trợ lý của K.T., khóa học này được giảm giá từ 30 triệu đồng còn 10 triệu đồng và được tặng 1 bài “review” về sản phẩm mình bán của chị K.T..

Khóa học 4 buổi, mỗi buổi 1 tiếng, tuy nhiên, duy nhất buổi đầu là đúng giờ, những buổi sau đều bị gián đoạn hoặc ảnh hưởng bởi nhiều lý do như mất mạng, có việc đột xuất… Sau 4 buổi học, chị Thúy vẫn không được đội ngũ của K.T. viết bài quảng cáo như lời hứa, với lý do sản phẩm của chị Thúy không đạt, dù chị đã đưa các sản phẩm khác nhau lên văn phòng để trợ lý chị K.T. ăn thử, thậm chí đã từng được nhận phản hồi đồ ăn khá ổn, chuẩn bị số lượng để viết bài review.

“Tiền thì vay mượn để đóng rồi, nhưng nội dung học không đúng như những lời giới thiệu. Họ cũng không hỗ trợ viết bài bán hàng như đã hứa. Hiện tại, do ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mong muốn của tôi lúc này là được chị K.T. trả lại tiền để trang trải cuộc sống trong thời gian khó khăn này” - chị Thúy chia sẻ.

Không chỉ có chị Thúy, hàng chục học viên của chị K.T. cũng đã gửi đơn đến Báo Đại Đoàn Kết, bày tỏ mong muốn mô hình giáo dục làm giàu online của chị T. sẽ sớm được làm rõ và đưa ra ánh sáng, đảm bảo quyền lợi của học viên.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết vấn đề quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên mạng chưa có sự kiểm soát nghiêm ngặt. Thời điểm hiện tại, quảng cáo về các hoạt động đa cấp và những lớp học theo kiểu dạy làm giàu, kỹ năng, thay đổi số phận đang được đăng tải tràn lan. Trái ngược lại với những lời quảng cáo, khi tham dự thực tế các lớp học thì nhiều người mới nhận thấy rằng nội dung không đúng như những gì họ mong muốn sẽ nhận được.

“Đối với vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thực hiện thẩm định và kiểm soát tốt. Song song với sự quản lý của chính quyền các cấp, Bộ GDĐT cần thường xuyên tổ chức thẩm định chất lượng của lớp học, khóa học, tránh để người dân mất tiền oan, chưa thấy giàu đâu chỉ thấy nghèo đi trước mắt vì phải đóng một số tiền lớn.

Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc để giữ ổn định trật tự xã hội, cần bảo vệ người dân bởi trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhiều người đã khó khăn lại càng bần cùng hơn vì trót tham gia các lớp học như thế này. Bên cạnh đó, người dân cũng cần có sự tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo, tránh tiền mất tật mang” - ông Lê Như Tiến cho biết.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội, việc các cá nhân, tổ chức lôi kéo số lượng lớn học viên bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng để tham gia các khóa học làm giàu nhưng không đúng với quảng cáo và cam kết có thể cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổ xô theo học mô hình giáo dục ‘làm giàu’ online: Chiêu trò của các ‘chuyên gia’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO