Doanh nghiệp băn khoăn thị phần

Thanh Giang 13/11/2015 14:11

Cộng đồng  doanh nghiệp cho rằng, 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh song Luật này đang tồn tại những bất cập gây khó cho doanh nghiệp và không theo kịp sự phát triển của thị trường. Ngoài ra, tồn tại lớn nhất của Luật này là mức giới hạn và cách xác định quy mô thị phần không khả thi. 

Doanh nghiệp băn khoăn thị phần

Công ty cổ phần chăn nuôi CP từng bị điều tra xác định thị phần

Ngày 12- 11, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) tiến hành đánh giá 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh. Tại đây, nhiều ý kiến đánh giá cao sự tiến bộ trong quản lý thị trường nhằm tạo trật tự chung. Song không ít quan điểm cho rằng, Luật Cạnh tranh có những khuyết điểm cố hữu kéo dài trong thời gian qua gây khó cho DN.

Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý Công ty TNHH Friesland Campina băn khoăn: 10 năm nay kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời đến nay tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời xác đáng việc xác định thị phần của DN. Ông Toàn thắc mắc, nếu DN có quyền sở hữu nhiều nhãn hàng danh tiếng, ví dụ: Campina, Rainbow, Frisian Flag, Mona, Friso… nhưng tại thị trường Việt Nam chỉ sử dụng 1 số nhãn hiệu như Dutch Lady, Yomost, Fristi, Friso thì đánh giá khả năng gây hạn chế cạnh tranh của DN như thế nào? Hay quy mô của mạng lưới phân phối là trên toàn quốc nhưng các đơn vị phân phối lại nhỏ, lẻ thì đánh giá khả năng gây hạn chế cạnh tranh của DN ra sao?

Bức xúc không kém về quy định thị phần cho sản phẩm của DN trên thị trường, ông Trần Võ Quốc Sơn, Giám đốc Tư vấn pháp luật Công ty TNHH Unilever Việt Nam cho rằng, quy định vị trí thống lĩnh 30% hoặc quy định giới hạn gây hạn chế cạnh tranh ảnh hưởng đến thị trường là hoàn toàn không thuyết phục. Cơ chế thị trường rồi thì nên để thị trường điều tiết và quyết định sẽ tốt hơn.

Liên quan đến mức quy định về thị phần sản phẩm của DN, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Công ty Luật LNT & Partners khẳng định, 30% tỷ lệ thị phần của sản phẩm không thể điều tiết được thị trường, trong khi các nước áp dụng với tỷ lệ 60%. Đây là con số hoàn toàn không thực tế, gây khó khăn cho DN khá nhiều trong hoạt động kinh doanh.

Cộng đồng DN phân trần, cạnh tranh trên thương trường hiện nay ngày càng gay gắt, cho nên không thể có tình trạng DN muốn làm gì thì làm. Kế hoạch kinh doanh của DN cũng phải dựa trên nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Sắp tới đây, hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn khi hàng hóa các nước đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế của ngành hàng tiêu dùng trong thời gian qua thường đứng ở mức âm do kinh tế tăng trưởng chậm thì áp lực lên sự phát triển của ngành càng tăng. Khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi cùng với việc mở cửa thị trường thì nên nới hoạt động kinh doanh bằng cách để DN tự do trong khuôn khổ cho phép.

Còn ngược lại, chắc chắn không thể có được một thị trường kinh doanh công bằng đúng nghĩa. Theo đại diện một số DN, hiện nay cơ quan chức năng cứ vin vào tiêu chí năng lực tài chính của DN, năng lực tài chính của công ty mẹ, năng lực công nghệ, quy mô mạng lưới… để xác định thị phần là không khả thi vì quá chung chung, mang tính chất tương đối.

Giới DN cho rằng, muốn xác định rõ tỷ lệ thị phần chiếm đóng DN phải nhờ vào các công ty nghiên cứu thị trường một cách chuyên nghiệp thông qua những con số cụ thể. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại thường áp dụng phương pháp cảm quan.

“Số liệu thống kê của cơ quan nhà nước Việt Nam chưa được quốc tế tin tưởng hoàn toàn nên kết luật về xác định thị trường liên quan trong nhiều trường hợp còn thiếu tính thuyết phục”, bà Phạm Thanh Hải- Giám đốc Pháp lý Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh nêu quan điểm. Trước quy định hạn chế việc làm dụng độc quyền ở mức 30% thị phần để “làm mưa, làm gió” của Luật Cạnh tranh, DN tha thiết mong cơ quan chức năng xem xét lại và đưa ra con số cùng các tiêu chí đánh giá khả thi hơn.

Nói về công tác quản lý, kiểm soát đối với hành vi Luật Cạnh tranh, ông Phùng Văn Thành- Phó trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) cho hay, từ năm 2005 đến 2014, Cục đã điều tra 137 vụ việc, trong đó quyết định xử phạt 127 vụ việc. Riêng hành vi lạm dụng độc quyền, Cục đã tổ chức điều tra 8 vụ (gần 70 DN bị điều tra) và quyết định xử lý 5 vụ với số tiền gần 5,5 tỷ đồng. Ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký đều có tính cạnh tranh cao.

Việc ban hành và thực thi tốt Luật cạnh tranh để đảm bảo thị trường vận hành lành mạnh, ổn định kinh tế. Do hình thức tổ chức của một số quốc gia khác nhau về thể chế, quản lý… nên mô hình cạnh tranh cũng khác nhau. Không thể lấy mô hình của nước này áp đặt lên điều kiện phát triển kinh tế của nước khác. Song, Cục rất muốn lắng nghe về những khó khăn vướng mắc trong việc tuân thủ Luật Cạnh tranh nhằm tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN phát triển tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp băn khoăn thị phần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO