Doanh nghiệp chờ ngày mở cửa: Lo giải bài toán 'công nhân về quê'

NAM PHONG - HỮU VINH 10/09/2021 14:00

Trong bối cảnh TP HCM, Đồng Nai đang xây dựng các kịch bản để mở cửa sản xuất sống chung với dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào trạng thái vừa mừng vừa lo. Họ ngóng chờ kế hoạch mở cửa, nhưng phải lo tìm nguồn nhân lực bổ sung, để bước vào giai đoạn sản xuất mới.

Một số doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai bắt đầu có những kế hoạch tuyển dụng nhận sự chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa, bình thường mới sau dịch Covid-19. Tuy vậy, kế hoạch mở cửa của chính quyền tới nay chưa có gì cụ thể, dẫn tới việc tìm kiếm nhân sự cũng khó khăn.

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, TP Biên hòa, tỉnh Đồng Nai), một trong những công ty có số lượng công nhân đông nhất tỉnh với khoảng 40.000 lao động chia sẻ: “Trong đợt dịch vừa rồi, số lượng công nhân cũng hao hụt nhiều vì nhiều lý do khác nhau. Sắp tới, nếu tỉnh mở cửa trở lại một số hoạt động, trong đó có sản xuất. Doanh nghiệp tất nhiên sẽ vui. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều lo lắng và chắc chắn việc khôi phục sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước dịch đơn hàng đã rất lớn, nhưng lao động cũng thiếu hụt, dù doanh nghiệp liên tục tuyển dụng. Khi dịch diễn ra, tỉnh thực hiện giãn cách dài ngày, cộng với việc thực hiện “3 tại chỗ” nên lao động hao hụt trầm trọng”.

“Về máy móc, nguyên vật liệu doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhưng về yếu tố con người, thì chưa biết những đối tượng nào được tham gia sản xuất để sắp xếp tuyển dụng, mời gọi nhân lực. Doanh nghiệp chưa biết sẽ huy động được bao nhiêu nếu tái sản xuất trở lại.

Sau dịch không thể tránh khỏi việc hao hụt một lượng nhân lực tương đối lớn do nhiều nguyên nhân. Để huy động trở lại đi làm cũng sẽ rất khó khăn, đặc biệt là lực lượng lao động ngoại tỉnh”, ông Phúc đánh giá.

Nhiều lao động trở về quê tránh dịch chưa thể quay lại TP HCM
Nhiều lao động trở về quê tránh dịch chưa thể quay lại TP HCM.

Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam, KCN Long Bình (Amata), Phường Long Bình, Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hiện tại nguồn hàng cuối năm rất lớn, trong khi nguồn nhân lực làm 3 tại chỗ chỉ có 78 người.

Với số lượng hàng cuối năm thì nhân lực dự tính khoảng 120 người. Công ty hiện có một số nhân lực chuyên môn đang ở khu cách ly phong tỏa nên không đi làm được. Doanh nghiệp đang rất đau đầu về vấn đề này.

Sắp tới, nếu mở cửa sản xuất lại, đơn vị sẽ tính toán tăng thêm thời gian làm việc, tận dụng khoảng thời gian này để mà đáp ứng việc sản xuất các đơn hàng cuối năm. Nói chung là phải chờ tỉnh đưa ra phương án cụ thể như thế nào lúc đó doanh nghiệp mới chủ động trong khẩu đảm bảo nhân lực”.

Tại TP HCM nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may, xây dựng… cũng ảnh hưởng nặng nề bởi thiếu hụt nguồn lao động.

Ông Võ Quốc Hào, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần may Bình Minh cho biết: Điều quan trọng nhất của công ty hiện nay không phải là năng suất và sản lượng, mà là chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và đảm bảo an toàn cho người lao động.

Công ty có hơn 500 công nhân công ty ở rải rác tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp và Quận 12... vốn đã thiếu hụt lao động, nay lại có nhiều lao động bị cách ly tại các khu phong tỏa, do vậy công ty luôn phải căng thẳng điều phối lao động ở các dây chuyền sản xuất.

Trong khi đó, ở ngành cần nhiều công nhân tại các công trường như xây dựng cũng đang chờ đợi được mở cửa để triển khai xây dựng. Nhiều công trình “đắp chiếu” nhiều tháng qua ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ xây dựng cam kết với đối tác. Tuy vậy, mở cửa để triển khai công trình đồng nghĩa cần phải có công nhân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây lắp Gia Phúc chia sẻ: “Một số lao động của chúng tôi đã về quê, hiện tại không thể quay lại TP HCM do chưa tiêm phòng Covid-19. Đối với công trình xây dựng của công ty có đặc thù là lao động tay nghề chủ yếu đến từ các tỉnh lẻ, mùa dịch không có việc làm nên họ trở về quê tránh dịch phải tới 80% số lượng.

Những người ở lại dù đã được tiêm phòng, sắp tới có thể đủ điều kiện để ra công trường làm việc, nhưng số lượng lại không đủ để có thể đảm bảo hoạt động xây dựng tại các công trường dự án có khối lượng công việc lớn.

Ngoài ra, một số cán bộ kỹ thuật có trình độ cao rất cần trong các công trình xây dựng họ bỏ về quê. Nhóm lao động này không dễ để tuyển dụng trong ngày một ngày hai. Đây đang là những bài toán nan giải đối với công ty xây dựng như chúng tôi”.

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn kết, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM nhìn nhận, hiện chưa có thống kế về số lượng người lao động di tản trong giai đoạn vừa rồi, tuy vậy, chắc chắn nguồn lao động đã thâm hụt đáng kể.

Do vậy, việc tìm nguồn lao động thay thế cho lực lượng đã đi ra khỏi TP HCM hay các địa phương ở phía Nam đề đã được các doanh nghiệp khối sản xuất, xây dựng… tính toán.

“Thực tế thì kế hoạch bình thường mới hay khôi phục tối đa tình hình sản xuất kinh doanh đến nay vẫn chưa có gì là cụ thể cả. Chúng ta vẫn phải chờ. Nhưng bài toán để giải quyết thiếu hụt nguồn lao động cho các doanh nghiệp thì đó chắc chắn là tiêm vaccine.

Nhóm ưu tiên vaccine cũng cần phải đưa vào đó là lực lượng lao động là công nhân các khu công nghiệp, công nhân các công trình xây dựng… đã trở về quê tránh dịch để có thể tạo điều kiện cho họ quay lại tiếp tục công việc”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp chờ ngày mở cửa: Lo giải bài toán 'công nhân về quê'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO