Doanh nghiệp dệt may: Những tín hiệu lạc quan

Minh Phương 01/04/2017 08:00

Các doanh nghiệp ngành dệt may đã phải trải qua một năm 2016 nhiều khó khăn, trong đó phải kể nguy cơ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, những diễn biến của 3 tháng đầu năm 2017 cùng với lượng đơn hàng đã được ký kết cho đến hết tháng 8 năm nay, giới chuyên gia nhận định, xuất khẩu dệt may sẽ tăng trưởng khả quan trong năm nay.

Với nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết, hy vọng ngành dệt may sẽ lại bứt phá trong năm 2017. Ảnh: TL.

Lượng đơn hàng dồi dào hết quý II

Không thực hiện được TPP có thể coi là cú sốc lớn đối với ngành dệt may nước nhà, bởi đây là ngành được cho là có nhiều lợi thế nhất khi Việt Nam tham gia TPP.

Tuy vậy, những diễn biến trong “cuộc chạy nước rút” cuối năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017 lại cho thấy, dù TPP có tồn tại hay không, cũng không gây ra tác động quá lớn đến ngành này. Thậm chí, cú sốc này còn khiến các DN ngành dệt may có thêm cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trên thực tế, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may có chững lại tại thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, tuy nhiên, một thời gian sau đó, các DN Mỹ lại quay trở lại hoạt động bình thường và tiếp tục thực hiện các hợp đồng với phía Việt Nam.

“Sau một thời gian ngắn khá hụt hẫng từ sự kiện chấn động thế giới đó, hoạt động giao thương đối với lĩnh vực may mặc giữa Việt Nam và Mỹ lại trở lại bình thường, các đơn hàng tiếp tục được ký kết và Mỹ vẫn luôn là đối tác lớn nhất của nước ta trong lĩnh vực dệt may”- ông Giang cho biết.

Nhìn vào số lượng các đơn hàng hiện nay, vị Chủ tịch Vitas đánh giá, ngay từ cuối tháng 2/2017, thông tin từ các DN trong ngành gửi đến Hiệp hội cho biết, hiện nay, nhiều DN đã có số lượng đơn hàng đến hết quý II, thậm chí có DN có lượng đơn hàng đến hết tháng 8 năm nay.

Đơn cử như Công ty cổ phần May Nam Định (Nagaco), theo phản hồi của lãnh đạo công ty này, hiện tại, Nagaco đã có đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2017 và nhiều xí nghiệp có đơn hàng đủ cả năm 2017.

Tương tự, các DN lớn khác như May 10, Tổng Công ty May Hưng Yên, Đức Giang… số lượng đơn hàng cũng rất dồi dào cho đến hết quý II, thậm chí hết quý III/2017.

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, đơn hàng dồi dào đến hết quý II năm nay.

Muốn cạnh tranh, DN phải đạt 3 yếu tố “cốt tử”

Đánh giá về triển vọng của ngành dệt may trong năm 2017, ông Vũ Đức Giang nhận định, năm nay xuất khẩu của ngành này có nhiều khả quan, dự kiến sẽ tăng trưởng 13 -14%. Cơ sở để đưa ra nhận định này được ông Giang cho hay, trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu ngành dệt may vẫn luôn giữ vững được các thị trường chủ lực, thêm vào đó, còn tìm kiếm thêm được nhiều thị trường mới.

Đặc biệt, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu với số lượng hàng may mặc tăng đột biến trong năm 2016 cũng như 3 tháng đầu năm 2017. Hay với thị trường Trung Quốc, nếu như trước kia chúng ta nhập khẩu nguyên phụ liệu cho may mặc với số lượng lớn từ thị trường này thì vừa qua, tình thế đã “đổi chiều”, các DN ngành may mặc đã xuất sang thị trường này với kim ngạch xuất khẩu lên đến 1 tỷ USD.

“Những diễn biến nói trên là cơ sở cho thấy, ngành dệt may hoàn toàn có khả năng tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2017 này”- ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cũng đang mở ra hàng loạt cơ hội cho ngành dệt may thời gian tới.

Còn theo nhận định của ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ là một trong hàng chục các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đang thực hiện ký kết, từ đó mở ra dư địa lớn cho xuất khẩu và cơ hội cho các DN dệt may Việt Nam từ các Hiệp định này là rất lớn.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, hội nhập càng sâu rộng, khả năng cạnh tranh với các đối thủ sẽ càng khốc liệt hơn. Bởi vậy, ông Hải khuyến cáo, bản thân các DN phải luôn chủ động để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa mới có thể vững chân trước làn sóng hội nhập.

Ông Vũ Đức Giang cũng cho rằng, ký kết các Hiệp định song phương và đa phương mở ra nhiều cơ hội song cũng đầy thử thách.

Theo vị Chủ tịch Vitas, để đón đầu làn sóng hội nhập, các DN Việt Nam cần phải đảm bảo được 3 yếu tố “cốt tử” đó là: Giá cạnh tranh, chất lượng tốt và khả năng giao hàng đúng hẹn, không chậm trễ. Trong đó quan trọng nhất là yếu tố chất lượng, vì với giá cả, thời gian giao hàng có thể có thương lượng nhưng riêng đối với chất lượng sẽ không có thương lượng.

Bởi vậy, ông Giang cho rằng, giữ được chất lượng cũng đồng nghĩa DN giữ được thương hiệu, giữ được chữ tín, như vậy mới có thể phát triển một cách bền vững.

Thông tin từ các DN trong ngành gửi đến Hiệp hội Dệt may VN cho biết, hiện nay, nhiều DN đã có số lượng đơn hàng đến hết quý II, thậm chí có DN có lượng đơn hàng đến hết tháng 8 năm nay. Đơn cử như Công ty cổ phần May Nam Định (Nagaco), theo phản hồi của lãnh đạo công ty này, hiện tại, Nagaco đã có đủ đơn hàng đến hết tháng 6-2017 và nhiều xí nghiệp có đơn hàng đủ cả năm 2017. Tương tự, các DN lớn khác như May 10, Tổng Công ty May Hưng Yên, Đức Giang… số lượng đơn hàng cũng rất dồi dào cho đến hết quý II, thậm chí hết quý III/2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp dệt may: Những tín hiệu lạc quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO