Doanh nghiệp kê lương nhân công thấp lè tè phải 'coi chừng'

Thanh Giang 27/05/2016 06:10

Hiện rất nhiều DN làm thang, bảng lương không đúng với lương thực tế của công nhân nhằm né đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động sau này. Bên cạnh đó, DN đang vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật hình sự. Đó là nhận định của ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Tiền lương - Tiền công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM).

Doanh nghiệp tự ý kê khai bảng lương khiến người lao động thiệt đơn, thiệt kép. Ảnh: Hoàng Long.

Ngày 26/5, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức Hội nghị đối thoại giữa DN với lãnh đạo về các chính sách liên quan đến lao động. Tại đây nhiều ý kiến bày tỏ thắc mắc về việc áp dụng hình thức xây dựng thang, bảng lương theo quy định.

Băn khoăn về cách xây dựng thang, bảng lương một DN cho rằng, không nên cứng nhắc quy định mức tăng lương mỗi bậc là 5% nên đưa ra từng mức cố định. Ví dụ, bậc 1 từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng, các bậc tiếp theo tương tự theo chiều hướng tăng lên.

Trưởng phòng hành chính nhân sự, Công ty Thiết bị Thể thao khác cũng đồng quan điểm: “Chỉ nên quy định mức tăng lương, còn bậc lương có thể linh hoạt hơn như vậy sẽ tiện hơn cho DN”. Trả lời thắc mắc của các DN về cách xây dựng thang bảng lương, ông Trần Tất Năm khẳng định, thang, bảng lương được tính hết sức khoa học.

Thang, bảng lương làm cơ sở giao kết hợp đồng lao động, nâng bậc lương, nâng ngạch lương, trả lương và tính để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiếm thât nghiệp cho người lao động. Nếu không tính một cách khoa học không DN thể quản trị kinh doanh tốt được.

Tùy thuộc vào vị trí làm việc với mức độ phức tạp của công việc cũng như hiệu quả mà vị trí đó mang lại lợi nhuận cho đơn vị. Tuy nhiên, khoảng chênh lệch giữa hai bậc là 5%. Ở vị trí lao động cao hơn DN cũng có thể thiết kế khoảng chênh lệch từ 10 – 15% nhưng phải đảm bảo thấp nhất là 5%.

Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, hiện nay xuất hiện tình trạng DN thang, bảng lương gửi một đường nhưng thực tế lại một nẻo. Thậm chí có tình trạng, công nhân có thâm niên làm việc trong thời gian dài cùng với nhiều lần tăng lương theo quy định nhưng thang, bảng lương của DN vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Thực tế cho thấy, sau khi quy định yêu cầu DN xây dựng thang, bảng lương nhiều DN chủ động thực hiện theo hướng giảm lương xuống thấp để tránh đóng BHXH nhiều. Tại Đồng Nai, bảng lương công nhân của một công ty may bỗng dưng “rơi tự do” từ 6 triệu đồng/tháng về mức 4,5 triệu đồng/ tháng.

Chưa hết, lãnh đạo Công ty V.P., khu công nghiệp Tân Bình, TP HCM từng dời mức lương của công nhân từ 4,3 triệu đồng/tháng về 3,3 triệu đồng.

Trước đó, trong cuộc khảo sát, Ban quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất thành phố phát hiện 160/1.000 được khảo sát sai phạm về quy định xây dựng thang, bảng lương cũng như việc thực hiện chi trả lương cho người lao động.

Về việc xây dựng thang, bảng lương thiếu chính xác, Trưởng phòng Tiền lương – Tiền công Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố nhấn mạnh, DN né đóng BHXH bằng cách khai thấp hoặc đầy bổ sung vào phụ cấp. Tuy nhiên khi xác lập kế hoạch sản xuất kinh doanh mà hơn mức lương chính là bất hợp lý. Đơn cử, DN thưởng cho nhân viên 500 triệu nhưng tổng lương cả năm chỉ 200 triệu là không thể.

Người lao động sẽ thiệt thòi nếu chủ DN không tính đúng tiền lương. Ảnh: S.Xanh.

Lý giải cho tình trạng trên ông Huỳnh Lê Phương, chủ DN may khẳng định: “Lương liên tục tăng, tiền đóng BHXH ngày càng cao trong khi sản xuất kinh doanh không mấy sáng sủa, vì vậy mà không ít DN tìm cách “lách” quy định xây dựng thang, bảng lương”. DN giải thích khó khăn dẫn đến tình trạng xây dựng thang, bảng lương không đúng mặc cho người lao động thì lo lắng bị thiệt thòi về quyền lợi BHXH sau này.

Trước thực tế khá đông DN xây dựng và tự ý điều chỉnh thang, bảng lương thiếu chính xác, không ít ý kiến nhận định đây là hành vi sai trái. Người sử dụng lao động muốn thay đổi nội dung về tiền lương buộc phải có sự thương lượng, thỏa thuận với người lao động. Trường hợp không thỏa thuận phải tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký trước đó.

Về phía cơ quan quản lý, người lao động và người sử dụng lao động phải thỏa thuận thể hiện chi tiết trong hợp đồng lao động với các khoản lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo đúng hướng dẫn để căn cứ trả lương và đóng BHXH cho người lao động.

Đối với khoản phụ cấp lương hoặc bổ sung lương DN nghiệp tự rà soát, tính toán cách thức chi trả theo quy chế lương, thưởng của DN.

“Tình trạng DN xây dựng thang, bảng lương thấp lè tè không đúng với lương thực tế để né đóng BHXH ngày càng phổ biến. Coi chừng DN đang vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật hình sự. Tôi không dọa nhưng DN phải nghiên cứu kỹ tránh xảy ra điều không hay” - đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cảnh báo DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp kê lương nhân công thấp lè tè phải 'coi chừng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO