Doanh nghiệp khỏe, nền kinh tế mới khỏe

Minh Phương 16/01/2017 09:15

Nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có sự tăng trưởng tốt trong năm 2017. Điều này được thể hiện rõ ở cái nhìn khá lạc quan của cộng đồng DN với hơn 81% DN cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt lên ngay ở quý I năm nay.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực của nền kinh tế.

Một số tổ chức quốc tế cũng bày tỏ kỳ vọng về những biến chuyển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 dựa trên cơ sở các chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam được cải thiện trong thời gian gần đây. Với những triển vọng đó, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017 mà Quốc hội đặt ra sẽ có thể đạt được.

Chuyển biến rõ nét

Theo ông Marios Maratheftis- Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, tiềm năng hồi phục của nền kinh tế Mỹ đang làm gia tăng tinh thần lạc quan trên thị trường, những quyết sách của vị Tổng thống mới của quốc gia này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam không nằm ngoài “guồng quay” đó. Tuy nhiên, theo vị đại diện Ngân hàng Standard Chartered, nhiều dự cảm cho thấy, Việt Nam đang trở lại quỹ đạo sau khi bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Ông Nirukt Sapru- Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng chia sẻ, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều được cải thiện trong thời gian gần đây, tạo ra nhiều tiến triển tích cực trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Standard Chartered Việt Nam tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Ở một diễn biến khác, theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê, có trên 81% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I năm nay sẽ ổn định và tốt lên; trong đó, có 42,6% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,5% số DN cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định; chỉ có 18,9% số DN dự báo khó khăn hơn.

Còn theo khảo sát trước đó của Vietnam Report đối với 500 DN lớn nhất Việt Nam từ 2007-2016 về dự cảm cho năm 2017 cho thấy, các DN đã đánh giá khả quan đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung và cho rằng, các kết quả sẽ tăng lên, hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016.

Trọng tâm vẫn là tái cơ cấu khu vực DN Nhà nước

Những dữ liệu nói trên là minh chứng cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 chắc chắn sẽ có những bứt phá. Đặc biệt hơn khi Chính phủ mới vẫn đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, tạo động lực cho cộng đồng DN phát triển…

Theo TS Cấn Văn Lực- chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc giải quyết các rào cản trong môi trường kinh doanh hiện nay, điều này được thể hiện ở việc Chính phủ đã vào cuộc từ những sự việc nhỏ như “cà phê Xin chào”, cho thấy quyết tâm đó lớn đến mức nào.

Mặc dù vậy, khi nhận định về khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong 2017, vị chuyên gia này cho rằng, để đạt được con số 6,7% như mục tiêu Quốc hội đưa ra, cần phải có những hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa. Phân tích cho nhận định này, ông Lực cho rằng, các cơ chế, chính sách, các giải pháp thực hiện đều đã được định hình rõ nét, có kế hoạch rõ ràng, vấn đề hiện nay là phải thực thi như thế nào để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Đặc biệt những vấn đề quan trọng trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn tới, cần làm rõ mô hình tăng trưởng mới, kèm theo nó là những giải pháp, trách nhiệm của các bộ ngành liên quan.

Theo vị chuyên gia này, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua (2011-2015), chúng ta đã làm được một số việc song vẫn còn ở trạng thái “chậm rãi”.

“Do đó, trong giai đoạn tới, tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu DN Nhà nước làm sao để tạo ra được một thế hệ DN lành mạnh hơn, khỏe hơn, tạo một môi trường bình đẳng hơn giữa DN nhà nước và tư nhân, giữa DN trong nước và và DN FDI, qua đó phân bổ khai thác nguồn vốn nguồn lực tốt hơn, điều này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay”- ông Lực nhận định và khuyến nghị, Chính phủ phải sớm thành lập Ủy ban về tái cơ cấu nền kinh tế, hoặc Ủy ban nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đây là ủy ban làm đầu mối cho câu chuyện về tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Giới chuyên gia nhận định, việc Chính phủ đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đồng thời nỗ lực gỡ bỏ rào cản kinh doanh cho khu vực DN này thời gian qua cũng là một trong những cơ sở để có thể đưa nền kinh tế Việt Nam đi đến những chuyển biến mới mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn. Bởi, chính khu vực kinh tế tư nhân mới là “xương sống” của cả nền kinh tế.

Và theo những dự cảm của TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2016, nền kinh tế đã chứng kiến một con số kỷ lục về số DN thành lập mới với trên 100 ngàn DN. Và năm 2017 cũng sẽ tiếp tục có những đột phá về số lượng DN được thành lập mới với sự tham gia đông đảo của lực lượng trẻ tuổi trong phong trào khởi nghiệp.

Vẫn theo TS Lộc, chính lực lượng DN hùng hậu này là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp khỏe, nền kinh tế mới khỏe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO