Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ, lãi ra sao?

Quang Thành 14/10/2022 13:24

Tại báo cáo được gửi tới Quốc hội, Chính phủ đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Hiệu quả hoạt động của DN nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Ảnh minh họa
Hiệu quả hoạt động của DN nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (người thay mặt Chính phủ ký báo cáo) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2021.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 DN có vốn góp của Nhà nước, trong đó 673 DN nhà nước và 153 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản là hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là 1.795.451 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng doanh thu đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.

Tổng nợ phải trả là hơn 1,9 triệu tỷ đồng tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 53% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp Trung ương.

Theo Bộ Tài chính, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con có tổng tài sản là gần 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm 90% tổng tài sản của các DN; tổng doanh thu từ báo cáo hợp nhất đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020.

Các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có số tổng doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở các DN có quy mô lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (440.000 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (380.000 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (150.000 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (114.000 tỷ đồng)…

Lãi phát sinh trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt 186.371 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2020, chiếm 91% tổng lãi phát sinh trước thuế của các DN. Các đơn vị có lãi phát sinh trước thuế cao trên 5.000 tỷ đồng chủ yếu vẫn ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (52.000 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (37.000 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (18.000 tỷ đồng)…

Trong năm 2021, nhiều DN bắt đầu vực dậy và phát triển trở lại, một số Công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 30% so với năm 2020 như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (tăng 156%); Tổng Công ty Hợp tác kinh tế (87%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (77%); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc tăng (66%)...

Một số DN lãi phát sinh trước thuế năm 2021 giảm sâu như: Công ty mẹ - Tổng Công ty Giấy Việt Nam có lãi phát sinh trước thuế là 1 tỷ đồng tương ứng giảm 90%; Công ty mẹ - Tổng Công ty vận tải Hà Nội có lãi phát sinh trước thuế là 1,5 tỷ đồng tương ứng giảm 90% (doanh thu giảm dẫn đến lãi phát sinh trước thuế giảm); Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) có lãi phát sinh trước thuế là 163 tỷ đồng tương ứng giảm 52%, doanh thu giảm 42% so với năm 2020…

Có 90/826 DN (chiếm 11% tổng số DN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 16.064 tỷ đồng. 184/826 DN (chiếm 22% tổng số DN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 52.840 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lỗ gần 2.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội lỗ 69 tỷ đồng…

Chính phủ đánh giá, hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường...; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả.

Báo cáo nêu rõ hạn chế ở chỗ trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt để việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, cũng nằm trong nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế của khối này,...

Bộ Tài chính cho rằng, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành, Chủ tịch HĐTV, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với việc phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ, lãi ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO