Doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản: Mong gỡ 'nút thắt' CFS

Quốc Định-Đại Dương 27/03/2017 09:05

Để góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản, những “nút thắt” khi xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực thực phẩm cần sớm được giải quyết. Trong đó, có việc kiểm tra mẫu thực phẩm khi thông quan và nộp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS).

Đó là ý kiến của ông Takimoto Koji- Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM và lãnh đạo của các DN thực phẩm Nhật Bản trong cuộc họp “Liên lạc về thực phẩm” vừa diễn ra tại TP HCM.

Hiện nay quy định nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam, theo điều 39 Luật An toàn thực phẩm cần phải được Nhà nước kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong Điều 14.2 Nghị định số 38/2012/ND-CP quy định chi tiết của Luật này: “Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu được miễn kiểm tra khi nhập khẩu”.

Tuy nhiên, trong thủ tục thông quan hiện nay, dù là mẫu thực phẩm dùng cho mục đích nghiên cứu, phát triển hay sản xuất nhưng nếu vượt quá trọng lượng nhất định thì vẫn phải tiến hành thủ tục kiểm tra chính thức.

Khi nhập khẩu mẫu thực phẩm nhiều hơn một trọng lượng nhất định thì có các cách hoặc tiến hành kiểm tra trước tại cơ quan kiểm tra của Nhật Bản, hoặc nhập trước số lượng ít tiến hành kiểm tra tại Việt Nam, sau đó mới nhập khẩu. Như vậy, sẽ mất tối thiểu khoảng 2 tuần cho tới lúc thông quan và giá thành bị tăng lên, điều này gây cản trở cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của DN Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, việc nộp CFS của thực phẩm nhập khẩu đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo các DN Nhật Bản tại cuộc họp trên.

Quy định hiện hành, khi xuất khẩu thực phẩm sang Việt Nam, theo Điều 38, mục 1.a Luật An toàn thực phẩm (55/2010/QH12) cần đăng ký bản công bố hợp quy cho Bộ Y tế Việt Nam, nếu không được cấp bản đăng ký đó trước thì sẽ không tiến hành thông quan nhập khẩu.

Giấy tờ cần thiết yêu cầu khi tiến hành đăng ký là CFS (Certificate of Free Sale: Giấy chứng nhận lưu hành tự do) đối với: “Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen và thực phẩm đã qua chiếu xạ (Điều 38 của Luật), mặt khác đối với những thực phẩm nhập khẩu không thuộc 4 loại trên không yêu cầu CFS”.

Trong đó, thực phẩm chức năng được định nghĩa là “thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng cho cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học” (Điều 2 của Luật), thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, được định nghĩa là “thực phẩm bổ sung vitamin, chất khoáng, chất vi lượng nhằm phòng ngừa, khắc phục sự thiếu hụt các chất đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng” (Điều 2 của Luật).

Ông Motohisa, lãnh đạo một DN thực phẩm đến từ Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi được biết về việc đã có nơi yêu cầu CFS cho thực phẩm nhập khẩu không thuộc 4 phân loại trên.

Ví dụ, chất tạo ngọt “lakanto S” chỉ dùng nguyên liệu tự nhiên dù không thuộc loại nào trong 4 loại nêu trên nhưng vẫn bị yêu cầu CFS”.

Đại diện DN Nhật Bản cho biết, thủ tục cấp CFS ở Nhật Bản rất phức tạp, cơ quan cấp phát yêu cầu hóa đơn, danh sách đóng gói cho hàng hóa xin cấp CFS, nếu không hoàn thành việc chuẩn bị gửi hàng thì không thể xin CFS được.

Như vậy, thực tế là hàng hóa sau khi xuất khẩu khỏi Nhật Bản thì mới bắt đầu nhận được CFS, nhưng cho đến thời điểm đó thì không thể xin đăng ký bản công bố hợp quy.

Do vậy, khi hàng đã đến Việt Nam vẫn phải nằm chờ ở kho ngoại quan cho tới khi hoàn thành đăng ký với Bộ Y tế. Từ đó, sẽ phát sinh một số vấn đề như chất lượng bị kém đi, thời hạn sử dụng ngắn hơn, và tốn phí lưu kho.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản: Mong gỡ 'nút thắt' CFS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO