Doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế

29/04/2016 17:28

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng DN trong thời gian qua. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 96% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ (DNNVV), chính vì thế phải coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tại hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp (DN) với chủ đề “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, ngày 29/4, Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước tôn vinh DN, tôn trọng doanh nhân vì DN lúc nào cũng đi đầu trong công tác xây dựng đất nước. Theo Thủ tướng, từ thời kinh tế bao cấp đến khi chuyển sang kinh tế thị trường cạnh tranh doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh xây dựng đất nước. Tuy nhiên bước vào giai đoạn phát triển cần nhìn nhận môi trường của Việt Nam chưa thật sự thuận lợi cho DN đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đơn cử, Luật ra đời chậm; Thông tư, Nghị định không rõ ràng nên không có tính tương thích cao dẫn đến tình trạng cùng một vấn đề nhưng hiểu khác nhau. Chưa có cơ chế hiệu quả cho DN, cho nên nhiều sản phẩm Việt Nam chưa ra thị trường các nước.

Sức cạnh tranh của DN có chiều hướng giảm do thể chế, chính sách, thủ tục làm cho chi phí tăng. Kết nối DNNVV với DN lớn cũng như DN FDI còn hạn chế nên DNNVV có hiệu suất sinh lợi nhuận không cao.

Đặc biệt, phí chồng phí, thanh tra liên tục, rồi tiêu cực gây mất tiền bạc của DN. Cán bộ gây tiêu cục ở nhiều cấp.

Ngoài ra theo Thủ tướng, DN Việt Nam bị “hụt hơi” phản ánh tốc độ tăng trưởng nhưng toàn nền kinh tế thấp hơn. Hơn nữa kinh tế thị trường chưa đồng bộ, chưa thông suốt nhằm tạo năng lực cạnh tranh lành mạnh và kinh doanh bình đẳng.

Hàng loạt những yếu điểm của môi trường đầu tư kinh doanh đặt ra cần giải quyết rốt ráo nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN bằng 10 giải pháp cụ thể.

Nhà nước bảo vệ quyền lợi, quyền kinh doanh của DN (kinh doanh những loại hình mà Nhà nước không cấm). Không phân biệt đối xử với DN, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Đảm bảo sự lâu dài và bền vững của chính sách để DN yên tâm đầu tư. Đảm bảo kinh tế vĩ mô, an toàn cho DN. Các quy định phải minh bạch, chi phí thấp. Tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Đặc biệt lấy người dân và DN là đối tượng phục vụ. Tạo điều kiện phát triển hội nhập vì hiện nay 96% DN Việt Nam là DNNVV, chính vì thế phải coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Thủ tướng cho biết thêm, sẽ không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế trừ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Giảm giấy phép con. “Cởi mở theo hướng thông thoáng nhiều mặt song đối với nững DN hoạt động có tính rủi ro lớn cần phải quản lý chặt chẽ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho DN song DN vẫn phải chủ động tự tìm cơ hội phát triển một cách tốt nhất. Đất nước Việt Nam có hùng cường, DN Việt Nam mới lớn mạnh. Tôi tin tưởng Việt Nam có đội ngũ DN năng động, yêu nước có chọn lọc để hội nhập sâu rộng.

Thanh Giang

Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới

Bộ cam kết coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên bằng cách triển khai tích cực các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, thay đổi quan điểm từ hỗ trợ chung chung, đại trà tất cả các doanh nghiệp sang hỗ trợ có lựa chọn theo ngành, lĩnh vực và mục tiêu dài hạn nhất định. Ưu tiên tập trung vào khu vực các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh quốc gia, có ứng dụng đổi mới sáng tạo, định hướng xuất khẩu, doanh nghiệp liên kết trong các chuỗi giá trị, cụm liên kết tạo giá trị gia tăng cao. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Giữ ổn định lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước đã đang và sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Tín dụng tăng hơn 3%, cao hơn cùng kỳ năm trước; các TCTD hoạt động an toàn, ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì tiền tệ có những thách thức cần quan tâm như: tăng trưởng kinh tế chậm lại 5,46% - thấp hơn trước, đạt 6,7% khó vì hạn, mặn. thực hiện lạm phát cũng thách thức khi gia dầu tăng trở lại sẽ có nhiều mặt hàng khách cùng tăng theo. Tín dụng tăng từ đầu năm nhưng tăng khá nhanh, tring và dài hạn tăng 5%, một số lĩnh vực tăng cao quy mô lơn. Nhập siêu tăng trở lại khi cầu tăng lên. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tìn dụng an toàn hiệu quả, cảnh báo những tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng cao, sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Trường hợp có những biến động sẽ thực hiện bằng các công cụ can thiệp kịp thời. Tăng cường thanh tra giám sát.

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ Trưởng Công Thương:

Có chiến lược phát triển cho từng ngành

Tiếp tục cải cách hành chính là nhiệm vụ sống còn với nhiều biện pháp. Tới đây sẽ đưa toàn bộ dịch vụ hành chính công trực tuyến để thuận lợi cho dân và DN. Theo đó, năm 2016 sẽ cắt bỏ thêm nhiều thủ tục hành chính để đảm bảo thông thoáng hơn nữa cho DN. Về thị trường bán lẻ, Bộ đã xây dựng chiến lược về công nghiệp bán lẻ, có ưu tiên DN trong nước nhưng vẫn cấp phép cho DN FDI. Với công nghiệp ôtô, Bộ trưởng khẳng định sẽ có chiến lược phát triển phù hợp, bền vững.

Ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà:

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm

Các địa phương đẩy nhanh tốc độ lập quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng ở các khu vực có nhu cầu đầu tư. Tập trung xây dựng chương trình phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở, chú trọng thiết kế đô thị... làm cơ sở cho công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở theo quy hoạch và kế hoạch. Đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nâng cao năng lực bộ máy làm công tác quản lý nhà nước, đặc biệt bộ phận giải quyết thủ tục hành chính; có chế tài và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình thực hiện.

T.Giang (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO