Doanh nghiệp và gánh nặng chi phí, thủ tục

Lam Hồng - Quang Minh. 16/08/2017 09:30

Đề cập về những điểm nghẽn quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu vẫn còn gây khó doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ví von rằng: “Doanh nghiệp còn cõng đá trên lưng!”. Các cơ quan quản lý nghĩ sao nếu giảm một ngày thông quan kiểm tra chuyên ngành sẽ tiết kiệm được 800 triệu USD/năm cho doanh nghiệp?

DN ngành điều đang phải chịu ảnh hưởng do các thủ tục thông quan chưa hợp lý.

TS Nguyễn Đình Cung nhận định, các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành đến hiện giờ vẫn còn rất phức tạp và chồng chéo nhau trong quản lý nhà nước.

Đơn cử, một sản phẩm do 2-3 hoặc thậm chí là 4 bộ cùng quản lý nhưng không phải cùng một quy trình thủ tục giống nhau, bằng một tiêu chí chất lượng như nhau. Từ đó, chi phí của doanh nghiệp (DN), gồm chính thức và không chính thức, chi phí thời gian và tiền bạc là rất lớn. Như vậy, đối với xã hội, mục tiêu quản lý nhà nước là không đạt được, nhất là khi mà chi phí DN bỏ ra rất là lớn.

Hiện nay, theo thống kê từ phía hải quan thì tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu qua giai đoạn thông quan hiện giờ là khoảng 30%. Giới chuyên gia cho rằng đây là “món nợ” với DN dù đã đề ra từ năm 2015 là giảm xuống còn 15%. Như lưu ý từ chuyên gia Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tại sao các cơ quan quản lý không chuyển sang hậu kiểm? Cụ thể là chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hoá đã được thông quan. Nếu giảm đi một ngày thông quan thì có thể sẽ giúp các DN tiết kiệm được 800 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, chuyên gia Dự án USAID/GIG đặt vấn đề là nguyên tắc “một cửa” liệu có được áp dụng ở thực tế? Nhất là khi ở Khoản 5, Điều 19 của Nghị định 38/2012/NĐ-CP thực tế vẫn chưa được thực hiện đúng, DN phải chịu sự quản lý và thủ tục hành chính từ hơn một cơ quan quản lý khác nhau. Trong những trường hợp như vậy, rõ ràng DN phải mất nhiều thời gian, chi phí để tiến hành cùng lúc hai thủ tục lên hai bộ khác nhau cho cùng một sản phẩm lưu thông trên thị trường. Đó là vừa phải công bố sản phẩm bên Bộ Y tế và đăng ký danh sách các công ty xuất khẩu sản phẩm động vật được phép nhập khẩu vào Việt Nam bên Bộ NN&PTNT.

Nếu không công bố sản phẩm thì không lưu hành trên thị trường được vì phải ghi nhãn hàng hoá theo dạng bao gói sẵn. Tương tự, nhiều mặt hàng thuộc nhóm mặt hàng của Bộ NN&PTNT (đã qua chế biến bao gói sẵn) như sữa nguyên liệu, bơ, phô mai chịu kiểm tra chất lượng từ Bộ NN&PTNT (giấy kiểm dịch) và cả đơn vị kiểm tra chất lượng (giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu). Giới chuyên gia nhận định điều này đã gây lãng phí tốn thời gian cho cả DN và Nhà nước, trong khi bản chất sản phẩm không nhất thiết cần phải kiểm dịch, cũng như không hề có hoạt động kiểm dịch.

Mới đây, với các kiến nghị của DN về chồng chéo trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong Chỉ thị 26/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo các bộ ngành về tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở mức không quá 20% so với tổng số lô hàng xuất nhập khẩu, tương đương các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Và quy định thời gian báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung này trong quý III/2017. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ là rất rõ trong chuyện này, nhất là khi kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 70% thời gian làm thủ tục thông quan của DN. Vấn đề còn lại là thuộc về vai trò, trách nhiệm của các bộ ngành liên quan.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng trong bối cảnh hiện giờ để có sự thay đổi trong quản lý chuyên ngành thì phải có áp lực hành chính từ trên xuống để có sự thay đổi vì DN mà phục vụ. Nói như ông Cung, danh mục nhóm sản phẩm hàng hoá nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ là rất nhiều, cho nên phải có một quyết tâm trong cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành. Nếu căn cứ thông lệ quốc tế thì phải cắt giảm một nửa danh mục không cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp và gánh nặng chi phí, thủ tục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO