Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ưu đãi

T. Hằng 17/06/2020 09:30

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng TMCP đều hứa điều chỉnh giảm lãi suất lên tới 2%/năm cho các doanh nghiệp (DN). Song, trên thực tế các nhà băng không giảm được sâu như thế, DN cũng không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Việc nói không đi đôi với làm của các ngân hàng khiến không ít DN lao đao khó trụ vững do tác động của đại dịch Covid-19, một số DN có nguy cơ phá sản.

Trong lúc các DN khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để giúp đỡ DN, trong đó có miễn giảm thuế, phí cùng nhiều gói hỗ trợ vốn để DN tiếp cận. Cũng trong thời gian này, một số ngân hàng quảng cáo rầm rộ, tung ra các gói vay mới, ưu đãi lãi suất thấp cho DN. Đây chính là niềm mơ ước của cộng đồng DN, họ mong muốn có vốn để tái sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mơ ước chỉ là ước mơ, nhất là đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV), bởi muốn chạm tay tới các nguồn vốn ưu đãi là điều rất khó.

Ông Dương Văn Dân, Giám đốc Công ty CP đầu tư Bigsun Việt Nam thừa nhận, DNNVV thiếu kinh nghiệm quản trị, thiếu tài sản bảo đảm nên 90% gặp vấn đề về vốn, nhưng lại rất khó tiếp cận nguồn vốn. Do đó, ông Dân kiến nghị ngân hàng có giải pháp giãn nợ và nới lỏng điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho DN khó khăn về vốn.

Cũng đứng ở góc độ DN, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho hay: Các ngân hàng nói rằng đã có điều chỉnh giảm lãi suất từ 2% cho các DN, nhưng trên thực tế ngân hàng mới giảm lãi suất xuống 0,5%.

Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT công ty CP Lâm Điền phân tích: Ngành gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng tập trung xuất khẩu vào hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Anh, trong khi hai nước đó đến thời điểm này vẫn chưa mở cửa. Các DN hiện nay chỉ làm việc cầm chừng, hoặc đóng cửa.

“Về phía DN sẽ cố gắng hết sức tìm những đơn hàng nhỏ để duy trì sản xuất cầm chừng. Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng hiểu rằng ngân hàng là một DN, mà DN không thể giảm lãi suất nhiều được nhưng cố gắng giảm được bao nhiêu hay bấy nhiêu...” – ông Liêm nêu mong muốn.

Cũng mong muốn được giảm lãi suất các khoản vay, ông Lục Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy điện Thành Thủy kiến nghị ngân hàng cần kéo dài thời hạn cơ cấu trả nợ từ 12 đến 24 tháng. Đặc biệt, giảm lãi suất cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng rõ ràng hơn để DN vượt qua khó khăn trước mắt do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Bám sát diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ưu đãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO